Kiên Giang: Canh tác gần 30 năm, bỗng 60 ha đất “lọt” vào quỹ đất của xã

(Dân trí) - Anh em bà Bình bức xúc khi hơn 60ha đất khai phá từ 1989 bỗng “lọt” vào quỹ đất của xã Kiên Bình. Nhưng khi bà Bình khiếu nại, bà mới biết UBND tỉnh có quyết định lấy đất lập quỹ từ 2002 nhưng 10 năm sau địa phương mới đưa ra quyết định này?

Sự việc có nhiều khuất tất nêu trên là của anh em bà Trần Thị Bình ở ấp Cống Tre, xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Theo đơn gửi đến báo Dân trí, bà Bình và các anh chị em, gồm: bà Trần Thị Hường, Trần Thị Thao, Trần Văn Sang và Trần Văn Hải cùng đổ công sức khai phá toàn bộ diện tích trên 60ha đất ở ấp Cống Tre từ năm 1989. Nhưng đến 2008, UBND xã Kiên Bình đến can ngăn gia đình bà canh tác vì cho biết toàn bộ diện tích đất này nằm trong quỹ đất 5% của xã. Trước sự việc bất ngờ này, gia đình bà Bình đã gửi đến cơ quan chức năng và báo Dân trí để đòi lại quyền lợi chính đáng khi gia đình bà có gần 30 năm canh tác trên mảnh đất này.

Nguồn gốc 60ha đất

Theo bà Bình trình bày, từ năm 1989, khi trạm máy kéo ở địa phương giải thể, gia đình bà Bình có mua hóa giá 01 chiếc máy cày để đi cày thuê kiếm sống. Vào thời điểm này, tại khu vực ấp Cống Tre, thị trấn Kiên Lương, huyện Hà Tiên (nay là ấp Cống Tre, xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương) đất bỏ hoang nhiều vô số kể. Do đó, 5 anh em bà đến vùng đất này dùng máy cày khai hoang trong suốt 3 năm để trồng lúa. Đến năm 1992, anh em bà Bình đã khai hoang và lập bờ bao xung quanh khu đất với tổng diện tích 60ha (600.000m2) và canh tác ổn định, không ai tranh chấp cho đến nay.

Kiên Giang: Canh tác gần 30 năm, bỗng 60 ha đất “lọt” vào quỹ đất của xã
Để có 60 ha đất bằng phẳng trồng lúa 2 vụ như hiện nay, anh em bà Bình đã tốn không biết bao công sức đổ xuống mảnh đất này.

Nhưng đến năm 2008, trong lúc gia đình bà Bình cày xới để gieo sạ lúa, UBND xã Kiên Bình cho cán bộ đến lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính đối với anh em bà Bình với hành vi “cản trở và sử dụng đất người khác” 3 triệu đồng. Gia đình bà Bình không chấp nhận quyết định này và có đơn khiếu nại thì được UBND xã Kiên Bình cho biết, sở dĩ UBND xã ra quyết định xử phạt là vì toàn bộ diện tích 60ha của anh em bà Bình đang canh tác nằm trong quỹ đất 5% của UBND xã.

Dẫn chúng tôi đến xem mảnh đất mà anh em bà Bình đang tranh chấp với UBND xã Kiên Bình, bà Trần Thị Hường cho biết: “Để có mảnh đất bằng phẳng, có bờ bao xung quanh và trồng được 2 vụ lúa như bây giờ anh em chúng tôi đã tốn không biết bao nhiêu công sức trong việc phát cỏ, cày ải, đắp bờ bao… Đặc biệt, từ khi nhà nước đào kênh xả phèn, gia đình tôi làm được 2 vụ lúa và chỉ tính riêng việc bơm nước cho lúa, cày xới, mỗi năm trên 6.000 lít dầu. Như vậy, công sức, tiền của của 5 anh em chúng tôi đổ vào mảnh đất này từ năm 1989 đến nay làm sao tính hết. Sự việc như vậy nhưng địa phương chẳng tính cho anh em chúng tôi đồng nào chỉ nói đất quỹ rồi đến lấy phân chia cho người khác. Với cách làm nay thì những nông dân chân lắm tay bùn như chúng tôi làm sao im lặng được!”.

Kiên Giang: Canh tác gần 30 năm, bỗng 60 ha đất “lọt” vào quỹ đất của xã
Từ mảnh đất bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm... gia đình bà Bình khai phá trở thành mảnh đất đẹp như thế này, bỗng UBND xã buộc bà khôi phục lại hiện trạng ban đầu?

Trong hồ sơ đất của mình, gia đình bà Bình còn gửi đến cho chúng tôi có 10 lá đơn của các hộ dân canh tác lân cận với mảnh đất anh em bà Bình xin làm chứng và xác nhận nguồn gốc đất cho anh em bà Bình, như đơn của ông Trần Phước Thành - thường trú ấp Rạch Đùng, xã Bình Trị, Kiên Lương xác nhận trong đơn: Trước năm 2000 ông Thành có 3 chiếc máy cày và đến khu vực ấp Cống Tre cày thuê thì biết gia đình bà Hường, ông Lợi (chồng bà Hường) đã canh tác mảnh đất này và trong suốt thời gian cày thuê ở đây ông Thành chứng kiến gia đình bà Hường canh tác liên tục và không có ai đến tranh chấp đất. Trong đơn làm chứng của ông Thành, có ban nhân dân ấp và chính quyền địa phương nơi ông Thành thường trú xác nhận lời khai của anh Thành là đúng sự thật.

Còn theo nhân chứng Hồ Văn Biên (1954) - ấp Sông Chinh, xã Bình Trị, huyện Kiên Lương cho biết, từ năm 1989, ông Biên đã biết anh em bà Bình đến khai hoang và canh tác mảnh đất hơn 60 ha từ đó cho đến nay. Sở dĩ ông Biên dám đứng ra làm chứng việc này là vì ông có có một mảnh đất trồng lúa gần mảnh đất bà Hường, bà Bình… và đến giờ ông Biên vẫn còn canh tác nên biết rất rõ.

10 năm mới thực hiện quyết định?

Theo anh em bà Bình cho biết, sau khi gia đình bà bị xử phạt vi phạm hành chính năm 2008, gia đình bà Bình tiếp tục canh tác cho đến năm 2012 thì UBND xã Kiên Bình tiếp tục cản trở vì cho rằng đất thuộc quyền quản lý của xã. Lúc này, gia đình bà Bình yêu cầu địa phương chứng minh diện tích đất của bà nằm trong quỹ đất của xã thì ông Ngô Văn Nam - Chủ tịch UBND xã Kiên Bình đưa cho gia đình bà Bình quyết định 470/QĐ – UB ngày 6/02/2002 của UBND tỉnh Kiên Giang “Về việc giao đất cho UBND thị trấn Kiên Lương để làm quỹ đất công ích 5%.

Trong quyết định số 470 của UBND tỉnh mà ông Nam đưa cho anh em bà Bình, UBND tỉnh Kiên Giang không nêu cụ thể, chỉ nêu chung giao 220,5ha đất (gồm khu 1: 20,00ha; Khu 2: 3,00ha; Khu 3: 82,50ha; Khu 4: 40,00ha; Khu 5: 75,00ha) tại ấp Tám Thước, Cống Tre - Kênh 9, thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương cho UBND thị trấn Kiên Lương làm quỹ đất công ích 5% (Có sơ đồ vị trí khu đất tỷ lệ 1/5.000; 1/10.000; và 1/25.000 do Phòng địa chính Giao thông Công nghiệp huyện Kiên Lương đo vẽ kèm theo, mỗi khu vực 1 bản vẽ). Đồng thời quyết định nêu: đơn vị được giao đất phải quản lý và sử dụng đất đúng mục đích, ranh giới, diện tích được giao và phải thực hiện đúng Luật đất đai.

Kiên Giang: Canh tác gần 30 năm, bỗng 60 ha đất “lọt” vào quỹ đất của xã
Tờ sơ đồ thể hiện vị trí và tên của 114 hộ dân được Ủy ban thị trấn Kiên Lương nhanh lẹ thực hiện khi quyết định 470 của UBND tỉnh ra đời mới 14 ngày (khoảng trống ở giữa là mảnh đất 60 ha của chị em bà Bình). Như vậy, với thời gian ngắn như thế liệu Ủy ban thị trấn Kiên Lương có xét cấp đất đúng đối tượng?

Khi có quyết định này, 14 ngày sau (20/02/2002), UBND thị trấn Kiên Lương có danh sách cấp đất và tờ trình xin cấp giấy CN - QSDĐ cho 114 hộ dân. Điều này chứng tỏ, UBND thị trấn Kiên Lương “nhanh lẹ” thực hiện ngay việc giữ và giao đất quỹ công ích 5% theo tinh thần quyết định 470 của UBND tỉnh Kiên Giang vào ngày 6/02/2002 cho 114 hộ dân ở địa phương.

“Khi cán bộ đến nhận đất do UBND thị trấn Kiên Lương giao theo quyết định 470, một cán bộ cho tôi bản sơ đồ thể hiện vị trí, tên 114 hộ dân được nhận đất. Qua sơ đồ này, mảnh đất hơn 60ha của 5 anh em chúng tôi lọt thỏm giữa hàng trăm ha đất cấp cho 114 hộ và toàn bộ diện tích đất của anh em chúng tôi không ai đá động gì đến. Tôi còn nhớ, cán bộ cho tôi sơ đồ nói với tôi: “Bà giữ sơ đồ này vì rất có thể 10 năm nữa bà sẽ bị mất đất”. Và điều đó đến như vị cán bộ đó nói nhưng gia đình chúng tôi không hiểu vì sao một quyết định đã có từ 2002 mà 10 năm sau mới thực hiện? Lí do nào chính quyền địa phương “ưu ái” cho gia đình tôi canh tác trong suốt 10 năm rồi mới lấy đất để đẩy gia đình tôi vào cảnh nợ nần, không còn “cục đất chọi chim” như bây giờ? Bà Bình bức xúc.


Trao đổi với PV Dân trí xung quanh quyết định 470 của UBND tỉnh Kiên Giang đã có từ năm 2002 nhưng đến 10 năm sau xã mới triển khai quyết định đối với gia đình anh em bà Hường, bà Bình… Chủ tịch UBND xã Kiên Bình cho biết: “Khi quyết định 470 của UBND tỉnh ra đời thì xã Kiên Bình chưa thành lập. Do vậy, diện tích 60 ha đất của anh em bà Hường, bà Bình… do UBND thị trấn Kiên Lương quản lý. Sau khi xã Kiên Bình thành lập, toàn bộ diện tích quỹ đất 5% theo quyết định 470 của UBND tỉnh Kiên Giang giao lại cho UBND xã Kiên Bình quản lý nên diện tích 60 đất của anh em bà Hường canh tác thuộc quỹ đất công ích 5% của xã. Nhưng anh em bà Hường vẫn canh tác nên tháng 10/2014 UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt hành chính 65 triệu đồng đối với hành vi bao chiếm đất của anh em bà Hường. Đến nay gia đình bà Hường tiếp tục khiếu nại.”

Được biết, ngày 24/4/2012, UBND xã Kiên Bình lấy toàn bộ diện tích đất 60 ha của anh em bà Bình (mà xã cho rằng là quỹ đất 5%) giao cho 23 hộ dân bằng hình thức cho thuê đất trồng lúa với diện tích mỗi hộ từ 2 -3 ha. Biết được việc này, anh em bà Bình, bà Hường… đến can ngăn quyết liệt nên đến nay 23 hộ dân vẫn chưa được nhận đất. Đặc biệt, theo danh sách 23 hộ dân được thuê đất, anh em bà Bình đi tìm hiểu mới biết đa phần là cán bộ và người thân của cán bộ đang công tác ở xã Kiên Bình và một số hộ nhận đất gia đình bà Bình cho rằng không phải là người trong xã.

Trước những khuất tất nêu trên, anh em bà Bình có đơn khởi kiện quyết định hành chính số 2386/ QĐ - XPHC ngày 8/10/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang. Ngày 24/10/2014 TAND tỉnh Kiên Giang đã thụ lý vụ kiện hành chính này. Ngoài ra, TAND tỉnh Kiên Giang đã thông báo đến Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - bên bị kiện trong thời gian 15 ngày, cung cấp hồ sơ, chứng cứ vụ việc… nếu không có đơn gia hạn, Tòa sẽ đơn phương xử lý vụ việc. Tuy nhiên, mới đây (11/4) gia đình bà Bình mới nhận được thông báo của TAND tỉnh Kiên Giang mời anh em bà đến đối thoại vào ngày 20/4 sắp tơi.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Nguyễn Hành

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm