Sóc Trăng: Bao giờ mới chấm dứt "họp" chợ bát nháo trong chùa Chén Kiểu ?

(Dân trí) - Thời gian qua, nhiều du khách khi đến thăm quan chùa Sà-Lôn (còn gọi là chùa Chén Kiểu, tọa lạc tại xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) rất khó khăn, khổ sở khi vào vãn cảnh chùa cũng như cúng bái bởi tình trạng "họp" chợ bát nháo trong khuôn viên chùa.

Tình trạng trên đã từng được báo Dân trí phản ánh từ năm 2013, tuy nhiên cho đến nay tình trạng này vẫn không thay đổi. Người đến chùa cúng bái, tham quan phải chứng kiến nhiều hình ảnh trái ngược với vẻ tôn nghiêm nơi cửa thiền của những người bán vé số, xin ăn và nhất là tình trạng nhếch nhác của một chợ tự phát, bán đủ loại hàng hóa, họp ngay từ ngoài cổng chùa cho tới sân chùa.

Theo ghi nhận của chúng tôi, chợ tự phát “mọc” trong sân chùa bán đủ thứ như các loại rau, củ, quả, các loại bánh kẹo, thậm chí cả các loại cá khô…Ngoài ra còn rất nhiều quán ăn uống như cơm, cháo, các loại nước giải khát phục vụ du khách cũng hiện diện trong khuôn viên chùa. Thậm chí người ta còn bày bán cả quần áo, thuốc nam, thuốc bắc quảng cáo ì xèo. Đứng trên chánh điện chùa nhìn xuống không thể nào thấy lối đi bởi có hàng ô dù tạm bợ, nhếch nhác che kín. Muốn vào chùa phải lách, né tránh để không va chạm phải hàng hóa của người dân bày bán tràn lan.

Cổng chùa thành chợ.
Cổng chùa thành chợ.

Đại đức Lâm Chanh - Trụ trì chùa Chén Kiểu cho biết: Từ năm 2011, chùa đã sắp xếp cho khoảng 80- 90 hộ dân bán rau cải và đồ chay ở một khu vực bên trong chùa. Nhưng từ mồng 1 Tết Giáp Ngọ 2014 đến nay, số người buôn bán đã lên đến gần 200 người, trong đó có cả những người dân ở xứ khác đến. “Cảnh níu kéo khách ồn ào từ khoảng 5g30 sáng đến 18h tối hằng ngày, gây ảnh hưởng đến việc nghỉ ngơi và học hành của các tăng sinh đang theo học tại chùa”.

Bày bán đủ thứ hàng hóa lấn cả lối đi.
Bày bán đủ thứ hàng hóa lấn cả lối đi.
Bày bán đủ thứ hàng hóa lấn cả lối đi.

Trước thực trạng đó, địa phương và nhà chùa đã nhiều lần họp với bà con, sắp xếp khu vực buôn bán ổn định phía sau chùa nhưng chỉ được vài ba ngày người dân lại tiếp tục buôn bán tràn lan khi thấy có nhiều đoàn xe đến viếng chùa.

Thậm chí, UBND xã Đại Tâm cũng có cuộc họp với Sở VH-TT&DL tỉnh Sóc Trăng và thống nhất cuối tháng Giêng, đầu tháng 2 âm lịch năm Giáp Ngọ 2014 vận động bà con buôn bán có trật tự và đúng khu vực đã được nhà chùa cho phép, tránh gây phản cảm nhưng cũng không thành.

Theo ông Nguyễn Tánh - Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Sóc Trăng,  đội kiểm tra liên ngành 814, phòng nghiệp vụ của sở đã làm việc với chính quyền địa phương, ban quản trị của chùa để chấn chỉnh tình trạng trên, sắp xếp lại nơi đậu đỗ xe, nơi đón khách, nơi buôn bán...và cuối cùng đâu vẫn vào đó.

Hàng quán lộn xộn ngay trước chánh điện chùa.
Hàng quán lộn xộn ngay trước chánh điện chùa.

Nhằm khắc phục tình trạng này, giữa tháng 6/2014, ông Mai Khương - Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng và ông Lâm Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cùng các ngành hữu quan đã có buổi làm việc nhằm giải quyết tình trạng mua bán trong và ngoài chùa và thống nhất kiên quyết phải tách “chợ” ra khỏi chùa. Đồng thời đề nghị Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh ủng hộ tích cực, tổ chức đoàn xuống làm việc cùng ban lãnh đạo và ban quản trị nhà chùa, phát huy uy tín của Hội trong cộng đồng phật tử Khmer để vận động, giải thích, tuyên truyền với bà con nhưng tình trạng mua bán bát nháo vẫn không chấm dứt.

Mới đây, ngày 22/1/2015, ông Nguyễn Trung Hiếu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã có cuộc họp với các ngành chức năng bàn bạc giải quyết dứt điểm tình trạng buôn bán trong khuôn viên chùa. Tại cuộc họp, có ý kiến đề xuất phương án Quy hoạch xây dựng các khu chức năng theo hình thức trạm dừng chân hiện đại với khu vực đậu xe ở giữa, chung quanh là các dãy ki ốt tại chùa nhưng đề xuất này không được chấp thuận bởi chùa là khu dừng chân tạm thời chứ không phải khu lưu trú nên không cần xây dựng ki ốt kiên cố. Hơn nữa các hộ dân buôn bán trong chùa đa số là hộ nghèo thì khi xây dựng ki ốt không phù hợp với hoàn cảnh thực tế của bà con. Có ý kiến đề xuất thu hồi phần đất nghĩa địa (thuộc sở hữu của chùa) để san lấp, sắp xếp cho bà con buôn bán; có ý kiến đề nghị di dời các hộ buôn bán ra khỏi chùa,…

Thượng tọa Lâm Sương - Hội phó Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng, Chi hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Mỹ Xuyên đề xuất: “Chùa là nơi thờ phượng tôn nghiêm, lại là di tích lịch sử của tỉnh. Đề nghị các cấp lãnh đạo động viên các hộ buôn bán di dời ra ngoài trong thời gian sớm nhất để tránh tình trạng động chạm, xúc phạm sư sãi như thời gian vừa qua”.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Trung Hiếu đề nghị UBND huyện Mỹ Xuyên tổ chức họp dân trước Tết Nguyên Đán nhằm vận động, tuyên truyền để sau Tết tiến hành di dời, san lấp mặt bằng để giao cho các hộ dân đang buôn bán trong chùa từ 15- 20m2/hộ để bà con tự dựng sạp buôn bán.

Hàng quán lộn xộn ngay trước chánh điện chùa.
Hàng quán lộn xộn ngay trước chánh điện chùa.
Lều bạt kín mít không khác gì một cái chợ. Bao giờ chùa Chén Kiểu mới trở lại đúng vẻ tôn nghiêm của nó ?

Cho đến thời điểm này, đầu tháng 3/2015, tình hình buôn bán tại khuôn viên chùa Chén Kiểu vẫn chưa khắc phục được. Đại đức Lâm Chanh bày tỏ: “Chúng tôi rất thông cảm với cuộc sống của bà con nhưng cũng mong bà con hãy vì sự tôn nghiêm của nhà chùa cũng như tôn trọng bà con phật tử khắp nơi đến chùa mà chấp hành di dời các sạp hàng ra khu vực qui hoạch, trả lại sự yên tĩnh cho nhà chùa”.

Bạch Dương