TPHCM:
Sắp xét xử vụ thầy dạy đắc nhân tâm bị trường Đắc Nhân Tâm kiện
(Dân trí) – Sau nhiều lần hoà giải không thành, TAND TP.HCM đã ra quyết định đưa vụ án thầy giáo dạy đắc nhân tâm bị trường Đắc Nhân Tâm khởi kiện ra xét xử vào sáng ngày 24/9.
Nguyên đơn của vụ kiện là Công ty cổ phần trường doanh nhân Đắc Nhân Tâm (34-36 Đinh Tiên Hoàng, P.ĐaKao, Q.1, TPHCM), bị đơn là TS Lê Như Hiếu (ngụ Q.12, TPHCM, nguyên giảng viên của trường). Thẩm phán Phạm Thị Thu Ánh làm chủ toạ phiên toà và bà Nguyễn Thị Kim Thu, kiểm sát viên VKSND TPHCM thực hiện quyền kiểm sát xét xử tại toà.
Theo hồ sơ vụ án, năm 2006, Công ty Dale Carnegie & Associates, Inc (Mỹ) chuyển nhượng thương hiệu cho Công ty cổ phần trường doanh nhân Đắc Nhân Tâm (viết tắt: ĐNT). Ông Hiếu nộp hồ sơ dự tuyển làm giảng viên dưới danh nghĩa của ĐNT. Ngày 1/6/2007, ông Hiếu là một giảng viên đã ký với ĐNT một thoả thuận giảng dạy bằng tiếng Anh nhưng không Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm Y tế…
Đầu năm 2011, ông Hiếu chủ động gặp bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh – TGĐ ĐNT để trình bày nguyện vọng chính đáng của mình là được ký hợp đồng lao động, hưởng chế độ bảo hiểm y tế… Ngày 1/4/2011, ĐNT đã ký với ông Hiếu một Hợp đồng lao động theo mẫu của Bộ LĐTB&XH, thời hạn 01 năm.
Thế nhưng, cho rằng, ông Hiếu đã vi phạm hợp đồng nên ĐNT kiện ra toà đòi ông Hiếu phải bồi thường số tiền 396 triệu đồng (riêng phí luật sư là 84 triệu đồng), xin lỗi trường trên 3 tờ báo, không được đi dạy trong vòng 2 năm sau ngày chấm dứt hợp đồng.
Trong quá trình giải quyết, TAND TPHCM đã tiến hành 4 lần gửi thư mời hoà giải nhưng ĐNT có 2 lần không đến. Hai lần còn lại đều hoà giải không thành nên toà án quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Trao đổi với Dân trí, bị đơn Lê Như Hiếu cho biết, thật tâm ông không muốn vụ kiện xảy ra và cần một tiếng nói chung giữa 2 bên. Tuy nhiên, nỗ lực của ông đã bất thành khi đại diện ĐNT vẫn muốn… “làm cho ra lẽ”.
Đại diện của bị đơn còn cho biết thêm, văn bản ký kết ngày 1/6/2007 thực chất là một thoả thuận lao động kèm theo những điều kiện về hạn chế đối với người lao động nhưng không phù hợp với pháp luật lao động của Việt Nam. Ngoài ra, tại thời điểm ĐNT ký thoả thuận lao động với ông Hiếu thì Dale Carnegie & Associates, Inc (Mỹ) chưa được bảo hộ tại Việt Nam. Đồng thời, “chương trình đào tạo” – đối tượng quyền sở hữu trí tuệ mà ĐNT quy kết TS Lê Như Hiếu vi phạm cũng không nằm trong phạm vi được bảo hộ.
Hiện nay, dù hợp đồng lao động đã chấm dứt gần 1 năm nay nhưng ông Hiếu vẫn chưa nhận được sổ bảo hiểm xã hội từ ĐNT. Ông Hiếu cho biết, ông đang cân nhắc khởi kiện ĐNT đòi các chế độ về bảo hiểm xã hội dành cho người lao động.
Công Quang