Bài 5:

"Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại của TAND TPHCM là bất thường"

(Dân trí) - "Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại của TAND TPHCM, trong vụ án người kháng cáo là ông Phạm Gia Nguyên Huy, hết sức bất thường. Lẽ ra, Toà án cần áp dụng Bộ luật tố tụng dân sự đối với Điều 189 chỉ là "tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự" trong vụ án này", luật sư Vi Văn Diện nhận định.

Tại sao không tạm đình chỉ giải quyết vụ án mà đình chỉ luôn khiến người dân "hết cửa" kêu cầu?

Trong đơn kêu cứu gửi đến Báo Dân trí, ông Phạm Gia Nguyên Huy (SN 1986) trình bày, ông là người đại diện cho doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Thương mại và Dịch vụ Thiên Phúc Thành (trụ sở P.6, Q.Tân Bình) và là bị đơn trong vụ án "Tranh chấp hợp đồng tín dụng" với nguyên đơn là Công ty tài chính TNHH MTV Cao su Việt Nam (đóng tại Q.3) và được TAND Q.Tân Bình đưa ra xét xử sơ thẩm vào ngày 24/9/2014. Ở phiên tòa này, anh Huy ủy quyền cho mẹ là bà Phạm Thị Ngượi.

Theo quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại của TAND TPHCM, ngày 24/9/2014, TAND Q.Tân Bình đã ban hành bản án sơ thẩm số 214/2014/KDTM-ST với nội dung chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là Công ty tài chính TNHH MTV Cao su Việt Nam (viết tắt Cty Cao su Việt Nam), buộc ông Phạm Gia Nguyên Huy, chủ DNTN Thương mại và Dịch vụ Thiên Phúc Thành phải có trách nhiệm trả cho Cty Cao su Việt Nam số tiền gần 14,5 tỷ đồng.

Ngày 4/10/2014, ông Huy làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm số 214/2014/KDTM-ST của TAND Q.Tân Bình. Sau khi thụ lý vụ án, TAND TP.HCM đã triệu tập ông Huy để tống đạt thông báo thụ lý vụ án phúc thẩm. Ngày 8/12/2014, bà Phạm Thị Ngượi (đại diện cho ông Huy) đến tòa ký nhận thông báo thụ lý vụ án và nộp bản giải trình.

Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại của TAND TPHCM là bất thường - Ảnh 1.

Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại của TAND TPHCM

Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại của TAND TPHCM còn thể hiện việc cơ quan này 2 lần triệu tập hợp lệ người kháng cáo là ông Phạm Gia Nguyên Huy tham gia phiên tòa vào các ngày 28/8/2015 và 24/9/2015 nhưng ông Huy đều vắng mặt. Chính vì vậy TAND TP.HCM đã ra quyết định đình chỉ vụ án, giữa nguyên bản án sơ thẩm và công nhận có hiệu lực.

Tuy nhiên, trong đơn xin xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm gửi đến TAND Cấp cao tại TP.HCM, ông Phạm Gia Nguyên Huy khẳng định quyết định đình chỉ của TAND TP.HCM đã xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của ông và gia đình vì vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

Ông Huy cho rằng, trong thời hạn quy định ông đã nộp đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND Q.Tân Bình. Sau đó, TAND TP.HCM có mời ông một lần lên ghi ý kiến về các nội dung kháng cáo. "Từ đó đến nay tôi và gia đình không nhận được bất cứ thông báo, giấy triệu tập nào của tòa án. Các địa chỉ ghi trong hồ sơ không thay đổi. Tôi chỉ biết vụ án bị đình chỉ giải quyết qua một cơ quan tố tụng khác và lý do đình chỉ là chúng tôi được mời hợp lệ 2 lần vẫn vắng mặt", ông Huy trình bày trong đơn gửi đến TAND Cấp cao tại TP.HCM.

Ngày 16/2/2016, đơn của ông Huy được TAND Cấp cao tại TP.HCM chấp nhận và sẽ tiến hành xem xét đơn đề nghị kháng nghị theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đã hơn 2 năm, vụ việc này vẫn chưa được giải quyết.

Bên cạnh đó, gia đình ông Huy cũng làm đơn gửi đến Viện KSND Cấp cao tại TP.HCM và nhiều cơ quan chức năng mong muốn được làm sáng tỏ "uẩn khúc" về việc gia đình ông không hề nhận được giấy triệu tập, quyết định đưa vụ án ra xét xử nhưng vụ án vẫn bị đình chỉ. Ông Huy cho rằng, có hay không việc HĐXX đã vi phạm tố tụng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của ông.

Sau khi nhận đơn của ông Huy, ngày 28/3/2016, Viện KSND Cấp cao tại TP.HCM đã có thông báo, cơ quan này đã nhận được đơn của ông và đã chuyển đơn đến Chánh án TAND TP.HCM để giải quyết theo thẩm quyền. Ngày 9/6/2016, TAND TP.HCM tiếp tục chuyển đơn của ông Huy đến TAND Cấp cao TP.HCM để xem xét giải quyết theo thẩm quyền.

Ngày 28/3/2016, VKSND TP HCM đã có Công văn gửi ông Phạm Gia Nguyên Huy cho biết: Cơ quan này đã nhận được đơn của ông với nội dung tố cáo thẩm phán Trần Thị Huyền Vân xét xử không tuân theo quy trình pháp luật quy định.

Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại của TAND TPHCM là bất thường - Ảnh 2.

VKSND TP HCM đã có Công văn gửi ông Phạm Gia Nguyên Huy cho biết: Cơ quan này đã nhận được đơn của ông với nội dung tố cáo thẩm phán Trần Thị Huyền Vân xét xử không tuân theo quy trình pháp luật quy định.

Từ đó, VKSND TP HCM đã có công văn chuyển toàn bộ đơn của ông Huy đến Chánh án TAND TP HCM giải quyết theo thẩm quyền.

"Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án sẽ làm ảnh hưởng đến sự công minh của pháp luật và sự công bằng với dân"

Liên quan đến vụ việc này, PV Dân trí đã có buổi làm việc với luật sư Vi Văn Diện, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội).

Xem xét toàn bộ sự việc dưới góc độ pháp luật, luật sư Diện cho rằng: "Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án Kinh doanh thương mại số 1277/2015/QĐĐCPT-KDTM ngày 24 tháng 9 năm 2015 là rất bất thường.

Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án Kinh doanh thương mại số 1277/2015/QĐĐCPT-KDTM ngày 24 tháng 9 năm 2015 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh vi phạm thủ tục tố tụng, vô hình dung đã tước đoạt quyền bình đẳng, quyền bảo vệ quyền lợi của bị đơn.

Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại của TAND TPHCM là bất thường - Ảnh 3.

Luật sư Vi Văn Diện: "Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án sẽ làm ảnh hưởng đến sự công minh của pháp luật và sự công bằng với dân".

Cụ thể, Bị đơn đã kháng cáo đúng hạn đối với bản án sơ thẩm số 214/2014/KDTM-ST ngày 24/9/2014 của Toà án nhân dân quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh. Toà phúc thẩm đã thụ lý, vì lý do khách quan đại diện theo uỷ quyền của bị đơn đã gửi văn bản từ nước ngoài về toà án xin được có mặt ngay khi về nước.

Trước khi xét xử, ra quyết định đình chỉ, ngày 19/3/2015 Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã có Công văn số 102/TATP-TKT gửi Phòng quản lý xuất nhập cảnh Công an thành phố Hồ Chí Minh xác minh việc xuất cảnh của bà Phạm Thị Ngượi. Ngày 02 tháng 4 năm 2015, Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh nhận được công văn số 2149/QLXNC-TMTH cho biết bà Phạm Thị Ngượi đã xuất cảnh vào ngày 29/01/2015, hiện chưa có thông tin nhập cảnh. Như vậy, rõ ràng toà án đã xác minh, đúng là đại diện bị đơn đang ở nước ngoài chưa có điều kiện tham gia giải quyết vụ án.

Việc toà án xác minh thêm thông tin DNTN Thương Mại và Dịch Vụ Thiên Phúc Thành chưa giải thể chỉ là để khẳng định tư cách người uỷ quyền và người nhận uỷ quyền còn hiệu lực mà hơn nữa, căn cứ, cơ sở nào nói đã tống đạt hợp lệ 02 (hai) lần cho ông Phạm Gia Nguyên Huy, Chủ Doanh nghiệp tư nhân Thương Mại và Dịch Vụ Thiên Phúc Thành nhưng đều vắng mặt.

Bị đơn ông Phạm Gia Nguyên Huy khẳng định chưa nhận được bất kỳ Quyết định đưa vụ án ra xét xử và Quyết định hoãn phiên toà nào được tống đạt từ Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh như nhận định tại Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án Kinh doanh thương mại số 1277/2015/QĐĐCPT-KDTM ngày 24 tháng 9 năm 2015 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại của TAND TPHCM là bất thường - Ảnh 4.

Thông báo thụ lý giải quyết vụ việc của cơ quan chức năng nhưng đến nay đã hơn 2 năm, ông Huy vẫn mòn mỏi chờ đợi sự vào cuộc của những đơn vị trên.

Như vậy, rõ ràng toà án nhân dân TP.HCM đã vi phạm Chương X Bộ luật tố tụng dân sự về Cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng. Ngoài ra, toà án cấp phúc thẩm đã áp dụng Điểm d, khoản 1, Điều 260 Bộ luật tố tụng dân sự để ra quyết định đình chỉ trong khi không có giải thích rõ về trường hợp cụ thể này:

"Điều 260. Đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án

1. Tòa án cấp phúc thẩm quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án hoặc một phần vụ án trong các trường hợp sau đây:

a) Trong các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 192 của Bộ luật này;

b) Người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo hoặc Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị;

c) Người kháng cáo rút một phần kháng cáo hoặc Viện kiểm sát rút một phần kháng nghị;

d) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Xét thấy, trong trường hợp này, Toà án cần áp dụng Bộ luật tố tụng dân sự đối với Điều 189 để tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự bởi quyết định đình chỉ giải quyết vụ án sẽ làm ảnh hưởng đến sự công minh của pháp luật và sự công bằng với dân", luật sư Diện bày tỏ.

Theo luật sư Diện, vì vậy, TAND Cấp cao tại TP HCM và VKSND Cấp cao tạ TP HCM cần xem xét kháng nghị, xem xét lại toàn bộ vụ án, vụ việc nêu trên theo trình tự thủ tục giám đốc thẩm, Quyết định huỷ toàn bộ nội dung Bản án số 214/2014/KDTM-ST ngày 24/9/2014 của Toà án nhân dân quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh về "Tranh chấp hợp đồng tín dụng" và Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án Kinh doanh thương mại số 1277/2015/QĐĐCPT-KDTM ngày 24 tháng 9 năm 2015 của Toà án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh để xem xét giải quyết lại bảo đảm khách quan, toàn diện, thấu tình đạt lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm