TP.HCM:

Quyền lợi của công dân bị cơ quan chức năng chơi “bóng chuyền”

(Dân trí) - Chưa nguôi ngoai nỗi đau mất người sau sự ra đi của bà Đinh Thị Ninh, ông Nguyễn Sỹ Tính và các thành viên gia đình tiếp tục hứng chịu gáo “nước lạnh” khi những quyền lợi chính đáng bị Bưu điện TP.HCM đùn đẩy trách nhiệm thể hiện trên văn bản số 830/BĐHCM-ĐT.

Nhận được đơn khiếu nại của ông Nguyễn Sỹ Tính, tạm trú tại số 178/16, đường Cô Giang, Quận 1, TP. HCM và Công văn số 09/BBĐ-2013 do báo Dân trí chuyển đến. Ngày 28/2/2013, ông Nguyễn Khắc Thành, Phó Giám đốc Bưu điện TP.HCM đã ban hành văn bản số 830/ BĐHCM-ĐT trả lời nội dung đơn khiếu nại của công dân.
 
Ông Nguyễn Sỹ Tính cho rằng Bưu điện TP.HCM đang cố ý đùn đẩy trách nhiệm
Ông Nguyễn Sỹ Tính cho rằng Bưu điện TP.HCM đang cố ý đùn đẩy trách nhiệm

Từng đặt rất nhiều hy vọng vào trách nhiệm giải quyết của Bưu điện TP.HCM (Cơ quan chủ quản của vợ ông Tính là bà Đinh Thị Ninh). Tuy nhiên, nội dung văn bản số 830/ BĐHCM-ĐT lại mang đến nỗi thất vọng tràn trề cho ông Nguyễn Sỹ Tính, cùng hơn 10 người con cháu đang sống chen chân khổ cực trong căn nhà tạm rộng chừng 30m2 ở số nhà 178/16, đường Cô Giang, Quận 1 suốt hơn 20 năm qua.

Sau khi liệt kê ra những văn bản mà Tổng Công ty Viễn thông, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông, Bưu điện TP.HCM đã ban hành từ năm 2004 - 2007 liên quan đến vụ việc của gia đình ông Nguyễn Sỹ Tính. Văn bản số 830/ BĐHCM-ĐT cho rằng, hiện Bưu điện Thành phố không có đủ thẩm quyền giải quyết đơn khiếu nại của ông Nguyễn Sỹ Tính và vợ là Đinh Thị Ninh, vì từ năm 2008, Bưu điện TP.HCM đã chia tách thành hai đơn vị là Viễn thông TP.HCM trực thuộc Tập đoàn Viễn thông; còn Bưu điện TP.HCM trực thuộc Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (nay là Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam). Kể từ khi chia tách, Bưu điện TP.HCM không được giao quyền phụ trách, quản lý khu đất C30 (khu vực ông Nguyễn Sỹ Tính và bà Đinh Thị Ninh được bồi thường cho phần diện tích bị thu hồi ở đường Hai Bà Trưng).
 
Trước đó UBND TP.HCM đã có văn bản yêu cầu Bưu điện TP.HCM xem xét
Trước đó UBND TP.HCM đã có văn bản yêu cầu Bưu điện TP.HCM xem xét
và giải quyết quyền lợi của gia đình ông Nguyễn Sỹ Tính

Nhận được văn bản trả lời của Bưu điện TP.HCM, ông Nguyễn Sỹ Tính tỏ ra rất bức xúc, ông Tính cho rằng,việc chia tách hay sáp nhập ngành là vấn đề nội bộ của ngành Bưu điện cũng như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Khi còn công tác, bà Đinh thị Ninh là cán bộ Bưu điện Tân Định, là nhân viên ngành Bưu điện thì ngành Bưu điện ngày nay phải có trách nhiệm phối hợp với cơ quan nào khác để giải quyết việc tồn đọng. Ngôi nhà gia đình ông Tính bị Bưu điện TP. HCM cưỡng chế lấy năm 1991 chính là 2/3 diện tích toà nhà Bưu điện Tân Định ngày nay, do ngành Bưu điện Thành phố sử dụng thì ngành Bưu điện không thể đẩy trách nhiệm.

Trong đơn khiếu nại lần 2 gửi đến báo Dân trí, ông Nguyễn Sỹ Tính khẩn thiết đề nghị UBND TP.HCM và Bưu điện TP.HCM bàn giao diện tích đất bồi thường được bố trí ở khu C30, phố Lý Thường Kiệt theo Quyết định của Giám đốc Bưu điện Thành phố. Trong lúc chờ đợi cơ quan chức năng hoàn thành GPMB lô đất đã được phê duyệt, gia đình ông Tính kiến nghị được tạm sử dụng phần diện tích mặt bằng hiện có để giải quyết nhu cầu ở đang rất cấp bách.
 
Trước đó UBND TP.HCM đã có văn bản yêu cầu Bưu điện TP.HCM xem xét
Phần diện tích gia đình ông Tính bị thu hồi năm 1990 chiếm 2/3 diện tích Bưu điện Tân Định ngày nay

Như thông tin báo Dân trí đã đưa, ông Nguyễn Sỹ Tính và vợ là bà Đinh Thị Ninh (vừa qua đời), tạm trú tại hẻm 178/16 đường Cô Giang, phường Cô Giang, Quận 1, TP.HCM phản ánh việc vợ chồng ông và hơn 10 nhân khẩu đang phải sống trong hoàn cảnh rất khó khăn tại ngôi nhà tạm rộng 30m2 từ năm 1990 thế kỷ trước. Khi tiến hành thu hồi đất tại số 230 Hai Bà Trưng, Bưu điện TP. HCM hứa sẽ bồi thường lại cho gia đình ông Tính 80m2 đất, nhưng đến nay quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình vẫn chưa được giải quyết.

Bà Đinh Thị Ninh công tác trong ngành Bưu điện từ năm 1960, đến năm 1976, bà Ninh và chồng là Nguyễn Sỹ Tính được điều chuyển công tác vào TP HCM giữ vị trí Bưu cục trưởng Bưu cục Tân Định, thuộc Bưu điện TP.HCM. Khi chuyển vào TP,HCM, gia đình bà Ninh được Bưu điện TP. HCM phân nhà và đất với diện tích trên 300m2 để sinh sống bên cạnh Bưu cục Tân Định. Đến thời kỳ Sở nhà đất TP.HCM quản lý đất đai, gia đình bà Ninh ký hợp đồng thuê trực tiếp với Sở nhà đất.

Đến năm 1990, UBND TP. HCM và Bưu điện TP.HCM tiến hành thu lại toàn bộ điện tích đất gia đình bà Ninh đang ở để Bưu điện TP. HCM xây dựng Trung tâm Fax và Bưu điện Tân Định. Trước khi thu hồi, Bưu điện TP.HCM và các cơ quan chức năng đã thỏa thuận chia lại cho gia đình bà Ninh tôi một khoảnh đất 80m2, thuộc một phần khu đất thu hồi để gia đình bà Ninh bàn giao toàn bộ mặt bằng khu đất.
 
Bà Đinh Thị Ninh đã về bên kia thế giới với giấc mơ nhà dang dở
Bà Đinh Thị Ninh đã về bên kia thế giới với giấc mơ nhà dang dở

Khi sự việc đang trong quá trình thương thảo, UBND Quận 1 đã ra Quyết định cưỡng chế thu hồi toàn bộ nhà và đất của gia đình bà Ninh. Cùng ngày vợ chồng bà Ninh được mời đến trụ sở UBND phường làm việc, các lực lượng cưỡng chế đã tịch thu toàn bộ khu nhà và đất của gia đình bà Ninh. Toàn bộ đồ đạc của gia đình bị chuyển đến 1 căn nhà tập thể tầng trệt, diện tích 30m2, nằm trong hẻm 178/16 đường Cô Giang, phường Cô Giang, Quận 1, TP HCM.

Hơn 10 năm sau ngày gia đình bà Ninh bị cưỡng chế di chuyển khỏi số 230 Hai Bà Trưng, ngày 1/8/2001, Giám đốc Bưu điện TP. HCM khi đó là ông Trần Quang Vinh mới ký Quyết định số 78/QĐ-NĐ cấp cho gia đình bà Đinh Thị Ninh lô đất 80m2 để làm nhà ở trong khu đất dành cho cán bộ công nhân viên trong ngành tại khu C30, số 270B Lý Thường Kiệt, phường 6, Quận Tân Bình, TP HCM. Gia đình bà Ninh được cấp lô đất thứ 18 trên tổng số 18 lô được cấp cho các gia đình.

Nhưng đến nay mới chỉ có 16/18 lô được các gia đình tiếp nhận và dựng nhà cao tầng khang trang, riêng lô số 18 giao cho bà Đinh Thị Ninh và lô số 17 kế bên chưa được bàn giao do chưa thực hiện GPMB 100% nên Bưu điện TP.HCM chưa thể bàn giao mặt bằng cho bà Đinh Thị Ninh. Kể từ đó đến nay, Bưu điện TP.HCM nhiều lần cam kết thúc đẩy tiến độ GPMB, nhưng mọi việc đến giờ vẫn dậm chân tại chỗ, gia đình bà Đinh Thị Ninh vẫn phải sống cảnh cơ cực trong ngôi nhà cũ 30m2 , dù gia đình bà Ninh nhiều lần làm đơn kiến nghị.

Trong hơn 20 năm mỏi mòn chờ đợi, gia đình ông Tính và bà Ninh đã trải qua rất nhiều biến cố khiến gia đình càng thêm khốn khó. Năm 2007, bà Đinh Thị Ninh đã bị tai biến xuất huyết não, kể từ đóbà bịliệt nửa người không còn tỉnh táo, phải sống nương tựa sự chăm sóc của con cái và người chồng hơn 80 tuổi. Đến năm 2010, con trai cả của bà Ninh cũng đột ngột qua đời sau một tai nạn giao thông khiến gia đình ông Tính càng điêu đứng. Cũng vì quá bức xúc, đầu năm 2013, bà Đinh Thị Ninh lại tái phát tai biến và trở về thế giới bên kia khi giấc mơ sở hữu một ngôi nhà vẫn còn dang dở phía trước.

Được biết, gia đình bà Đinh Thị Ninh là gia đình thuộc diện chế độ chính sách có bố là liệt sỹ kháng chiến chống Pháp, em trai là liệt sỹ kháng chiến chống Mỹ.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương