Sếp tắt điện thoại để tránh bị đòi lương: Người lao động nên làm gì?

Khả Vân

(Dân trí) - Câu chuyện của một chủ công ty tư nhân mới đây đã bị phá sản tạm thời do hoạt động khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh. Sau khi bị nhân viên liên tục đòi lương, người này tính tắt điện thoại để "né"...

Người chủ công ty chấp nhận mất trắng số tiền đã đầu tư vào kinh doanh mà chưa thu hồi được. Không những thế ông còn thiếu nhân viên cả trăm triệu đồng tiền lương mấy tháng chưa trả. Cuộc sống hiện tại của cả chủ lao động và nhân viên đều khó khăn. 

Nhân viên ngày nào cũng gọi điện để đòi lương. Ban đầu ông chủ còn ra sức trấn an, thuyết phục, trình bày hoàn cảnh và hứa khi tình hình dịch ổn định, có doanh thu sẽ trả lương.

Nhưng sau đó khi các cuộc gọi quá nhiều, để bớt căng thẳng, ông chủ đã tính tắt điện thoại với suy nghĩ sau dịch sẽ gọi điện giải thích với các nhân viên, khi việc kinh doanh "trôi" trở lại sẽ thanh toán hết tiền lương đang nợ.

Công ty có thể nợ lương nhân viên trong bao lâu theo quy định pháp luật?

Theo Luật sư Nguyễn Thị Xuyến (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), pháp luật quy định, người sử dụng lao động (công ty) phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Công ty chỉ được chậm lương của người lao động trong trường hợp đã tìm mọi cách khắc phục nhưng vẫn không thể trả lương đúng hạn vì lý do bất khả kháng. Tuy nhiên, thời gian không được vượt quá 30 ngày. Nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên; công ty phải đền bù cho người lao động một khoản tiền lãi của số tiền chậm trả tính theo lãi suất ngân hàng.

Để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong trường hợp doanh nghiệp trả quá hạn 30 ngày, người lao động có thể làm đơn gửi đến thanh tra lao động yêu cầu bồi thường và đề nghị xem xét xử phạt hành chính về hành vi không trả lương đúng hạn.

Xử lý vi phạm

Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định: Công ty có thể bị xử phạt từ 5.000.000 đến 75.000.000 đồng do vi phạm về việc trả lương không đúng hạn; không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng. Nếu số lượng người lao động bị trả lương không đúng hạn lớn; công ty sẽ bị phạt mức càng cao.

Ngoài ra, công ty phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả; buộc trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả; tính theo mức lãi suất của các ngân hàng thương mại. Nếu còn phát sinh tranh chấp, bạn có thể gửi đơn đến hòa giải viên lao động. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, hòa giải viên lao động phải kết thúc việc hòa giải.

Trường hợp hòa giải không thành, các bên tranh chấp có quyền lựa chọn một trong các phương thức sau để giải quyết tranh chấp: yêu cầu hội đồng trọng tài lao động can thiệp hoặc yêu cầu tòa án cấp có thẩm quyền nơi công ty có trụ sở giải quyết; theo Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

Công ty có phải đền bù khi trả chậm lương không?

Nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên, công ty phải đền bù cho người lao động một khoản tiền lãi của số tiền chậm trả tính theo lãi suất ngân hàng.

Mức xử phạt của việc trả lương không hạn?

Công ty có thể bị xử phạt từ 5.000.000 đến 75.000.000 đồng do vi phạm về việc trả lương không đúng hạn, không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận

Người lao động cần làm gì nếu bị nợ lương quá hạn?

Để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong trường hợp doanh nghiệp trả quá hạn 30 ngày, người lao động có thể làm đơn gửi đến Thanh tra lao động yêu cầu bồi thường và đề nghị xem xét xử phạt hành chính về hành vi không trả lương đúng hạn.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm