Sóc Trăng: Kiên quyết chấm dứt hoạt động của bến phà không phép
(Dân trí) - Liên quan đến vụ sáp nhập bến phà trên sông Hậu đoạn từ xã Nhơn Mỹ (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) qua huyện Cầu Kè (tỉnh Trà Vinh) mà báo Dân trí đã phản ánh từ năm 2013 đến nay, Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT) tỉnh Sóc Trăng vừa có yêu cầu chấn chỉnh hoạt động bến phà không phép tại khu vực này.
Thông báo của Sở GT-VT tỉnh Sóc Trăng nêu rõ, ngày 6/6/2016, Chánh Thanh tra Sở GT-VT tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Quyết định số 48/QĐ-TTr đình chỉ hoạt động bến phà của ông Chót, dù nhận quyết định nhưng ông Chót không chấp hành thực thi, vẫn hoạt động bình thường, gây bức xúc trong dư luận xã hội, là nguy cơ tiềm ẩn gây tai nạn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn.
Theo Thông báo của Sở GT-VT tỉnh Sóc Trăng, kể từ ngày 30/3/2017, Sở GT-VT tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo Thanh tra Sở trực ngay đầu bến của ông Chót để hướng dẫn hành khách chuyển sang bến khách ngang sông Trà Ếch có phép của ông Hứa Văn Lến để đi lại an toàn”.
Như Dân trí đã phản ánh, năm 2005, ông Hứa Văn Lến (ngụ huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) và ông Ngô Văn Chót (ngụ huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) cùng nhau đầu tư khai thác việc đưa khách qua sông từ Sóc Trăng sang Trà Vinh, được UBND huyện Kế Sách và UBND huyện Cầu Kè cấp giấy phép.
Theo thỏa thuận, ông Chót chịu trách nhiệm đầu tư bến phía bờ Cầu Kè, ông Lến chịu bến bờ Kế Sách. Cả 2 bên đều có đủ phương tiện chở khách qua sông, cùng chạy chung theo hình thức đối lưu, chạy theo lịch xen kẽ.
Giữa tháng 4/2011, hợp đồng thuê bến của mình chấm dứt, chủ đất không cho thuê nên ông Lến đã thuê đất của một người dân khác cách bến cũ khoảng 50m và xin phép cơ quan chức năng cho dời bến cũ về nơi mới và được Phòng Công thương huyện Kế Sách chấp thuận.
Tuy nhiên, cùng lúc đó, ông Chót lại thuê đất nơi bến cũ và cũng được Phòng Công thương huyện Kế Sách tham mưu cho UBND huyện này cấp phép cho mở bến. Việc cấp phép mở bến cho ông Chót bị ông Lến phản ứng, bởi ông Chót là người của huyện Cầu Kè (tỉnh Trà Vinh), chịu trách nhiệm bến phía huyện Cầu Kè, còn ông Lến chịu trách nhiệm bến ở phía bờ Sóc Trăng. Bến mới ông đã đầu tư xong, nhưng bến cũ ông Chót vẫn khai thác nên gây khó khăn cho hành khách khi bà con quen bến cũ, dù ngày đó không phải ông Chót chạy nhưng bà con vẫn xuống bến, khi biết không có phà, phải chạy ngược sang phía bến của ông Lến.
Trước phản ứng của người dân về việc cấp phép mở bến cho ông Ngô Văn Chót, Sở GT-VT tỉnh Sóc Trăng đã thành lập đoàn công tác phối hợp với UBND huyện Kế Sách khảo sát thực tế tại bến phà nói trên. Qua khảo sát, Sở GT-VT tỉnh Sóc Trăng khẳng định: “Cùng một tuyến vận tải nhưng bờ phía Sóc Trăng được tổ chức 2 bến gần nhau cùng hoạt động làm cho hành khách có nhu cầu qua sông khó nhận biết được bến được phép hoạt động tiếp theo”.
Trên cơ sở đó, Sở GT-VT tỉnh Sóc Trăng có Công văn gửi UBND huyện Kế Sách với nội dung: “Đề nghị UBND huyện Kế Sách chỉ đạo Phòng Kinh tế -Hạ tầng huyện cần nghiên cứu trong việc tổ chức quản lý hoạt động bến khách ngang sông Trà Ếch-Đường Đức theo hướng hợp nhất 2 bến nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông và tạo thuận lợi cho hành khách qua lại”.
Ngày 21/5/2014, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Kế Sách đã họp với ông Ngô Văn Chót và ông Hứa Văn Lến (2 chủ phà) để triển khai ý kiến của Sở GT-VT Sóc Trăng và UBND huyện Kế Sách là “thống nhất mở một bến tại vị trí bến do ông Hứa Văn Lến đầu tư xây dựng để quản lý cho tốt”. Đồng thời, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Kế Sách cũng tham mưu UBND huyện không cấp phép mở bến cho ông Ngô Văn Chót ở phía bờ Sóc Trăng.
Thế nhưng, cho đến nay việc hợp nhất bến vẫn không thành mà nguyên nhân xuất phát từ phía ông Ngô Văn Chót không đồng ý, tìm cách gây khó khăn cho ông Hứa Văn Lến khi vẫn sử dụng bến cũ nguy hiểm để đưa khác sang sông. Vì vậy, Sở GT-VT Sóc Trăng đã kiên quyết dẹp bến phà hoạt động không phép của ông Chót như đã nêu trên.
Bạch Dương