Sóc Trăng:
Sóc Trăng: Cần xem xét những căn cứ pháp lý để giải quyết khiếu nại của công dân
(Dân trí) - Gia đình ông Trương Kim Tỷ (ngụ TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) trước năm 1975 sở hữu nhà máy xay lúa Ích Nguyên. Sau 1975, nhà máy được giao cho ngành lương thực quản lý, nhưng hoạt động không hiệu quả nên đóng cửa và hiện là khu đất hoang. Gia đình ông Tỷ đã gửi hàng trăm lá đơn đến các cơ quan chức năng của tỉnh và Trung ương nhưng đến nay chưa được giải quyết thỏa đáng.
Theo trình bày của ông Trương Kim Tỷ (ngụ tại số tại 147/A1 đường Mạc Đĩnh Chi, Phường 4, TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng): Cha của ông là ông Trương Thành (mất năm 1977) sở hữu nhà máy xay lúa Ích Nguyên tọa lạc tại số 438 Lý Thường Kiệt, phường 4, TP Sóc Trăng từ trước năm 1975.
Ngày 11/9/1975, một số người giới thiệu là cán bộ quân quản đã đến nhà máy kiểm kê tài sản và buộc gia đình khỏi nhà máy. Sau đó, nhà máy được giao cho ngành lương thực quản lý, nhưng hoạt động không hiệu quả nên đóng cửa. Tài sản, nhà xưởng, máy móc bị tháo dỡ chuyển đi đâu không rõ, chỉ còn lại là khu đất hoang mọc đầy cỏ dại từ những năm 80-90 của thế kỷ trước với diện tích 5.039,4m2.
Từ năm 1984 đến nay, gia đình ông Tỷ đã gửi hàng trăm lá đơn đến chính quyền các cấp, kể cả Trung ương xin lại nhà máy nhưng không được trả lời hoặc trả lại hồ sơ hoặc “chỉ nhận được phiếu hướng dẫn” về UBND tỉnh Sóc Trăng giải quyết.
Đến tháng 5/2005, Sở Tài chính tỉnh Sóc Trăng mới xử lý đơn của gia đình ông Tỷ theo chỉ đạo của UBND tỉnh và có kết luận: “Căn cứ Nghị quyết số 23/2003-QH11 ngày 26/11/2003 của kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XI. Về nhà, đất do Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong qua trình thực hiện các chính sách cải tạo XHCN trước ngày 1/7/1991. Điều 1 của Nghị quyết quy định: Nhà nước không xem xét lại chủ trương, chính sách và thực hiện chính sách cải tạo XHCN liên quan đến nhà, đất đã ban hành trước ngày 1/7/1991; Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại nhà, đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà, đất và chính sách cải tạo XHCN liên quan đến nhà, đất”. Từ đó, Sở Tài chính tỉnh Sóc Trăng bác đơn của ông Trương Kim Tỷ.
Ngày 20/5/2008, UBND tỉnh Sóc Trăng có văn bản số 90/CT-UBND-KN trả lời khiếu nại của gia đình ông Tỷ với nội dung: “Căn cứ Điều 1 Nghị quyết 23/2003 của Quốc hội về nhà, đất do Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo XHCN trước ngày 1/7/1991; Căn cứ Điều 2 Nghị quyết 755/2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 2/4/2005 quy định việc giải quyết đối với một số trường hợp cụ thể về nhà, đất trong quá trình thực hiện các chính sách trước ngày 1/7/1991, thì việc xin lại nhà máy Ích Nguyên không được xem xét giải quyết”.
Tiếp đó, ngày 25/4/2011, UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành Quyết định số 29/QĐKN-CTUBND bác đơn khiếu nại xin lại nhà máy của gia đình ông Tỷ cũng dựa vào Điều 1, Điều 2 Nghị quyết số 23/2003/QH11 ngày 11/9/2003 của Quốc hội và Điều 2 Nghị quyết số 775/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 2/4/2005.
Nhận thấy Nghị quyết 23 có Điều 3 quy định: “Trường hợp chủ sở hữu nhà, đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách liên quan, nay thực sự có khó khăn về nhà ở thì được tạo điều kiện cải thiện chỗ ở”, ông Tỷ tiếp tục làm đơn mong được xem xét.
Ngày 25/4/2011, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Quyết định bác đơn khiếu nại của ông Tỷ. Lý do là theo Quyết định 29/QĐKN-CTUBND là căn cứ Điều 1 và Điều 2 Nghị quyết 23/2003-QH ngày 26/11/2003 của Quốc hội; và Điều 2 Nghị quyết 755/2005/NQ-UBTVQH ngày 02/4/2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Không được UBND tỉnh Sóc Trăng giải quyết, gia đình ông Tỷ khiếu nại lên Bộ Xây dựng. Ngày 23/11/2011, Bộ Xây dựng có Quyết định số 995/QĐ-BXD do Thứ trưởng Nguyễn Trần nam ký với nội dung “Công nhận quyết định số 29/QĐKN-CTUBND của UBND tỉnh Sóc Trăng”. Cũng tại quyết định này, Bộ Xây dựng cho rằng: “Hiện nay, UBND tỉnh Sóc Trăng đang tiến hành các thủ tục để bán đấu giá nhà máy xay lúa này”. Nhưng thực tế, nhà máy xay lúa Ích Nguyên được UBND tỉnh Sóc Trăng giao cho “vua lừa” Lý Hóc Lỷ. Ông Lỷ nguyên là Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển kinh tế Sóc Trăng. Thời điểm năm 1995, ông này phạm tội lừa đảo với số tiền 88 tỷ đồng. Sau đó, bỏ trốn sang Campuchia và đến năm 2010 bị bắt. Ngày 23/9/2011, ông Lỷ bị TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên phạt tù chung thân) để ông này thế chấp Ngân hàng và ôm tiền bỏ trốn.
Ngày 15/10/2007, thửa đất trên được UBND tỉnh Sóc Trăng cấp GCNQSDĐ cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Chi nhánh Sóc Trăng (BIDV Sóc Trăng); Mục đích sử dụng “Đất cơ sở sản xuất, kinh doanh”; Thời hạn sử dụng “Lâu dài”.
Điều khiến dư luận băn khoăn là năm 2005, Sở Tài chính tỉnh Sóc Trăng bác đơn của ông Tỷ dựa vào Nghị quyết 23/2003-QH11 nhưng ngày 2/4/2005, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 755/2005/NQU BTVQH11 về cùng một vấn đề và Chính phủ cũng có Nghị định 127/2005/NĐCP hướng dẫn thực hiện chung cả 2 Nghị quyết số 23/2003-QH11 và số 755/2005/NQ UBTVQH11.
Trong đó, Nghị quyết 755, Điều 1 quy định: “Nhà, đất mà chủ sở hữu tuy thuộc diện thực hiện các chính sách quy định tại Điều 2 của Nghị quyết số 23/2003 (…) về nhà, đất do Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách (…) cải tạo XHCN trước ngày 1/7/1991 nhưng đến ngày Nghị quyết này (NQ 755) có hiệu lực thi hành, cơ quan Nhà nước chưa có văn bản quản lý, chưa bố trí sử dụng nhà, đất đó (...); Điều 5 Nghị quyết 755 quy định: “Đối với nhà, đất đã có văn bản quản lý theo quy định của các chính sách quản lý nhà, đất và chính sách cải tạo XHCN trước ngày 1/7/1991 của cơ quan Nhà nước nhưng thực tế chưa quản lý chưa sử dụng thì giải quyết như sau: 1/Trường hợp nhà, đất mà người đang trực tiếp quản lý sử dụng có các giấy tờ chứng minh thuộc một trong các đối tượng dưới đây thì Nhà nước không tiếp tục thực hiện việc quản lý theo văn bản quản lý trước đây và người đang trực tiếp quản lý sử dụng được thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo qui định của pháp luật: a) Người là chủ sở hữu nhà, đất tại thời điểm nhà nước có văn bản quản lý”.
Ngoài ra, Điều 3 Nghị quyết 23/2003QH11 cũng lưu ý, nếu các chủ sở hữu có nhà, đất do Nhà nước quản lý nay nếu có khó khăn về nhà ở thì UBND cấp tỉnh cần xem xét, bố trí.
Qua viện dẫn các văn bản trên cho thấy, các quyết định “bác đơn” gia đình ông Tỷ của UBND tỉnh Sóc Trăng vừa nêu (ngoài Điều 1 và Điều 2 Nghị quyết 23) còn do đã áp dụng Điều 2 Nghị quyết 755 với nội dung: “Đối với các loại nhà, đất Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách trước ngày 1/7/1991 nhưng không quy định tại Nghị quyết này thì thực hiện theo quy định tại Điều 1 và Điều 2 Nghị quyết số 23/2003/QH”. Nếu như cho rằng, trường hợp của gia đình ông Tỷ không được quy định tại Nghị quyết 755 thì sao UBND tỉnh Sóc Trăng đã lấy Nghị quyết 755 làm căn cứ áp dụng (!?).
Thực tế, Nghị quyết 775 là “quy định việc giải quyết đối với một số trường hợp cụ thể về nhà, đất” trước đây. Vì vậy, sau Điều 2 thuộc “Những quy định chung”, Nghị quyết 755 còn có phần “Giải quyết đối với một số trường hợp cụ thể”. Theo đó, Điều 4 đã nêu: Đối với nhà, đất tuy thuộc diện thực hiện tại Điều 2 của Nghị quyết 23 nhưng đến ngày Nghị quyết 755 có hiệu lực thi hành cơ quan Nhà nước chưa có văn bản quản lý, chưa bố trí sử dụng thì Nhà nước không thực hiện việc quản lý theo quy định trước đây”. Tiếp theo, Điều 5 quy định: “Đối với nhà, đất đã có văn bản quản lý theo quy định trước ngày 1/7/1991 của cơ quan Nhà nước, nhưng thực tế chưa quản lý sử dụng thì được giải quyết”. Trong đó, Khoản 1 đã chỉ rõ: “Người là chủ sở hữu nhà, đất tại thời điểm Nhà nước có văn bản quản lý”, (Điểm a) “Người được cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận nhà đất theo quy định pháp luật”, (Điểm b) “Người mua, nhận tặng cho, chuyển đổi nhà đất”, (Điểm c) “Người thừa kế hợp pháp theo quy định tại các điểm a, b, c” đều được giải quyết.
Cùng với Điều 5 về trường hợp đã có văn bản quản lý, Điều 7 Nghị quyết 755 quy định: “Đối với nhà, đất mà Nhà nước đã trưng dụng thì: Nhà ở của hộ gia đình cá nhân không thuộc diện phải thực hiện các chính sách quy định tại Điều 2 Nghị quyết 23, mà cơ quan Nhà nước đã trưng dụng có thời hạn thì UBND cấp tỉnh giao lại cho chủ sở hữu” (Khoản 1); Nhà, đất mà Nhà nước đã trưng dụng nhưng không thuộc diện được giải quyết tại Khoản 1 Điều này thì UBND cấp tỉnh hoàn thành thủ tục pháp lý xác lập sở hữu toàn dân đối với đất đó (Khoản 2). Người đang trực tiếp sử dụng được thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật” hiện nay.
Bên cạnh Điều 7 vừa nêu, Điều 8 Nghị quyết 755 quy định: “Đối với diện tích nhà, đất để lại không phân biệt người để lại là ai, diện tích nhiều hay ít khi Nhà nước thực hiện quản lý theo quy định của chính sách cải tạo nhà, đất cho thuê hoặc chính sách quản lý nhà, đất của các tổ chức, cá nhân thì Nhà nước không quản lý đối với diện tích nhà đất này”. Điều 9 Nghị quyết 755 cũng đã quy định: “Đối với nhà, đất thuộc diện giao lại tại Khoản 1 Điều 7 và nhà, đất được công nhận quyền sở hữu quy định tại Điều 8 của Nghị quyết này, nhưng đã được sử dụng vào mục đích quốc phòng, lợi ích quốc gia, phát triển kinh tế, thuộc diện phải giải tỏa theo quy hoạch,… thì người được giao lại hoặc công nhận quyền sở hữu được bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo quy định pháp luật”.
Khu nhà máy Ích Nguyên hoang tàn hiện nay.
Trở lại Quyết định 29/QĐKN-CTUBND ngày 25/4/2011 của UBND tỉnh Sóc Trăng về “bác đơn khiếu nại” đối với ông Tỷ có nêu: “Đây là quyết định giải quyết lần đầu, nếu không đồng ý thì có quyền khiếu nại lên Bộ Xây dựng, hoặc khởi kiện vụ án hành chính ra TAND tỉnh Sóc Trăng”.
Liên quan vấn đề này, ngày 9/2/2010, Thanh tra Bộ Xây dựng đã có “hướng dẫn gửi đơn khiếu nại” của ông Tỷ với nội dung “chưa thuộc thẩm quyền” giải quyết của Bộ Xây dựng. Chúng tôi cho rằng, hướng dẫn vừa nêu là có căn cứ, bởi khi đó UBND tỉnh Sóc Trăng chưa ban hành quyết định giải quyết khiếu nại đối với ông Tỷ. Việc giải quyết khiếu nại trong quá trình thực hiện Nghị quyết 755/NQ-UBTVQH được quy định tại Điều 16, Khoản 2: “Trường hợp đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết của Chủ tịch UBND cấp tỉnh thì có quyền khiếu nại lên Bộ trưởng Bộ Xây dựng; quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng là quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng”.
Từ những nội dung pháp lý quy định vừa nêu, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng và UBND tỉnh Sóc Trăng cần xem xét lại “quyết định bác đơn khiếu nại” đối với gia đình ông Tỷ về việc xin lại nhà máy xay lúa Ích Nguyên một cách vừa có lý vừa có tình, trên cơ sở chủ trương chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Bởi suy cho cùng, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 755 “giải quyết đối với một số trường hợp cụ thể về nhà, đất” trong quá trình thực hiện các chính sách trước đây, cũng chỉ nhằm mục đích bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Còn nếu xét cả 2 Nghị quyết 23 và 755 của Quốc hội thì tài sản của ông Trương Thành đều có căn cứ để Nhà nước (mà cụ thể là UBND tỉnh Sóc Trăng) trả lại cho các con của ông. Trong khi đó, các con của ông Trương Thành lại đang sống trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, không đất đai sinh sống, hàng ngày đến khu đất nhà máy, tài sản của cha mẹ để lại, bị bỏ hoang phế mà lòng xót xa, đau đớn…
Ông Trương Kim Tỷ nói: “Nhà máy của cha mẹ tôi bị lấy một cách vô lý. Chúng tôi khiếu nại xin lại nhưng không được giải quyết. Hiện nay khu đất đó đã được cấp sổ đỏ cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển chi nhánh Sóc Trăng. Cách đây không lâu, tôi nghe bà Mã Thị Thanh (nguyên Giám đốc BIDV Sóc Trăng) cho biết ngân hàng có kế hoạch xây nhà trên khu đất của cha mẹ tôi để bán cho nhân viên. Nhưng mới đây lại nghe nói ngân hàng rao bán khu đất trên nên anh chị em chúng tôi vô cùng lo lắng. Chúng tôi tha thiết mong Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng và các cơ quan chức năng của tỉnh, của Trung ương xem xét lại, giải quyết trả cho chúng tôi phần đất đang bỏ hoang nói trên”.
Bạch Dương