Thanh Hóa:

Sai phạm trong công trình nước sạch hơn 80 triệu đồng

(Dân trí) - Mặc dù đã có kết luận thanh tra về việc xây công trình nước sạch tại huyện Thường Xuân (Thanh Hóa), sai phạm lên đến hơn 80 triệu đồng. Thế nhưng, nhiều tháng qua, các bên có liên quan vẫn mặc nhiên không khắc phục.

Từ năm 2012 đến năm 2014, thực hiện Quyết định 134 về hỗ trợ đất sản xuất, đất ở và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn, huyện Thường Xuân được đầu tư  xây dựng 4 công trình nước sinh hoạt tập trung, với tổng vốn là 4 tỷ đồng.

Theo đó, huyện Thường Xuân đã giao cho các xã được thụ hưởng làm chủ đầu tư.  Đến nay, có 3/4 công trình đã hoàn thành, nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng, trong đó 3 công trình được phê duyệt quyết toán, 2 công trình đã được thanh tra và 1 công trình năm 2014 hiện đang triển khai thi công.

Tuy nhiên. trong quá trình thanh tra việc thực hiện Chương trình 134 năm 2012, 2014 tại huyện Thường Xuân của Đoàn thanh tra Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa  từ ngày 23/9 - 06/10/2014, đã phát hiện một số sai phạm trong quá trình triển khai công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho người dân ở xã Ngọc Phụng.

Công trình đập nước sạch tại xã Ngọc Phụng đang bị thủng đáy do chất lượng thi công kém.
Công trình đập nước sạch tại xã Ngọc Phụng đang bị thủng đáy do chất lượng thi công kém.

Cụ thể, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho người dân ở xã Ngọc Phụng  được  khởi công  vào ngày 24/7/2012 đến 24/10/2012  đã hoàn thành và Công ty TNHH Ngọc Minh (TP. Thanh Hóa)- đơn vị thi công đã bàn giao cho xã Ngọc Phụng (chủ đầu tư) đưa vào sử dụng.  Đến ngày 14/5/2013, công trình này đã được quyết toán, với số tiền là 968.638.000 đồng.

Tuy nhiên, vào tháng 10/2014, Đoàn công tác của Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa tiến hành thanh, kiểm tra, thì phát hiện đập đầu nguồn của công trình này đã bị thủng đáy thành vệt dài, nước chảy dưới đáy xuyên qua chân đập, chiều dài của vết thủng ngang chân đập 12,3m. Còn bể lọc nước không có hộp van; công trình được thiết kế 8 van xả cặn, xả khí và hộp van, nhưng thực tế chỉ có 2 van, (thiếu 6 van và hộp van)...Tổng số tiền sai phạm của công trình này theo quyết toán là 83.449.310 đồng.

Theo quan sát thực tế tại công trình này cho thấy: Mặc dù đi vào sử dụng chưa lâu nhưng đã bị thủng đáy. Nếu không kịp thời khắc phục, khi đến mùa mưa, nước xói sâu vào chân đập sẽ khiến con đập bị vỡ là điều khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, UBND xã đã giao cho thôn bản nơi hưởng lợi có trách nhiệm bảo quản và sử dụng, tuy nhiên chưa có quy chế quản lý, sử dụng, khai thác công trình.

Theo người dân sinh sống ở gần đập nước này cũng phản ánh, một số vị trí do đường ống bị vỡ nên nước phun trào lên mặt đất, công trình chỉ đủ nước cung cấp trong mùa mưa, mùa khô người dân lại rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt.

Tại kết luận thanh tra cũng nêu rõ, trách nhiệm của UBND huyện Thường Xuân phải chỉ đạo UBND xã Ngọc Phụng thu hồi số tiền sai quy định đối với nhà thầu. Bên cạnh đó, xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân có liên quan, chỉ đạo chủ đầu tư có biện pháp để khắc phục, sửa chữa những hạng mục công trình bị hư hỏng, tránh lãng phí ngân sách nhà nước và báo cáo kết quả về Ban Dân tộc trước ngày 10/02/2015, để  báo cáo Thanh tra tỉnh và UBND tỉnh.

Thế nhưng, cho đến nay, sự việc dường như đang rơi vào im lặng, số tiền bị thất thoát, các bên liên quan lại đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

Ông Vũ Ngọc Nam, Chủ tịch UBND xã Ngọc Phụng cho biết: “Sau khi có kết luận thanh tra của Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, ngày 25/2, vừa qua chúng tôi đã gửi công văn về cho Công ty TNHH Ngọc Minh, yêu cầu họ lên để khắc phục, nhưng bưu điện trả lại công văn vì địa chỉ của công ty này là địa chỉ ảo’’.

Trao đổi qua điện thoại với PV, Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Minh khẳng định: “Công ty chúng tôi không sai. Số tiền hơn 83 triệu đồng đó, thì UBND xã Ngọc Phụng phải có  trách nhiệm hoàn trả lại cho nhà nước. Vì xã đã thống nhất cho chúng tôi đã quy đổi từ kinh phí đào đất rãnh chôn đường ống sang làm sân cho họ’’.

Bình Minh

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm