Vụ cấp sổ đỏ trái pháp luật 24 Nguyễn Thiệp, Hà Nội:

Sai phạm rõ như ban ngày, Thanh tra quận Ba Đình vẫn “ngâm” kết luận

(Dân trí) - Sau 8 tháng làm việc, Thanh tra quận Ba Đình đã thu thập đủ chứng cứ chứng minh việc cấp sổ đỏ cho ông Phạm Nam, số 24 Nguyễn Thiệp là trái với quy định của pháp luật, nhưng Thanh tra quận Ba Đình vẫn tìm cách “câu giờ” chưa ban hành kết luận.

 
 
Thửa đất mang 3 số nhà 24, 26, 28 trên phố Nguyễn Thiệp, phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, TP. Hà Nội có nguồn gốc sở hữu của cụ Nguyễn Đình Minh và vợ Nguyễn Thị Thảo (bố mẹ ông Nguyễn Đình Tuân) đã sinh sống nhiều đời. Khi còn sống, ông bà Minh - Thảo, cùng các con: Nguyễn Đình Lộc, Nguyễn Thị Tài, Nguyễn Đình Ngân, Nguyễn Đình Tuân đều sinh sống tại đây.

Năm 1972, cụ Nguyễn Thị Thảo nhận bà Dương Thị Phương (tức Sự), Giám đốc Công ty Rau hoa quả làm cháu nuôi. Đồng thời cho phép bà Phương được làm nhà ở trên diện tích 30m2. Do không biết chữ, cụ Thảo nhờ con trai cả Nguyễn Đình Lộc viết giấy cam đoan, đồng ý cho bà Dương Thị Phương làm nhà trên diện tích 30m2. Tháng 4/1972, gia đình cụ Minh - Thảo thực hiện lệnh di tản. Trong thời gian này, bà Phương và chồng là Phạm Nam tự ý xây nhà lấn chiếm ngoài diện tích được cho làm nhà thêm 29m2, nâng tổng số diện tích sở hữu lên 59m2.

Tháng 10/1994, Sở Nhà đất TP. Hà Nội triệu tập họp tại trụ sở UBND phường Nguyễn Trung Trực để giải quyết tranh chấp tại số nhà 24 - 26 - 28 phố Nguyễn Thiệp. Tại buổi làm việc, ông Phạm Nam khẳng định toàn bộ 59m2 gia đình ông đang sử dụng được cụ Thảo viết giấy chuyển nhượng. Nhưng ông Nam chỉ đưa ra được 2 giấy phô tô gồm: Giấy cam đoan ngày 28/3/1972; Giấy cam kết ký ngày 5/4/1972.
 
Sai phạm rõ như ban ngày, Thanh tra quận Ba Đình vẫn “ngâm” kết luận
Ông Tuân cho rằng UBND phường Nguyễn Trung Trực "tiếp tay" cấp sổ đỏ trái pháp luật nhà 24 Nguyễn Thiệp

Vì những lý do nêu trên, Sở Nhà đất TP. Hà Nội đã đình chỉ việc xem xét cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho gia đình ông Phạm Nam tại 24 phố Nguyễn Thiệp vì nhà đang có tranh chấp.

Đến năm 2010, ông Phạm Nam tiếp tục nộp đơn xin cấp Giấy chứng nhận QSDĐ với tổng diện tích 59m2, còn bà Phùng Thị Hòa, nguyên Chủ tịch UBND phường vẫn phê duyệt đơn xin cấp Giấy chứng nhận QSDĐ của gia đình ông Phạm Nam, trong đó có nội dung khẳng định “hiện không có tranh chấp khiếu kiện”.

Ông Nguyễn Đình Tuân số 26, phố Nguyễn Thiệp, phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình bức xúc nói: “Tôi thấy việc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ nhà số 24 phố Nguyễn Thiệp hoàn toàn phi lý. Hơn 3 năm trời, tất cả những đơn từ của chúng tôi gửi, quận Ba Đình không hề nhắc đến mà chỉ dựa vào đơn của ông Phạm Nam. Trong khi UBND TP. Hà Nội đã có 4 - 5 công văn yêu cầu quận Ba Đình thực hiện công văn của Thành phố nhưng họ vẫn không thực hiện”.

Liên quan đến 2 tờ giấy cam đoan và cam kết mà ông Phạm Nam đưa ra để xin cấp Giấy chứng nhận QSDĐ. Ngày 22/3/2012, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an đã tiến hành giám định và kết luận “2 bản này không cùng một người viết”. Đến ngày 7/5/2013, Viện Khoa học kỹ thuật hình sự tiếp tục công bố kết quả giám định bản sao đơn xin phép xây dựng ngày 10/4/1991 do ông Phạm Nam (Ký hiệu A), với bản sao giấy cam kết và cam đoan đề tháng 3 và tháng 4/1972 (ký hiệu M1, M2) có chữ ký của bà Nguyễn Thị Thảo (mẹ ông Tuân) và kết luận, chữ viết trên đơn xin phép xây dựng (ký hiệu A) với chữ viết chữ số nội dung trên 2 bản giấy cam kết kí hiệu (M1, M2) là chữ viết chữ số của cùng một người viết.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Đình Tuân cung cấp thêm: “Đầu tháng 6/2013, Thanh tra quận Ba Đình báo cho tôi biết Thanh tra quận cũng đã giám định và đã kết luận ông Nam dùng giấy tờ giả. Tuy nhiên, Thanh tra quận không xử lý kịp thời tạo điều kiện cho ông Nam tẩu tán tiền đã bán nhà và phi tang tài sản tại nhà 24 Nguyễn Thiệp. Công an quận Ba Đình có xác nhận rằng, năm 1960, mẹ tôi không biết chữ. Như vậy càng chứng minh rằng, trước đây chính quyền quận Ba Đình cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Nam là hoàn toàn sai pháp luật”.
 
Viện Khoa học hình sự Bộ Công an kết luận chữ viết 2 tờ giấy trên do cùng một người viết
Viện Khoa học hình sự Bộ Công an kết luận chữ viết 2 tờ giấy trên do cùng một người viết
Viện Khoa học hình sự Bộ Công an kết luận chữ viết 2 tờ giấy trên do cùng một người viết

Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an đã chỉ rõ những dấu hiệu bất thường trong hồ sơ cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho nhà 24 Nguyễn Thiệp mang tên ông Phạm Nam, nhưng đã 8 tháng trôi qua, đến nay Thanh tra quận Ba Đình vẫn chưa ban hành kết luận về vụ việc khiến người dân phải chịu đựng bức xúc kéo dài.

Nhận xét về vụ việc, bà Nguyễn Thị Tài, con gái của ông Minh và bà Thảo cho biết: “Nhà số 24, 26, 28 Nguyễn Thiệp do bố mẹ để lại cho 4 anh em tôi. Bà ấy (bà Dương Thị Phương) nằm trong ban quản trị, còn mẹ tôi là hội viên nên mẹ tôi nhận bà ấy là cháu nuôi, cho bà ấy mảnh đất 30m2 để làm nhà ở. Đến năm 1972, khi tôi đi lấy chồng, tôi không ở đây nữa, thì bà ý chiếm mảnh đất này. Chúng tôi đã theo đuổi vụ việc 30 năm nay, để đòi lại mảnh đất làm nhà thờ tổ cho các cụ. Ông ấy (ông Phạm Nam) tự quyền chiếm đoạt tài sản của gia đình chúng tôi”.

Việc Thanh tra quận Ba Đình chậm ban hành kết luận đang đe dọa nghiêm trọng quyền lợi hợp pháp của công dân, vì vậy, ông Nguyễn Đình Tuân khẩn thiến đề nghị: “Chúng tôi đề nghị các cơ quan có thẩm quyền nhà nước sớm vào cuộc chỉ đạo giải quyết để Thanh tra quận Ba Đình ban hành kết luận thanh tra đúng trình tự và quy định của pháp luật. Nhà số 24 Nguyễn Thiệp là tang vật của kẻ lừa đảo đã dùng giấy tờ giả để chiếm đoạt của gia đình tôi. Đứng về luật, tài sản được xem là tang vật cần phải được thu giữ nhưng UBND quận Ba Đình lại tạo điều kiện cho ông Phạm Nam bán nhà 24 Nguyễn Thiệp là điều bất bình thường và vi phạm quy định pháp luật”.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương - Vũ Thúy