Viết tiếp bài “Ai bao che cho sai phạm của Cty CP Bê tông Xây dựng Hà Nội?”:

Quýt làm, cam chịu!

Báo Thanh tra đã phản ánh những sai phạm của một số lãnh đạo Cty Cổ phần (CP) Bê tông Hà Nội (VIBEX) mà cụ thể là trách nhiệm của ông Đào Xuân Hồng đã không được làm rõ nên kéo theo nhiều hệ luỵ, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Cty sau này.

Các văn bản chỉ đạo và nghị quyết hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn của HANCORP và Chủ tịch HĐQT VIBEX.
Các văn bản chỉ đạo và nghị quyết "hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn" của HANCORP và Chủ tịch HĐQT VIBEX.
 
Sau khi bị "đuổi" khỏi Dự án Nhà điều hành Điện lực TP HCM vào tháng 6/2008, tháng 11/2009, ông Hồng được Tổng Cty Xây dựng Hà Nội (HANCORP - trực tiếp là Tổng Giám đốc Nghiêm Sĩ Minh đề xuất) nhấc lên làm Phó Tổng HANCORP. Đồng thời, HANCORP giao ông Nguyễn Gia Dũng, Thường vụ Đảng vụ, Trưởng phòng Tổ chức Lao động HANCORP quản lý phần vốn Nhà nước tại VIBEX và đề cử chức vụ Tổng Giám đốc tại doanh nghiệp này. Ngày 17/11/2009, ông Dũng được Hội đồng Quản trị (HĐQT) VIBEX bổ nhiệm chức danh Tổng Giám đốc.

Quay trở lại nội dung sai phạm tại Dự án Nhà điều hành Điện lực TP HCM,  trước khi rời ghế Tổng Giám đốc VIBEX, ông Hồng đã để lại "khoản nợ" gần 25 tỷ đồng. Do không có vốn, VIBEX phải vay lãi ngân hàng, cho đến thời điểm này cả gốc và lãi đã lên tới gần 60 tỷ đồng (tương đương khoảng 50% doanh thu 6 tháng đầu năm 1013).
 
Các văn bản chỉ đạo và nghị quyết hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn của HANCORP và Chủ tịch HĐQT VIBEX.
Sau khi bổ nhiệm chức danh Tổng Giám đốc, ông Dũng đã có những đóng góp đáng kể cho VIBEX . Năm 2010, VIBEX đạt doanh thu trên 635 tỷ đồng (vượt gần 10% so với năm 2009)...  
 
Năm 2011, VIBEX tổ chức Đại hội Đồng cổ đông hết nhiệm kỳ. Tại Đại hội này, một nhóm cổ đông đề cử 1 cổ đông ngoài Cty (bà Nguyễn Thị Thanh Bình) vào HĐQT nhiệm kỳ 2011 - 2016. Tuy nhiên, tại Đại hội, bà Bình không chứng minh đầy đủ các tiêu chí đã được đưa ra nêu trong quy định của Điều lệ nên không được chấp nhận. Điều rắc rối ở đây, trong nhóm cổ đông ủng hộ bà Bình có vợ và người nhà ông Nghiêm Sĩ Minh và cá nhân ông Đào Xuân Hồng. Sau này, bà Bình đã khởi kiện VIBEX ra toà. Trong quá trình giải quyết vụ việc này, 1 lãnh đạo HANCORP "vỗ vai" bảo, chấp nhận khởi kiện này, nhưng ông Dũng không nghe.

Gần đây, HANCORP  xảy ra một số chuyện có dấu hiệu vi phạm quy trình trong công tác bổ nhiệm cán bộ, củng cố bộ máy lãnh đạo, ông Dũng bị "nghi" là đồng phạm đã đứng ra đấu tranh. 

Ngày 24/9/2013, HANCORP đã yêu cầu tổ quản lý vốn của HANCORP tại VIBEX (chiếm 28,05%) lên làm việc với Hội đồng Thành viên và lãnh đạo Tổng Cty. Sau khi nghe báo cáo hiện trạng sản xuất kinh doanh (đi xuống) cùng những tồn tại khó khăn của VIBEX, ông Nghiêm Sĩ Minh đã khẳng định lỗi do ông Nguyễn Gia Dũng và kết luận: Tổ quản lý vốn của HANCORP tại VIBEX thống nhất với HĐQT của VIBEX có phương án chỉ thay đổi Tổng Giám đốc, báo cáo lãnh đạo HANCORP vào ngày 3/10/2013.  

Kết luận là vậy, nhưng 12 giờ 4 phút ngày 25/9, VIBEX nhận được bản fax từ HANCORP Văn bản 1243/TCT-TCLĐ yêu cầu tổ quản lý vốn của HANCORP tại VIBEX thống nhất với HĐQT của VIBEX để có phương án thay xong Tổng Giám đốc và báo cáo trước ngày 27/9/2013 để tránh Đại hội Cổ đông bất thường. 

Gần 2 tiếng sau khi nhận được bản fax này, ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch HĐQT VIBEX đã nhanh chóng  triệu tập họp HĐQT để "phế truất" ông Nguyễn Gia Dũng, đồng thời cử ông Lê Văn Oai (nguyên Phó Tổng Giám đốc VIBEX do tín nhiệm quá thấp đã không được bổ nhiệm lại, chỉ còn chức danh chủ tịch HĐQT một Cty liên kết của VIBEX) làm Tổng Giám đốc.

Chỉ đạo của HANCORP là họp tổ vốn rồi bàn với HĐQT VIBEX để có "phương án" rồi báo cáo, nhưng ông Sơn đã bỏ qua và điều hành HĐQT nghị quyết thay đổi ngay. Việc làm này vừa trái với quy trình và các quy định khác của pháp luật về miễn nhiệm cán bộ, nhất là ở vị trí quan trọng như Tổng Giám đốc. Điều rắc rối ở đây là, ông Sơn triệu tập cuộc họp chỉ thông báo trước 30 phút và Tổng Giám đốc đang đi công tác không thể về kịp nên cũng chẳng thể giãi bày hay có ý kiến gì về việc miễn nhiệm mình.

Tại cuộc họp với lãnh đạo HANCORP vào ngày 24/9, ông Dũng đã báo cáo có 6 nguyên nhân gây hoạt động sản xuất kinh doanh của VIBEX đi xuống, trong đó lý do chính là tồn dư của thời ông Đào Xuân Hồng về trước (đặc biệt là tại Dự án Nhà điều hành Điện lực TP HCM, có trách nhiệm không nhỏ của HĐQT mà ông Sơn là Chủ tịch).

Những sai sót để xảy ra thua lỗ, bị “đuổi” khỏi Dự án Nhà điều hành Điện lực TP HCM khiến VIBEX khốn đốn đã 5 năm qua không được HACORP giải quyết, làm rõ trách nhiệm, nhưng nay lại "nhiệt tình" đổ lỗi cho ông Dũng khiến dư luận cả HANCORP và VIBEX  "nổi sóng". Liệu đây có phải là sự trù dập người đấu tranh chống những biểu hiện sai phạm trong công tác bổ nhiệm lãnh đạo HANCORP vừa qua mà nhiều cơ quan báo chí đã đưa tin? Chúng tôi sẽ thông tin chi tiết ở số báo sau.
 
Theo Nhóm PV
Báo Thanh tra

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm