Sóc Trăng: Dân bị chính quyền “làm khó” khi xây nhà trên đất của mình
(Dân trí) - Đất của dân, nhà nước chưa có phương án thu hồi nhưng khi bà Trương Mỹ Nhung (ngụ huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) làm nhà thì bị chính quyền xã ngăn cản. Trong khi đó, trên cùng tuyến đường đã có nhiều căn nhà cũng được xây dựng lên nhưng không thấy chính quyền nói gì.
Gia đình bà Trương Mỹ Nhung (51 tuổi, ngụ ấp Hòa Phương, xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) có thửa đất khoảng 2.000m2, được UBND huyện Mỹ Xuyên cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng vào năm 1999.
Trước đây, khi mở đường giao thông nông thôn, nhà nước lấy một phần làm đường (không có quyết định thu hồi, không đền bù), còn lại một phần giáp đường nông thôn có chiều dài 75m, chiều sâu có nơi 13m, có nơi khoảng 6m. Trên phần đất còn lại đó, gia đình bà Nhung cất một căn nhà nhỏ để ở.
Mới đây, do nền nhà thấp hơn mặt đường, mỗi khi có mưa thường xuyên bị ngập nên bà Nhung tiến hành làm một căn nhà khác (phía trước căn nhà tạm bợ hiện tại) dài 12m, ngang 8,8m, cách tim đường huyện lộ 5,4m thì bị chính quyền xã Hòa Tú 1 lập biên bản đình chỉ thi công. Lý do mà xã này đưa ra là bà Nhung “xây dựng nhà ở không xin phép, trong phạm vi đất dành cho đường bộ”.
Bà Nhung cho biết: “Họ nói tôi làm nhà không xin phép nhưng khi tôi xin phép thì xã nói không cấp phép vì đất nằm trong phạm vi dành cho đường bộ. Vì vậy tôi đành phải làm liều chứ nhà cũ đã bị xuống cấp, nước ngập thường xuyên thì sao ở được. Hiện nay, gia đình tôi chỉ còn có chừng đó đất, không cho làm nhà thì cha con tôi ở đâu.
Tôi có trình bày với cán bộ xã là tôi làm nhà cấp 4, do nền thấp nên tôi đổ cột xi măng, đổ sàn xi măng, còn phần trên dựng cột xi măng, vách trước xây gạch cho kiên cố và cho đẹp, các vách còn lại tôi che bằng tôn, mái lợp tôn. Sau này nếu nhà nước làm đường, tôi cam kết sẽ di dời không yêu cầu bồi thường nhà, chỉ yêu cầu bồi thường đất nhưng cán bộ xã không chấp nhận”.
Nhà bà Nhung đang tiến hành xây dựng, cách mép đường khá xa nhưng bị chính quyền địa phương ngăn cản.
Ông Lê Văn Tô - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Tú 1, xác nhận: “Diện tích đất đó đúng là của gia đình cô Nhung, chưa có quyết định thu hồi đất, chưa giải quyết đền bù gì cả nhưng do đất nằm trong phạm vi dành cho đường bộ nên chúng tôi ngăn chặn không cho xây nhà. Chúng tôi chỉ đồng ý cho cô làm nhà tạm bằng cây lá chứ không cho xây dựng kiên cố như cô đang làm”.
Khi phóng viên đặt vấn đề, bà Nhung xin làm nhà và cam kết di dời khi nhà nước làm đường, tại sao xã không giải quyết, thì ông Tô lý giải: “Cô Nhung cất nhà kiên cố hàng trăm triệu đồng, sau này di dời không bồi thường thì thiệt thòi cho gia đình quá”.
Gia đình bà Nhung cam kết, chỉ làm nhà cấp 4, khi nhà nước lấy đất làm đường thì sẽ không yêu cầu bồi thường nhà.
Ông Đặng Văn Phương - Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên, cũng cho rằng đất đó nằm trong phạm vi dành cho đường bộ nên vướng, không thể giải quyết cho xây dựng được.
Bị ngăn chặn không cho xây dựng nhà, bà Nhung nói trong nước mắt: “Tôi là giáo viên Tiểu học, lương không bao nhiêu. Mới đây, tôi xin nghỉ theo Nghị định 108 của Chính phủ về tinh giản biên chế, được nhận khoảng 150 triệu đồng nên tôi quyết định xây lại căn nhà để ở cùng cha già 90 tuổi cho chắc chắn hơn.
Tôi rất bức xúc vì đất là của gia đình tôi, nhà nước chưa thu hồi, chưa giải quyết đền bù và không có phương án bố trí cho cha con tôi chỗ ở nào khác thì tại sao lại ngăn tôi làm nhà. Trong khi đó, cùng trên tuyến đường này, nhiều hộ đã xây nhà kiên cố sát đường lại không thấy chính quyền ngăn cản”.
Trên tuyến đường cùng ấp với bà Nhung, có rất nhiều nhà đã được xây dựng sát với đường lộ.
Một người dân ở ấp Hòa Phương cho rằng: “Nếu nhà nước thu hồi, bồi thường thì không cho cô Nhung làm nhà là đúng. Còn chưa thu hồi mà không cho cô Nhung làm nhà là chưa thỏa đáng. Theo hiện trạng thì nhà cô Nhung xây sẽ cách mép đường khoảng từ 3-4m, không ảnh hưởng gì đến an toàn giao thông cả. Ở dọc tuyến đường này, cũng có nhiều nhà cất sát đường mà không thấy xã nói gì”.
Bạch Dương