Ai bao che cho sai phạm của Cty CP Bê tông Xây dựng Hà Nội?

Dự án (D.A) Nhà điều hành sản xuất Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh do Cty Điện lực TP HCM (nay là Tổng Cty) làm chủ đầu tư với tổng giá trị trị (gói thầu số 4) là trên 133 tỷ đồng.

Ai bao che cho sai phạm của Cty CP Bê tông Xây dựng Hà Nội?
Không hiểu Cty CPBTXD Hà Nội đã báo cáo thành tích như thế nào với cấp trên để được tặng thưởng Huân chương Độc lập Hạng 3 vào năm 2011.
 
Năm 2005, Tổng Cty Xây dựng Hà Nội (viết tắt là HANCORP) trúng thầu gói số 4, rồi giao lại cho Cty Cổ phần Bê tông Xây dựng (Cty CPBTXD)Hà Nội. Theo đó, HANCORP sẽ thu 1% tổng giá trị hợp đồng phí quản lý. Có nghĩa là Cty CPBTXD Hà Nội phải trả cho HANCORP khoảng 1,33 tỷ đồng.

Ngày 15/11/2005, ông Nghiêm Sĩ Minh, Tổng Giám đốc HANCORP có giấy uỷ quyền gửi Cty Điện lực TP HCM nêu: Giao nhiệm vụ thi công cho Cty CPBTXD Hà Nội trực tiếp là ông Đào Xuân Hồng, Phó Giám đốc làm Chủ nhiệm D.A.

Một tháng sau (tháng 12/2005), Cty CPBTXD Hà Nội chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước sang Cty cổ phần. Ông Hồng được Hội đồng quản trị (HĐQT) bổ nhiệm giữ chức Tổng Giám đốc - đồng thời là đại diện pháp luật cho Cty.

Theo quy định của pháp luật, người đại diện pháp luật cho công ty không thể làm Chủ nhiệm D.A. Và, đương nhiên ông Hồng không thể tiếp tục nắm giữ vai trò Chủ nhiệm D.A Nhà điều hành sản xuất Cty Điện lực TP Hồ Chí Minh nữa. 

Nhưng thực tế, HĐQT (mà trách nhiệm chính ở đây là ông Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thanh Sơn) đã không thay thế Chủ nhiệm D.A mà vẫn để ông Hồng kiêm nhiệm. Có nghĩa là, toàn bộ việc tổ chức thi công, quản lý tài chính, ứng vốn trong thi công... thực hiện hợp đồng đều do Tổng Giám đốc và Kế toán Trưởng tự thực hiện.

Do "tự múa", D.A đã xảy ra hàng loạt sai phạm như: Cty đã cho Đội thi công vay vốn trái với quy định tại Điều 4 của Hợp đồng giao khoán số 15/KT&DA-CTBT ngày 18/5/2006 (cho vay không căn cứ vào nhu cầu vốn thực tế thi công, không có biện pháp bảo đảm thu hồi vốn vay dẫn đến nguy cơ mất vốn lớn do không thu hồi được nợ cho vay). Cụ thể: Khối lượng công việc hoàn thành được chủ đầu tư xác nhận cho các hạng mục là  33.216.711.356 đồng. Theo quy định của Hợp đồng, Đội chỉ được vay vốn của Cty với số tiền tương ứng  80% giá trị khối lượng công việc đã hoàn thành, tương đương 26.573.369.085 đồng. Nhưng thực tế, số tiền mà Cty đã cho Đội vay là: 56.939.103.985 đồng (vượt 30.265.734.900 đồng). 

Ngoài ra, lượng vật tư chính thực tế sử dụng vượt quá mức vật tư quyết toán được chủ đầu tư xác nhận hàng trăm tấn thép các loại và cả nghìn m3 bê tông. Quá trình thực hiện có nhiều vi phạm chế độ kế toán hiện hành: Không có chứng từ xuất nhập vật tư, thiết bị, công cụ dụng cụ, không có biên bản kiểm kê định kỳ, mua tài sản không mở sổ theo dõi…

Ngoài ra, công trình còn bị chủ đầu tư phạt chậm tiến độ, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Ngày 25/6/2008, chủ đầu tư đã có văn bản yêu cầu nhà thầu dừng thi công, bàn giao lại mặt bằng. Việc bị "đuổi" khỏi D.A đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của HANCORP.

Báo cáo với Thanh tra Bộ Xây dựng về vụ việc này, Cty CPBTXD Hà Nội cho biết: Đến thời điểm 31/7/2011, tổng số dư vay vốn và lãi vay là 42,4 tỷ đồng. Ngoài ra, số tiền (lỗ) sẽ phát sinh từ chi phí chủ đầu tư thuê nhà đầu tư khác xử lý phần việc chưa hoàn tất ở khối lượng đã thi công, phạt do chậm tiến độ, trách nhiệm bảo hành... là chưa tính được.

Sai phạm này đã diễn ra từ tháng 6/2008 đến nay, nhưng không được HANCORP (vai trò cấp trên và là Tổng thầu) xử lý. Thậm chí, ông Đào Xuân Hồng được "thăng" lên làm Phó Tổng Giám đốc HANCORP kiêm  Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Cty CP Thiết bị & Xây dựng HANCORP và Chủ tịch HĐQT 2 công ty con khác.

Những việc "lạ đời" kể trên khiến nhiều cán bộ công nhân viên HANCORP và người dân đặt câu hỏi: Ai bao che cho những sai phạm này? Đề nghị Bộ Xây dựng sớm có câu trả lời.
Theo Nhóm PV
Báo Thanh tra