Sóc Trăng: Lão nông có nguy cơ vướng vòng lao lý vì tranh chấp đất đai!

(Dân trí) - Từ chỗ xin người em đất để làm đường đi ra ruộng không thành, người chị khiếu nại đến chính quyền và được giải quyết cho thắng kiện. Vì thế, khi chính quyền giao đất cho chị, người em kiên quyết phản đối và có nguy cơ phải vướng vòng lao lý về tội “chống người thi hành công vụ”…

Ngày 6/6, ông Nguyễn Văn Khuyến (SN 1944, ngụ tại ấp 21, xã Thạnh Tân, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng) cho biết: Ngày 5/6, UBND xã Thạnh Tân tổ chức cuộc họp để xác định ranh giới đất giữa ông với bà Nguyễn Thị Trừ (mất năm 2017, chị ruột ông Khuyến).

Tuy nhiên, tại cuộc họp, ông Khuyến phản đối, bỏ về. Ông Khuyến cho rằng, do chính quyền cùng cơ quan chức năng cố ý vu khống ông về tội lấn ranh đất bà Trừ khiến ông bị mất đất, lại mang tiếng tranh giành đất với chị gái.

Ông Nguyễn Văn Khuyến với đơn khiếu nại.
Ông Nguyễn Văn Khuyến với đơn khiếu nại.

Theo hồ sơ vụ việc cùng xác nhận của nhân chứng: Trước đây cha mẹ ông Khuyến thuê của địa chủ phần đất nền nhà để sử dụng, diện tích khoảng 1.110 m2 tọa lạc tại ấp 21, xã Thạnh Tân, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng. Năm 1945, cha ông mất, 2 chị lớn của ông lập gia đình ra riêng, người chị thứ tư là Nguyễn Thị Trừ thoát ly tham gia cách mạng, riêng ông là con trai duy nhất trong nhà sống chung với mẹ.

Trong thời gian sống chung với mẹ, ông Khuyến đã khai hoang thêm phần đất xung quanh nền thổ cư của cha mẹ và tạo thành thửa đất số 378, diện tích 7.676 m2 sử dụng cho đến nay. Năm 1986, mẹ ông qua đời, ông quản lý sử dụng toàn bộ diện tích đất đó.

Năm 1989, khi bà Nguyễn Thị Trừ về nghỉ hưu, ông chia lại cho bà Trừ sử dụng 650 m2 trong tổng số diện tích 1.100m2 đất nền nhà của cha mẹ và bà Trừ đã cất nhà ở, xây dựng hàng rào kiên cố xung quanh nhà. Đến năm 2013, bà Trừ xin ông thêm 3 m đất chiều ngang, chiều dài hết đất để làm đường đi ra ruộng, nhưng ông không đồng ý và từ đó phát sinh tranh chấp. Bà Trừ khiếu nại đến UBND xã Thạnh Tân.

Ngày 16/5/2013, UBND xã Thạnh Tân mời 2 bên đến để hòa giải việc tranh chấp. Tại buổi hòa giải, bà Trừ vẫn nêu yêu cầu ông Khuyến cho bà thêm 3 m đất để làm đường đi, nhưng ông Khuyến không đồng ý. Yêu cầu của bà Trừ được ghi rõ trong biên bản hòa giải và bà Trừ cũng ký tên, được đóng dấu bởi UBND xã Thạnh Tân. Việc hòa giải không thành và hồ sơ được chuyển về UBND huyện Thạnh Trị.

Ngày 20/1/2014, Chủ tịch UBND huyện Thạnh Trị ban hành Quyết định số 35/QĐ-CTUBND với nhận định: Toàn bộ phần đất có diện tích 7.676 m2, số thửa là 378, thuộc tờ bản đồ số 5, tọa lạc tại ấp 21, xã Thạnh Tân, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng là đất của cha mẹ ông Khuyến để lại, trong đó phần đất đang tranh chấp giữa ông với bà Trừ là 1.777 m2.

Theo UBND huyện Thạnh Trị, phần đất 1.777 m2 này bà Trừ đã sử dụng ổn định từ năm 1989 cho đến nay. Đến năm 2012 phát sinh tranh chấp giữa ông Khuyến và bà Trừ mà nguyên do bà Trừ cho rằng ông Khuyến lấn sang đất bà Trừ. Từ đó, Chủ tịch UBND huyện Thạnh Trị đã giải quyết: “Chấp nhận đơn yêu cầu của bà Nguyễn Thị Trừ về việc yêu cầu công nhận quyền sử dụng đất có diện tích 1.537 m2 tại thửa số 378, tờ bản đồ số 5, tọa lạc tại ấp 21, xã Thạnh Tân, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng. Bà Trừ đồng ý cho lại ông Khuyến 240 m2 trong diện tích đất 1.777 m2”.

Không đồng ý với quyết định của UBND huyện Thạnh Trị, ông Khuyến khiếu nại đến UBND tỉnh Sóc Trăng. Ngày 1/12/2014, UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành Quyết định số 63/QĐKN-CTUBND với nội dung bác đơn khiếu nại của ông Khuyến, giữ nguyên quyết định của UBND huyện Thạnh Trị.

Theo ông Khuyến, quyết định của chính quyền là sai sự thật, làm ảnh hưởng tiêu cực đến quyền, lợi ích hợp pháp của ông.

Cụ thể, theo quyết định của UBND huyện Thạnh Trị, phần đất tranh chấp có diện tích 1.777 m2 nằm trong thửa đất số 378, tờ bản đồ số 5, có diện tích 7.676 m2 (tọa lạc tại ấp 21, xã Thạnh Tân, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng) là đất của cha mẹ ông để lại là không đúng với thực tế khách quan. Bởi vì cha ông chết năm 1945, mẹ chết năm 1986. Khi cha mẹ còn sống thì chỉ trực tiếp quản lý và sử dụng phần đất thổ cư diện tích khoảng 1.110 m2 thuê của địa chủ chứ không có phần đất nào khác. Sau đó, ông mới khai phá phần đất xung quanh nền thổ cư này tạo thành thửa đất số 378 với diện tích 7.676 m2 như hiện nay.

Thứ hai, đối với phần đất tranh chấp 1.110 m2, ông Khuyến là người trực tiếp quản lý và sử dụng từ lúc cha mẹ còn sống cho đến năm 1989 mới nhường lại một phần là 650 m2 cho bà Nguyễn Thị Trừ. Phần đất của bà Trừ đã có phân ranh rõ ràng thể hiện qua hàng rào kiên cố của bà Trừ. Còn phần đất cặp hàng rào bà Trừ sang phía nhà ông Khuyến là do ông quản lý, sử dụng thể hiện qua cây cối ông trồng trên mặt đất và cái ao nằm phía sau nhà bà Trừ (cặp sát hàng rào bà Trừ đã xây) là do ông quản lý. Vì vậy, quyết định của huyện và tỉnh cho rằng bà Trừ quản lý, sử dụng luôn phần đất này từ năm 1989 là không đúng.

Điều quan trọng nhất là ngay từ đầu bà Trừ thể hiện rõ ý xin ông Khuyến 3 m đất chiều ngang, chạy dài ra sau (khoảng 90 m2) để làm đường ra ruộng, nhưng trong các quyết định của huyện và tỉnh lại cho rằng ông Khuyến lấn chiếm đất bà Trừ nên bị khiếu nại.

Ông Nguyễn Văn Khuyến nói: “Ngay từ đầu, chị tôi xin tôi đất để làm đường đi ra ruộng, tôi không đồng ý vì con tôi đông, gia cảnh lại khó khăn. Nhưng chính quyền lại cho rằng tôi lấn chiếm đất nên bị chị tôi khiếu nại cũng là không đúng sự thật. Họ cố ý làm sai, vu khống tôi để lấy đất của tôi giao cho chị tôi vì chị tôi là cán bộ về hưu, quen biết nhiều, gia đình lại giàu có”.

Sau đó, ông Nguyễn Văn Khuyến khởi kiện quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đến TAND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu TAND tỉnh Sóc Trăng hủy quyết định số 63/QĐKN-CTUBND ngày 01/12/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng.

Ngày 29/9/2015, TAND tỉnh Sóc Trăng xét xử sơ thẩm tuyên xử: “Đình chỉ giải quyết một phần vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn Khuyến về việc yêu cầu hủy Quyết định số 35/QĐ-CT.UBND ngày 20/01/2014 của Chủ tịch UBND huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng. Bác đơn khởi kiện của ông Nguyễn Văn Khuyến về việc yêu cầu TAND tỉnh Sóc Trăng hủy quyết định số 63/QĐKN-CTUBND ngày 01/12/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng”.

Ông Khuyến kháng cáo đến TAND Cấp cao tại TPHCM và ngày 18/8/2017, TAND Cấp cao tại TPHCM xét xử phúc thẩm và tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Sóc Trăng.

Nhà bà Trừ xây hàng rào kiên cố bên cạnh đất của ông Khuyến.
Nhà bà Trừ xây hàng rào kiên cố bên cạnh đất của ông Khuyến.

Trao đổi với chúng tôi về cuộc họp ngày 5/6, ông Đoàn Thanh Những- Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Tân cho biết: “Chúng tôi tổ chức cuộc họp này theo chỉ đạo của UBND huyện để xác định ranh giới đất cho bà Nguyễn Thị Hận (con gái bà Trừ) theo yêu cầu của bà này, nhưng ông Khuyến cho rằng ông không đồng ý và bỏ về”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi TAND Cấp cao tại TPHCM xử phúc thẩm, ông Khuyến đã có đơn xin giám đốc thẩm gửi Chánh án TAND Tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhưng đến nay chưa có hồi âm. Còn UBND huyện Thạnh Trị đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Nguyễn Thị Trừ và ngày 5/6 mới xuống xác định ranh đất giữa bà Trừ và ông Khuyến.

Theo ông Mai Thanh Ngon- Chủ tịch UBND huyện Thạnh Trị: “Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Trừ mà chưa đo đạc thực tế là không đúng quy định. Đề nghị Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất kiểm tra lại, nếu sai thì phải thu hồi , xuống đo đạc, xác định ranh giới rõ ràng mới cấp lại”.

Ông Nguyễn Văn Khuyến bức xúc: “Các quyết định của Chủ tịch UBND huyện Thạnh Trị và Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng là hoàn toàn không đúng sự thật, không đúng các qui định của pháp luật về đất đai, gây thiệt thòi về quyền và lợi ích hợp pháp của tôi, bôi nhọ danh dự của tôi khi cho rằng tôi lấn đất của bà Trừ nhưng thực tế bà Trừ xin đất nhưng tôi không cho.

Tôi tin vào tòa án nhưng cuối cùng niềm tin của mình cũng bị sụp đổ bởi tòa cũng không xem xét kỹ hồ sơ, không nghe ý kiến trình bày và hồ sơ chứng cứ mà tôi cung cấp. Họ hăm nếu tôi ngăn cản việc sử dụng đất của phía bà Trừ sẽ bỏ tù tôi về tội chống người thi hành công vụ, cản trở quyền sử dụng đất của người khác. Tôi sẽ tiếp tục khiếu nại để đòi công lý”.

C.X.L