Phú Yên:
Ra quân giải tỏa nuôi thủy sản trái phép trên danh thắng Quốc gia đầm Ô Loan!
(Dân trí) - Nhiều năm qua, danh thắng Quốc gia đầm Ô Loan (Tuy An, Phú Yên) bị lấn chiếm đến 1/4 diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản trái phép. Những hoạt động này đã làm biến dạng và ô nhiễm nghiêm trọng môi trường ở đầm Ô Loan. Ngày 24/5, UBND huyện Tuy An đã đồng loạt ra quân giải tỏa, tiêu hủy các dụng cụ khai thác và nuôi trồng thủy sản trái phép trên đầm.
Danh thắng Quốc gia đầm Ô Loan từng được biết đến là một danh thắng tuyệt đẹp của tỉnh Phú Yên. Nhưng những năm gần đây, tình trạng người dân lấn chiếm diện tích mặt nước để nuôi thủy sản trái phép một cách tràn lan đã làm biến dạng và ô nhiễm nghiêm trọng môi trường trong đầm.
Tại danh thắng này, hiện tại hai bên đầm là hồ nuôi tôm trái phép, ở giữa đầm là những cọc tre được chôn sâu dưới nước với những lớp lưới dày đặc được người dân nuôi vẹm; phía sâu hơn là lờ dây -1 phương tiện đánh bắt thủy sản theo kiểu hủy diệt.
Người dân làm hồ nuôi tôm, nuôi vẹm xanh...gây mất cảnh quan và ô nhiễm nguồn nước trong đầm
Trong thời gian qua, nhiều người dân địa phương rất bức xúc về tình trạng này, nên ngay trong ngày đầu ra quân giải tỏa, tịch thu các dụng cụ đánh bắt đã được người dân đồng tình ủng hộ.
Ông Trần Xuân Định, người dân xã An Cư, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên nói: Nghe chủ trương giải tỏa này rất lâu nhưng hôm nay thực hiện được dân ở đây rất mừng.
“Họ nuôi tôm tràn lan, nuôi vẹm, đánh bắt thủy hải sản theo kiểu hủy diệt nên đầm Ô Loan mất đi vẻ đẹp và giá trị như ngày xưa…mong sau đợt giải tỏa này, trong tương lai sẽ khôi phục được ngành hải sản tự nhiên của đầm Ô Loan” ông Định nói.
Sáng ngày 24/5 nhiều lực lượng của UBND huyện Tuy An đồng loạt ra quân giải tỏa các lưới lồng, cọc tre
Theo thống kê, trên đầm Ô Loan có gần 670 hộ dân sống tại 5 xã ven đầm đã khai thác thủy sản bằng lờ dây, đăng, chấn gây hại đến nguồn lợi thủy sản trong đầm. Ngoài ra, có hơn 230 hộ lấn chiếm đất xây dựng nhà ở và công trình khác, với tổng diện tích hơn 17.000m2 và khoảng 25% diện tích bị lấn chiếm nuôi trồng thủy sản trái phép.
Trước khi ra quân thu hồi các dụng cụ khai thác thủy sản trái phép trên đầm Ô Loan, UBND huyện Tuy An đã tuyên truyền, vận động người dân tự di dời, tháo dỡ. Tuy nhiên, rất ít hộ tự động thực hiện chủ trương này. Chính vì điều này, bắt buộc các lực lượng của huyện phải ra quân giải tỏa.
Trong sáng nay ngày 24/5, các loại lưới lồng, cọc tre được các lực lượng thu hồi trên đầm đã được tiến hành, sau đó tiêu hủy.
Tiến hành thu giữ và tiêu hủy
Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó chủ tịch UBND huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên: “Huyện đã tổ chức nhiều cuộc họp và quyết tâm làm cho bằng được việc giải tỏa các hành vi lấn chiếm mặt nước trái phép của đầm Ô Loan để trả lại đầm nguyên trạng như ngày xưa, tạo ra môi trường thông thoáng cho du lịch, cho dân sinh cho phát triển một cách bền vững.
Trước mắt từ nay đến hết tháng 6, 5 xã ven đầm sẽ giải tỏa xong tình trạng sử dụng dụng cụ đánh bắt và nuôi trồng thủy sản trái phép, mang tính hủy diệt trên đầm Ô Loan” ông Thanh cho biết.
Đây chỉ là bước 1 trong tiến trình lập lại trật tự trên danh thắng cấp Quốc gia đầm Ô Loan
Cũng theo UBND huyện Tuy An, việc thu hồi, giải tỏa các phương tiện khai thác hủy diệt trên đầm Ô Loan trong đợt này chỉ là bước 1 trong tiến trình lập lại trật tự trên danh thắng cấp Quốc gia này. Sắp tới, tỉnh Phú Yên sẽ tiến hành giải tỏa tất cả các hồ nuôi tôm trái phép, đồng thời, quy hoạch vùng nuôi thủy sản hợp lý, phát triển theo hướng bền vững.
Trung Thi