Sóc Trăng: Hơn 10 năm "đội đơn" đi đòi tài sản

(Dân trí) - Vụ việc xảy ra cách đây 11 năm với 5 phiên tòa xét xử dân sự. Cho đến khi bản án phúc thẩm (lần 2) có hiệu lực thì gia đình bà Hía mất hết tài sản, đi đòi lại mấy năm nay mà không cơ quan nào giải quyết.

Theo trình bày của bà Giang Mỹ Hía (mẹ Trần Bảo Lợi, sinh năm 1981, mất năm 2007, trú tại ấp Hòa Khanh, xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng): Ngày 16/11/1997, bà Lý Mỹ Hạnh (sinh năm 1965) đi chợ Thạnh Quới, Lợi đùa bằng cách dùng dây cột vào đuôi áo bà Hạnh. Phát hiện hành vi đùa cợt của Lợi, bà Hạnh đã rượt đuổi và vật Lợi xuống đất, dùng tay bóp mạnh vào “vùng kín” của Lợi. Do quá đau, Lợi vùng vẫy khiến bà Hạnh ngã. Sau đó, ai về nhà nấy.

Đến 4 tháng sau, bà Lý Mỹ Hạnh làm đơn khởi kiện Trần Bảo Lợi ra TAND huyện Mỹ Xuyên với lý do: “Bảo Lợi xô bà ngã bị sụp cột sống”. Nhận đơn của bà Hạnh, ngày 23/12/1998, TAND huyện Mỹ Xuyên xét xử và tuyên buộc Trần Bảo Lợi và gia đình có trách nhiệm bồi thường cho bà Hạnh số tiền là 8.962.000 đồng; chịu án phí 448.000 đồng.

Không đồng ý với phán quyết của tòa, ngày 31/12/1998, bà Giang Mỹ Hía (mẹ Trần Bảo Lợi, người giám hộ của Lợi, vì lúc đó Lợi mới 16 tuổi) làm đơn kháng cáo. Ngày 25/9/1999, TAND tỉnh Sóc Trăng xét xử phúc thẩm và tuyên buộc Trần Bảo Lợi và gia đình có trách nhiệm bồi thường cho bà Hạnh số tiền là 5.965.000 đồng; chịu án phí 280.000 đồng. Không đồng ý với phán quyết của tòa tỉnh, bà Giang Mỹ Hía làm đơn kháng cáo lên TAND tối cao.

Ngày 6/6/2001, TAND tối cao có quyết định số 103/KNDS đối với 2 bản án nói trên. Ngày 21/9/2001, TAND tối cao mở phiên tòa giám đốc thẩm và quyết định hủy 2 bản án dân sự sơ thẩm của TAND huyện Mỹ Xuyên và phúc thẩm của TAND tỉnh Sóc Trăng; giao toàn bộ hồ sơ vụ kiện về TAND tỉnh Sóc Trăng xét xử lại từ giai đoạn sơ thẩm.

Theo nhận định của TAND tối cao, nguyên đơn Lý Mỹ Hạnh khai sau khi xẩy ra sự việc đã đến một số cơ sở y tế ở Sóc Trăng và Trung tâm chấn thương chỉnh hình TPHCM điều trị nhưng bà Hạnh không cung cấp được hồ sơ bệnh án, không có giấy xuất nhập viện, giấy chứng nhận thương tật, không ghi ngày nhập viện cũng như ngày xuất viện. Thậm chí, trong tất cả các hóa đơn mua thuốc bà Hạnh cung cấp cho cơ quan tòa án, chỉ có 4 hóa đơn phù hợp với đơn thuốc bác sĩ đã kê, còn lại không có đơn thuốc kèm theo, số lượng thuốc cũng quá lớn so với qui định.

Ông Trần Văn Phòng (cha ruột Lợi) cho biết thêm: “Khi nghe bà Hạnh nói phải đi điều trị tại TPHCM, chưa rõ thực hư ra sao nhưng tôi cũng thay mặt gia đình lên thăm. Nhưng khi lên đến TPHCM điện thoại hỏi thì bà Hạnh nói đã xuất viện. Tôi vào Trung tâm chấn thương chỉnh hình hỏi thăm thì nơi đây cho biết không có bệnh nhân nào tên là Lý Mỹ Hạnh ở Sóc Trăng điều trị ở đây cả”.

Sóc Trăng: Hơn 10 năm đội đơn đi đòi tài sản
Bà Hía bên bàn thờ con trai. Hơn 10 năm qua, bà Hía gửi đơn đòi lại tài sản nhưng không ai giải quyết.

Ngày 27/9/2003, TAND huyện Mỹ Xuyên xét xử sơ thẩm (lần 2) bác bỏ nhưng đơn thuốc không hợp lệ của bà Hạnh, tuyên buộc Trần Bảo Lợi có trách nhiệm bồi thường cho bà Hạnh số tiền 3.080.000 đồng và chịu án phí dân sự 50.000 đồng và 154.000 đồng án phí bồi thường.

Cho rằng Tòa xử ép mình, ngày 8/8/2003, bà Hạnh làm đơn kháng cáo. Ngày 10/8/2003, Trần Bảo Lợi cũng làm đơn kháng cáo lên TAND tỉnh Sóc Trăng vì tuyên buộc của TAND huyện Mỹ Xuyên là vô lý.

Ngày 30/7/2004, TAND tỉnh Sóc Trăng xét xử và tuyên buộc Trần Bảo Lợi có trách nhiệm bồi thường cho bà Hạnh số tiền 1.143.800 đồng và chịu án phí xác minh 193.000 đồng.

Điều đáng nói, sau khi bản án phúc thẩm (lần 1) có hiệu lực, ngày 30/8/2000, Phòng thi hành án (nay là Cục thi hành án) tỉnh Sóc Trăng và Đội thi hành án huyện Mỹ Xuyên đã tiến hành cưỡng chế kê biên tài sản của gia đình bà Hía mà không thông báo cho gia đình biết, tự ý vào nhà thu giữ tài sản khi người trong nhà đi vắng. Tài sản bị thu giữ gồm: 1 Tivi hiệu SONY 21 in, Model No.kw trị giá 5,4 triệu đồng; 1 đầu đĩa hiệu JVC số 3 đĩa trị giá 5,2 triệu đồng; 1 đầu đĩa 4 thớt hiệu AIWA trị giá 7,1 triệu; 1 đầu đọc trị giá 600.000 đồng; 1 bộ điều khiển từ xa của Tivi SONY, 1 bộ điều khiển từ xa của đầu máy JVC. Tất cả những tài sản trên đều là hàng mới chính hãng với tổng số tiền trên 18,3 triệu đồng.

Số tài sản đó được Phòng thi hành án tỉnh Sóc Trăng bán với giá 8,46 triệu đồng, bồi thường cho bà Lý Mỹ Hạnh hết 5.965.000 đồng, và án phí hết 280.000 đồng. Riêng số tiền dư ra không biết nằm ở đâu?

Kể từ ngày phiên tòa phúc thẩm (lần 2)  kết thúc đến nay đã 10 năm, vậy mà chưa một cơ quan nào giải quyết trả lại tài sản cho bà Giang Mỹ Hía dù bà đã gửi rất nhiều đơn yêu cầu. Bà Hía nói: “Tôi đã nhiều lần yêu cầu giải quyết nhưng không cơ quan nào nghe. Con tôi đã mất cách đây mấy năm, nay án vẫn chưa xong, thật là vô lý”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Hùng Thanh - Cục trưởng Cục thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Cơ quan thi hành án thực hiện theo án tuyên của TAND tỉnh Sóc Trăng. Nay án tuyên lại thì trách nhiệm bồi thường cho bà Hía là của TAND tỉnh chứ không phải của Thi hành án. Còn cán bộ thực hiện thi hành án của đơn vị làm sai đã chịu kỷ luật lâu rồi”.

Với cách trả lời như thế, không biết bà Giang Mỹ Hía còn phải chờ đợi đến bao giờ mới được giải quyết trả lại tài sản ?

Bà Giang Mỹ Hía cho biết thêm: “Đã hơn 10 năm nay, vợ chồng tôi gửi đơn đến rất nhiều cơ quan ở tỉnh, ở Trung ương đề nghị xem xét giải quyết trả lại tài sản cho gia đình mình nhưng không một cơ quan nào giải quyết. Chúng tôi không bỏ cuộc nhưng với cách hành xử như vậy, cơ quan chức năng đã bắt chúng tôi phải thua cuộc, chịu mất tài sản một cách vô lý. Thử hỏi, luật pháp ở đâu mà để chúng tôi phải chịu sự bất công đó cả chục năm nay?”. 

Bạch Dương

                                                                                                

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm