Sóc Trăng: Dân khốn khổ vì cán bộ thi hành án không “công tâm”!

(Dân trí) - Thời gian qua, nhiều người dân ở Sóc Trăng rất bất bình khi họ là những người được thi hành án theo bản án đã có hiệu lực pháp luật của tòa án, nhưng khi thực hiện thi hành án, cán bộ thi hành án lại thiếu “công tâm” khiến cho người được thi hành án bị thiệt thòi, thậm chí không lấy được tài sản.

Tiền thi hành án bị… “tận thu”?

Ông Trương Bình (55 tuổi, ngụ phường 4, TP Sóc Trăng) phản ánh, ông là người được thi hành án (THA) theo bản án đã có hiệu lực pháp luật ngày 21/2/2011 của TAND tỉnh Sóc Trăng. Đây là vụ tranh chấp hợp đồng mua bán và vay tài sản, mà theo đó, tòa buộc bà Trần Thị Kim Hiếu (53 tuổi, ngụ phường 9, TP Sóc Trăng) phải trả cho ông Bình trên 936 triệu đồng.

Sau khi bản án tuyên xong, Chi cục Thi hành án Dân sự (THADS) TP Sóc Trăng đã kê biên, bán phát mãi đất của bà Hiếu được 330 triệu đồng vào năm 2012. Thay vì giao hết số tiền này cho ông Bình, nhưng chấp hành viên Huỳnh Văn Hiến lại “om” cho đến năm 2014.

Việc “om” tiền THA nói trên của chấp hành viên Hiến khiến ông Bình không được nhận đủ 330 triệu đồng, mà phải chia đôi cho chồng bà Hiếu theo bản án ly hôn phát sinh sau khi bản án của ông Bình và bà Hiếu có hiệu lực. Chồng bà Hiếu được chia tiền do đó là tài sản chung nên khi ly hôn mỗi người nhận một nửa.

Ông Trương Bình bức xúc: “Nếu ông Hiến giao tiền ngay cho tôi sau khi bán đất của bà Hiếu thì tiền thi hành án không bị mất một phần. Ông Hiến làm sai nghiêm trọng nhưng chỉ bị kiểm điểm, còn tôi thì mất tiền quá oan ức”.

Không chỉ bức xúc vụ bán tài sản của bà Hiếu, ông Bình còn mang nỗi bức xúc khác khi tiền bán đất THA cho bản án khác lại bị chia nhỏ. Đó là bản án tranh chấp đòi lại tài sản số 83 ngày 13/5/2010 giữa ông Bình với bà Trần Thị Trúc Ly (ngụ thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng). Theo nội dung bản án số 83, TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên bà Trần Thị Trúc Ly có trách nhiệm thanh toán số nợ của chồng bà cho ông Trương Bình với số tiền 983,5 triệu đồng.

Để đảm bảo THA, tháng 4/2011, Chi cục THADS TP Sóc Trăng kê biên đất của ông Trần Văn Đỉnh (chồng bà Ly, do bà thừa kế) để phát mãi thi hành cho bản án số 83. Thửa đất này sau đó bán được trên 250 triệu đồng, nhưng chấp hành viên chỉ giao cho ông Bình 89,9 triệu đồng.

Theo giải thích của cơ quan THA, số tiền sau khi được trừ 7 khoản phí và thuế thu nhập cá nhân thì còn 202,3 triệu đồng. Lúc này, ông Bình có trách nhiệm đóng phí THA cho số tiền 202,3 triệu đồng là 3%, tương đương trên 6 triệu đồng; còn lại 196,3 triệu đồng đúng ra phải chi cho ông Bình, nhưng Chi cục THADS TP Sóc Trăng kê biên để xử lý cho bản án dân sự khác. Đó là bản án số 139, ngày 7/7/2016 với nội dung ông Bình trả cho bà Ly 221,4 triệu đồng.

Ông Bình bức xúc: “Tôi còn một bản án số 181 ngày 16/11/2010 của TAND tỉnh Sóc Trăng có nội dung bà Ly phải trả cho tôi trên 10 tỷ đồng. Số tiền này lớn hơn 40 lần so với tiền của bản án 139, nhưng Chi cục Thi hành án dân sự TP Sóc Trăng không chịu bù trừ để tôi nhận trọn vẹn số tiền bán đất thi hành cho bản án số 83”.

Lý giải cho việc không đồng ý bù trừ, bà Bùi Thị Thúy Nga - Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh Sóc Trăng, cho rằng, bản án ông Bình thua kiện bà Ly 221,4 triệu đồng là tòa tuyên cho cá nhân, còn ông Bình thắng bà Ly trên 10 tỷ đồng là tòa tuyên cho doanh nghiệp.

Không đồng ý với giải thích của bà Nga, ông Bình cho rằng, dù tuyên cho doanh nghiệp nhưng ông Bình là chủ doanh nghiệp nên vẫn được bù trừ bình thường.

Do Chi cục THADS TP Sóc Trăng không chịu bù trừ, kê biên tiền bán đất thi hành bản án 83 để thi hành cho bản án 139, nên bà Ly được nhận thừa kế 89,3 triệu đồng. Số tiền này cuối cùng ông Bình cũng được nhận, nhưng tiếp tục bị thu phí THA thêm một lần nữa.

Nói về việc này, ông Trương Bình cho rằng: “Cơ quan thi hành án đưa qua đưa lại như vậy để “tận thu” tiền thi hành án. Làm như vậy là có lợi cho Nhà nước vì ngân sách có thêm tiền nhưng theo tôi là sai”.

Theo ý kiến của luật sư Hoàng Văn Quyết (Đoàn luật sư tỉnh Sóc Trăng) thì tiền bán đất kê biên của bản án nào thì phải chi cho bản án đó. Vì vậy, cơ quan THA không thực hiện THA theo quy định, quá thời hạn THA,... là trái quy định. Ông Bình cũng phải được bù trừ trong việc THA theo quy định pháp luật. Vì vậy, việc cơ quan THA không cho ông Bình được bù trừ cần phải xem xét lại nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của công dân.

Trao đổi với PV về vụ việc trên, ông Lê Trọng Nguyên - Cục trưởng Cục THADS tỉnh Sóc Trăng, cho biết, Chi cục THADS TP Sóc Trăng đã kiểm điểm chấp hành viên Huỳnh Văn Hiến theo trình tự, quy trình xử lý cán bộ có sai phạm.

Riêng với bà Trần Thị Kim Hiếu, Chi cục THADS TP Sóc Trăng đã kê biên tài sản khác của bà để thực hiện THA cho ông Trương Bình. Hiện, ông Bình có nhiều bản án được thi hành tại TP Sóc Trăng và cơ quan THA đang kiểm tra tài sản bên thua kiện để kê biên.

Còn việc thu tiền, theo ông Nguyên, cơ quan THA thu đúng theo quy định. Cùng một khoản tiền nhưng khi ông Bình phải THA cho bà Ly, thì phải thu các khoản án phí, chi phí cưỡng chế, thuế thu nhập cá nhân, phí THA,… theo quy định; còn khi bà Ly phải THA cho ông Bình, lại thu theo quy định cho một vụ khác nên nói thu phí theo kiểu “tận thu” là chưa thỏa đáng.

Điều đáng nói, tại buổi làm việc với PV vào giữa tháng 4/2017, ông Lê Trọng Nguyên có nói để đảm bảo thông tin 2 chiều chính xác hơn về vụ việc của ông Trương Bình, Cục THADS tỉnh Sóc Trăng sẽ có văn bản giải thích rõ hơn, cụ thể hơn gửi đến báo Dân trí trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, cho đến ngày 4/5/2017 vẫn chưa có văn bản giải thích, cung cấp thông tin chính thống từ cơ quan THADS tỉnh Sóc Trăng.

Lãnh đạo thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng làm việc với báo chí.
Lãnh đạo thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng làm việc với báo chí.

Tài sản thi hành án sang tên cho người khác vì chấp hành viên… chậm chạp

Ông Nguyễn Chí Thơm (ngụ phường 5, TP Sóc Trăng) cũng có đơn gửi cơ quan chức năng tố cáo hành vi vi phạm thủ tục THA đối với chấp hành viên Huỳnh Văn Thuận (Phó Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Long Phú).

Theo bản án số 01/QĐ-DSST ngày 17/2/2014 của TAND huyện Long Phú, có nội dung: Bà Nguyễn Thị Đảnh và bà Trần Bính Ty có trách nhiệm trả cho bà Phan Thị Lệ Quang mỗi tháng 6 triệu đồng trong thời gian 20 tháng (từ tháng 4/2014 đến tháng 11/2015), với tổng số tiền là 120 triệu đồng. Ngày 11/1/2016, Chi cục THADS huyện Long Phú ban hành quyết định THA. Việc THA được phân công cho chấp hành viên Huỳnh Văn Thuận.

Điều đáng nói, khi có quyết định THA (từ ngày 11/1/2016 đến ngày 16/3/2016), chấp hành viên Huỳnh Văn Thuận lại không thực hiện tống đạt quyết định cho bên được THA, không tổ chức xác minh điều kiện THA để giải quyết việc THA. Đến ngày 1/3/2016, Cục THADS tỉnh Sóc Trăng điều động ông Nguyễn Thanh Hùng (Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Cù Lao Dung) về giữ chức vụ Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Long Phú, thì ông Thuận giao lại vụ việc nói trên cho ông Hùng thụ lý.

Ngày 12/7/2016, chấp hành viên Nguyễn Thanh Hùng tổ chức xác minh điều kiện THA thì phát hiện ngày 30/3/2016 người phải THA đã chuyển dịch tài sản là nhà và đất ở cho người khác, không còn tài sản nào khác để THA.

Khi ông Thơm tố cáo, Cục THADS tỉnh Sóc Trăng nhận định: Quá trình thẩm tra hồ sơ, chấp hành viên Huỳnh Văn Thuận đã có sai sót chưa tuân thủ quy định về thông báo THA đầy đủ cho các đương sự, cũng như chưa kịp thời thực hiện việc xác minh điều kiện THA để làm cơ sở giải quyết theo quy định của pháp luật. Còn việc chuyển dịch tài sản của người phải THA nhằm trốn tránh nghĩa vụ THA được thực hiện vào ngày 30/3/2016 là thời điểm do chấp hành viên Nguyễn Thanh Hùng thụ lý, nhưng đến ngày 12/7/2016 ông Hùng mới phát hiện. Tuy nhiên, sau khi phát hiện, ông Hùng không thực hiện các bước tiếp theo theo quy định của pháp luật, dẫn đến người phải THA hoàn thiện thủ tục sở hữu. Đến ngày 15/7/2016, ông Nguyễn Thanh Hùng đã tự ý bỏ việc.

Trao đổi với báo chí về vụ việc trên, ông Lê Trọng Nguyên - Cục trưởng Cục THADS tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Qua thẩm tra, xác minh, đối chiếu với quy định của pháp luật, đã xác định chấp hành viên Huỳnh Văn Thuận có vi phạm thủ tục thi hành án. Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã thành lập tổ công tác chủ trì tổ chức họp kiểm điểm đối với ông Thuận và có các bước xử lý tiếp theo đúng quy trình. Riêng việc tài sản bị tẩu tán, theo quy định thì cơ quan thi hành án sẽ đề xuất với chính quyền địa phương thu hồi sổ đỏ đã cấp cho người khác trong thời gian thi hành án, để đảm bảo quyền lợi của người được thi hành án, nếu không được thì sẽ khởi kiện ra tòa án để hủy sổ đỏ”.

Bạch Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm