Bắc Giang:
Sinh con với thầy lang khi chữa hiếm muộn: "Thông kinh mạch" hay cưỡng dâm?
(Dân trí) - Vợ chồng anh Nguyễn Văn A. ở huyện Lục Nam (Bắc Giang) lấy nhau đã lâu mà chưa có con. Nghe tin ở xã Hồng Giang (huyện Lục Ngạn) có "thầy" lang chữa được bệnh hiếm muộn, anh A. đưa vợ đến khám.
Sau 3 tháng điều trị, vợ anh A. (tên nhân vật đã được thay đổi) có bầu và cuối năm 2018 sinh một cháu trai. Năm 2020, vợ chồng tiếp tục nhờ người này chạy chữa và có thêm một bé trai, sinh tháng 5/2021. Mỗi lần khám và chữa bệnh hiếm muộn, vợ chồng anh A. phải trả cho thầy lang từ 2-2,5 triệu đồng.
Mới đây, bất ngờ phát hiện cả hai con không cùng kết quả xét nghiệm ADN với mình, anh A. đã làm đơn tố cáo ông lang này đến cơ quan chức năng.
Công an huyện Lục Ngạn hiện đang điều tra vụ việc và cũng đã nhận được bản kết luận giám định ADN từ Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) cho thấy, 2 con của vợ chồng anh A. là con ruột của ông V.T.H. hay còn gọi là thầy lang H., ở thôn Kép, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn.
Công an huyện Lục Ngạn cho hay, khi nhận đơn trình báo đã tổ chức đối chất. Theo đó, thầy lang 46 tuổi thừa nhận "nhiều lần quan hệ tình dục" với chị Y. (vợ anh A.), nhưng lý giải chị khi đến điều trị đã "tha thiết xin con" nên giúp.
Thầy lang này cũng thừa nhận chưa có giấy phép kinh doanh và không có bằng cấp chuyên môn nghề y, qua học hỏi biết một số bài thuốc trị bệnh xương khớp, bó gân… nên ai nhờ thì chữa. Trên thực tế, ông H. phao tin khắp nơi rằng mình là nhà thuốc gia truyền, chữa trị được hàng chục loại bệnh, kể cả ung thư.
Chị Y. thì một mực khẳng định trước sau chung thủy với chồng và kể lại chuyện ông H. nói chị bị tắc kinh mạch, phải để ông ấy "thông tắc kinh mạch" cho về vợ chồng mới có con.
Gia đình anh A cũng cho rằng, ông lang H. đã dùng thủ đoạn chữa bệnh để cưỡng dâm chị Y. và băn khoăn không biết loại ngải đốt trong lúc khám bệnh là loại gì, liệu có làm người khác mê muội, mất nhận thức tạm thời hay không?
Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, Luật sư Quách Thành Lực - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, cơ quan điều tra sẽ còn khai thác nhiều tình tiết xung quanh câu chuyện, thậm chí còn có thể xuất hiện nhiều nạn nhân của thầy lang này nữa, từ đó mới đi đến kết luận chắc chắn về hành vi phạm tội.
Với thông tin hiện tại, hành vi của người này đủ cấu thành một số tội như: Tổ chức khám chữa bệnh khi chưa đủ điều kiện và có thể xử lý hình sự về hành vi cưỡng dâm nếu có sự uy hiếp, lợi dụng sự lệ thuộc tâm lý để giao cấu trái với ý muốn nạn nhân.
Luật sư Lực cũng cho rằng, quá trình điều trị, chị Y. nói ông ta còn đốt ngải. Nếu chứng minh được khói từ ngải làm chị mê mị, không kiểm soát hành vi, đây sẽ là hành vi hiếp dâm. Bởi theo Điều 111 BLHS thì Hiếp dâm là "dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của họ"; Cưỡng dâm (Điều 113) là "dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu".
Sự khác biệt giữa hai tội này là ở đối tượng (nạn nhân). Đối với tội hiếp dâm thì nạn nhân là bất cứ ai, còn đối với tội cưỡng dâm thì nạn nhân phải là người lệ thuộc với người phạm tội hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách.
Nếu cơ quan điều tra xác định thầy lang này đủ yếu tố cấu thành tội cưỡng dâm, theo quy định tại Điều 143 Bộ Luật hình sự, thầy lang này có thể phải chịu án tù từ 3-10 năm tùy theo mức độ vi phạm.
Theo Điều 143 Bộ Luật hình sự, mức phạt tù từ ba năm đến mười năm. Được áp dụng đốì với một trong các trường hợp phạm tội sau đây:
+ Nhiều người cưỡng dâm một người;
+ Cưỡng dâm nhiều lần (từ hai lần trở lên);
+ Cưỡng dâm nhiều người;
+ Có tính chất loạn luân;
+ Làm nạn nhân có thai (việc xác định nạn nhân có thai hay không phải căn cứ vào kết quả giám định của cơ quan y tế chuyên môn);
+ Gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;
+ Tái phạm nguy hiểm.
Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra xác định nếu người vợ tự nguyện thì lúc này, hành vi của thầy lang sẽ chuyển thành tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng.
Cụ thể: Điều 182. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng
1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên "từ bỏ cuộc sống";
b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.
Với vi phạm chưa có giấy phép kinh doanh và không có bằng cấp chuyên môn nghề y, thầy lang H. có thể bị phạt từ 15-20 triệu đồng theo quy định tại Khoản 4, Điều 6 như sau: Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động.
Luật sư Lực cho rằng, thầy lang này còn có thể đối diện tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản vì thu phí 2-2,5 triệu đồng cho mỗi lần chữa bệnh hiếm muộn, bởi trên thực tế ông này không điều trị gì.