Rộn ràng buôn bán hoa, cây cảnh ngày cận Tết

(Dân trí) - Cứ tầm cuối tháng 11, đầu tháng Chạp hàng năm, thị trường hoa, cây cảnh lại bắt đầu sôi động. Những người lao động từ các tỉnh đổ xô lên thành phố bán cây. Nghề thời vụ này tuy vất vả song đem lại cho họ khoản tiền kha khá tiêu Tết.

Rong ruổi khắp Hà Nội bán cây…

 

Vào thời điểm này, tại các nhà vườn ở Quảng Bá, Tứ Liên, Nhật Tân, Phú Thượng… (Hà Nội) đã có rất nhiều người buôn chầu trực tìm mua cây, hoa cảnh đi bán dạo. Nghề này được nhiều người lao động ngoại tỉnh theo vì khá trúng mánh. Rất nhiều “nhà buôn” đến từ Hà Nam, Nam Định, Thái Bình… và phạm vi “hoạt động” của họ không chỉ trong các làng hoa truyền thống mà rộng ra cả các làng hoa mới ở ngoại thành, ở Hưng Yên, Bắc Ninh…

 

Chị Nguyễn Thị Hà, quê Bắc Giang, làm nghề buôn hoa, cây cảnh đã được 3 mùa Tết, kể: “Thường là đầu tháng Chạp tôi xuống Hà Nội và thuê trọ tại khu vực Chương Dương, Phúc Xá… để đi buôn cây cảnh. Năm nay tôi xuống sớm hơn bởi phải lo tới các nhà vườn tìm mua nguồn hàng trước. Chỉ có chiếc xe đạp cà tàng nên tôi chỉ đi đến các làng hoa gần như Quảng Bá, Tứ Liên, Nhật Tân để mua chứ không đi được xa. Thường là tôi buôn quất cảnh, hoa đào. Khi đào, quất chưa đến độ thì buôn sung, si, cúc mâm xôi… Mua được hàng là rong ruổi khắp phố phường chào mời khách. Cứ thế từ sáng đến tối, có hôm ế hàng bán tới 11-12 giờ đêm”.
 

Rộn ràng buôn bán hoa, cây cảnh ngày cận Tết - 1

(Ảnh: VOVNews)

 

Chị Hà cho biết vốn bỏ ra ban đầu khoảng gần 1 triệu. Công việc cực kỳ vất vả nhưng bù lại thù lao rất khá, có ngày được tới vài trăm ngàn đồng. Chị tâm sự: “Chịu khó một tí nhưng kiếm được cái Tết”.

 

Anh Lê Văn Tâm (Thái Bình) cũng là người có thâm niên buôn cây, hoa cảnh dịp Tết ở Hà Nội. Cũng chỉ có chiếc xe đạp nên anh Tâm cũng chỉ buôn cây bé, xấu, về tạo dáng lại rồi bán kiếm lời. Anh cho biết thường sang tận huyện Mê Linh mua cây, tuy xa một chút nhưng giá rẻ hơn.

 

Anh Trần Văn Thọ, quê Hà Nam, vốn được một người anh “dìu dắt” vào nghề buôn cây cảnh. Anh may mắn hơn vì có chiếc xe máy song anh cho rằng chính chiếc xe ấy đôi khi lại là “cực hình” khi phải dắt xe rong ruổi trên phố bán hàng.

 

Anh Thọ thường mua cây tận Văn Giang, Vĩnh Phúc… rồi đem sang Hà Nội bán, mỗi chuyến lãi tiền trăm. Một ngày may mắn anh có thể đi tới mấy chuyến. “Dù buôn bán thế nào, được nhiều hay được ít thì chiều 29 tôi cũng trở về quê bởi cả nhà đều trông vào khoản tiền của tôi để sắm Tết”.

 

… và những “nhà buôn lớn”

 

Không chỉ những người bán cây dạo, những cửa hàng bán hoa, cây cảnh dịp Tết cũng nở rộ và nhộn nhịp. Đó có thể là một cửa hàng lâu năm trên phố, trong chợ, cũng có thể chỉ là những gian hàng “lâm thời” mới xuất hiện trên hè phố.

 

Anh Nam, quê Đông Anh, Hà Nội, năm nào cũng thuê một khoảng trên ven đường đê Yên Phụ để bán quất cảnh. Số quất này anh mua lại từ làng Tứ Liên, có ngày may mắn anh bán được vài chục cây, cũng có ngày hết đứng lại ngồi mà không ai hỏi.
 
Rộn ràng buôn bán hoa, cây cảnh ngày cận Tết - 2
(Ảnh: VOVNews)

 

Theo anh Nam thì quất của anh bao giờ cũng là loại đẹp, giá không dưới 4-5 trăm ngàn đồng/cây. Năm nay anh “thầu” hẳn một vườn quất 300 cây, vừa bán tại vườn, vừa đánh lên đê để bán cho khách. Anh nhận định với sức tiêu thụ hiện tại, chỉ khoảng 26 Tết là không còn quất để bán.

 

Anh Nguyễn Tuấn Tùng, quê mãi tận Nghệ An, cũng chuyên buôn hoa, cây cảnh theo kiểu mua cả vườn từ nhiều năm nay, cho biết: “Năm nay tôi mua 2 vườn quất ở Quảng Bá và 1 vườn đào ở Nhật Tân với số vốn bỏ ra cả trăm triệu đồng. Một số sẽ bán cho khách chơi sang, còn lại sau 23 tháng Chạp sẽ mang ra chợ hoa Hàng Lược bán nốt”.

 

Chúng tôi gặp chị Lê Thị Năm khi chị mới chuẩn bị thuê gian hàng ở chợ hoa Hà Đông. Chị cho biết năm nào cũng đánh quất từ Văn Giang về bán, chủ yếu là quất loại trung bình, giá phải chăng. Chị dự tính tết này sẽ mua khoảng 500 cây, nếu “trời thương” đến mấy ngày cận Tết hết hàng thì sẽ “tăng cường” thêm vài trăm cây nữa.

 

Với những “nhà buôn lớn” như anh Nam, anh Tùng, chị Năm, mỗi dịp buôn thế này thường mang lại vài chục triệu đồng, một con số đáng mơ ước so với cả năm quần quật ở quê nhà. Khoảng thời gian tha hương ngắn ngủi đó là cơ hội để gia đình họ có một cái Tết đủ đầy, sung túc mỗi dịp Xuân về.

 

Nguyễn Tuấn Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm