Vụ bán nhà theo Nghị định 61/CP trái pháp luật ở quận Ba Đình:

Sở Xây dựng "làm ngơ" trước chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội

(Dân trí) - Gần một năm sau khi Phó Chủ tịch UBND Thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng làm rõ vụ bán nhà theo Nghị định 61/CP có dấu hiệu bất thường tại nhà số17, ngõ 94, phố Ngọc Hà, đến nay gia đình ông Nguyễn Huy Thông vẫn phải sống cảnh phấp phỏng chờ đợi.

Sau loạt bài phản ánh vụ bán nhà Nghị định 61/CP có dấu hiệu trái pháp luật phản ánh việc Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước cho người đang thuê nhà theo Nghị định 61/CP ngày 5/7/1994 của Chính phủ tại số 17, ngõ 94 phố Ngọc Hà, quận Ba Đình cho bà Công Thị Tập (là mẹ của ông Nguyễn Huy Thông) không đúng đối tượng, không đúng trình tự, thủ tục quy định, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của gia đình ông Nguyễn Huy Thông. Ngày 25/5/2012, báo Dân trí tiếp tục chuyển đơn kêu cứu của gia đình ông Thông đến Bí thư Thành ủy Hà Nội; Chủ tịch UBND TP. Hà Nội; Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng; Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội xem xét, giải quyết vụ việc công dân phản ánh và thông báo bằng văn bản kết quả giải quyết.
 
Văn bản chỉ đạo của Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh ký từ ngày 12/6/2012
Văn bản chỉ đạo của Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh ký từ ngày 12/6/2012
 
Ngày 12/6/2012, tại văn bản số 4467/UBND - TNMT, Văn phòng UBND Thành phố truyền đạt ý kiến chỉ đạo của đồng chí Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội giao Sở Xây dựng kiểm tra, làm rõ việc bán nhà theo Nghị định 61/CP ngày 5/7/1994 của Chính phủ tại số 17, ngõ 94 phố Ngọc Hà, quận Ba Đình, thông tin kết quả cho Báo điện tử Dân trí và báo cáo UBND Thành phố Hà Nội.

Tuy nhiên, đã gần một năm trôi qua, đến giờ ông Nguyễn Huy Thông và vợ là Nguyễn Bích Thủy vẫn chưa từng nhận được bất cứ văn bản hồi âm nào của UBND TP. Hà Nội, hoặc Sở Xây dựng Thành phố.

Trong lúc Sở Xây dựng chưa có kết luận chính thức vụ việc và thông báo kết quả đến người làm đơn, bà Công Thị Tập đã về với thế giới bên kia mà chưa thống nhất được việc phân chia đất đai. Cũng vì Sở Xây dựng chậm ra văn bản kết luận, ngày 5/3/2013, tại trụ sở UBND phường Đội Cấn, những người con còn lại (5 người) của bà Công Thị Tập đã làm đơn đề nghị chính quyền phường mở di chúc bà Tập để lại với nội dung chia đều mảnh đất đang xảy ra tranh chấp cho 6 người con trong gia đình.

Theo phản ánh của ông Nguyễn Huy Thông gửi đến báo Dân trí, việc mở di chúc sớm vào thời điểm gia đình ông chưa nhận được các văn bản trả lời của các cơ quan chức năng có thể đẩy ông, cùng các thành viên gia đình đối mặt nhiều khó khăn và rủi ro, bởi ngôi nhà số 17, ngõ 94 phố Ngọc Hà là nơi ở duy nhất của các thành viên gia đình ông hàng chục năm qua.
 
Vợ chồng ông Nguyễn Huy Thông trao đổi sự việc với Trưởng ban Bạn đọc Vũ Văn Tiến (bên trái)
Vợ chồng ông Nguyễn Huy Thông trao đổi sự việc với Trưởng ban Bạn đọc Vũ Văn Tiến (bên trái)

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, ngày 11/3/2013, vợ chồng ông Nguyễn Huy Thông làm đơn gửi UBND phường Đội Cấn đề nghị hủy bỏ tất cả hoạt động giao dịch, mua bán, trao tặng diễn ra cho đến khi Sở Xây dựng Hà Nội, cùng các cơ quan chức năng ban hành Quyết định trả lời công dân.

Trao đổi với PV Dân trí ngày 11/3/2013, ông Nguyễn Huy Thông tái đề nghị hủy bỏ toàn bộ “Hợp đồng mua bán nhà thuộc sở hữu nhà nước” số 570/HĐ – MBN đề ngày 14/4/2006. Đồng thời hủy bỏ Giấy chứng nhận QSDĐ số AG 754285 mang tên bà Công Thị Tập.

Như thông tin báo Dân trí đã phản ánh, ông Nguyễn Huy Thông, cùng vợ là bà Nguyễn Bích Thủy có hộ khẩu thường trú tại số 17, ngõ 94 phố Ngọc Hà (số 11, ngõ 30 phố Ngọc Hà cũ), quận Ba Đình, Hà Nội cho biết: Năm 2010, vợ chồng ông Thông làm hồ sơ xin mua nhà theo nghị định 61/CP của Chính phủ đã được các hộ ở liền kề, tổ dân phố, UBND phường Đội Cấn xác nhận vào hồ sơ mua nhà và chuyển lên Xí nghiệp Quản lý và phát triển nhà Ba Đình (phiếu tiếp nhận hành chính ngày 4/06/2010).

Tuy nhiên, một thông tin gây bất ngờ được đơn vị này trả lời gia đình ông Thông là ngôi nhà trên đã được bán theo Nghị định 61/CP cho bà Công Thị Tập, cùng trú tại địa chỉ trên.

Điều trớ trêu là không hiểu vì lý do gì khi toàn bộ giấy tờ gốc của ngôi nhà đang được vợ chồng ông Thông, bà Thủy cất giữ mà Xí nghiệp Quản lý và phát triển nhà Ba Đình lại giải quyết bán nhà cho bà Công Thị Tập, khi bà Tập không có giấy tờ gốc và không được sự thỏa thuận của các thành viên có tên trong hợp đồng mua nhà.

Ngoài ra, trong hợp đồng số 570 ngày 14/4/2006, Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đã bán nhà cho người không liên quan gì đến ngôi nhà này. Bởi chữ ký người mua nhà lại có tên là Nguyễn Hữu Đạo, mà không phải là bà Công Thị Tập.

Về vấn đề này, trao đổi với ông Hoàng Tú, Trưởng ban 61/CP - Sở Xây dựng Hà Nội (ngày 11/9/2012), ông Tú cho biết đã giao cho Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội kiểm tra, làm việc với các bên liên quan và lập báo cáo gửi Sở Xây dựng TP. Hà Nội để đưa ra phương án giải quyết dứt điểm. Hiện tại, phía Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội vẫn đang làm việc với các bên để thống nhất phương án trước khi báo cáo.

Theo khẳng định của người đứng đầu ban 61/CP - Sở Xây dựng TP. Hà Nội, nhà bán theo Nghị định 61/CP là nhà chính sách cho những người đang thuê nhà, ai có tên trên hợp đồng thuê nhà trước đó sẽ được thụ hưởng tài sản đó. Trong trường hợp này, nếu ông Nguyễn Huy Thông đứng tên trên hợp đồng thuê nhà cũ và sở hữu giấy tờ gốc đương nhiên được thụ hưởng phần tài sản.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương