"Quyền được làm F0"

Không ai muốn mình và người thân trở thành F0, nhưng những ngày này tại Hà Nội khi test dương tính, muốn được xác nhận F0 cũng không phải dễ chút nào.

Hệ thống y tế cơ sở đang có dấu hiệu quá tải và Bộ Y tế cần phải sớm vào cuộc để tháo gỡ những bất cập.

Những ngày này tại Hà Nội mỗi ngày xuất hiện hơn 10.000 ca F0 và ít nhất 2 tuần nữa Thành phố mới lên đỉnh dịch.

Nhà thơ Phạm Mầu sống ở bán đảo Linh Đàm (quận Hoàng Mai) tếu táo: "Năm ngoái F0 được kẻ đưa, người đón, CA, dân phố, y tế phường có mặt, báo chí theo sát, cơm bưng nước rót nay mà F0 gọi không ai thưa, đến nơi chầu chực không ai tiếp, xin được cái quyết định cho cách ly tại nhà thôi cũng đi năm, bảy lượt".

Một F0 của phường Hoàng Liệt lo ngại tổ dân phố nhắc nhở, phê bình đã viết lên mạng xã hội: "Tôi là M., căn hộ X. Sáng nay (25/2) tôi test nhanh cho kết quả dương tính (hiện đang tự cách ly trong phòng tại nhà, đã tiêm 3 mũi vaccine). Vợ và con gái lớn (13 tuổi) và con trai 7 tuổi ở cùng, đang test nhanh, chưa có kết quả. Tôi đã gọi cho các số của Trạm Y tế phường Hoàng Liệt và số anh Thắng - Trạm trưởng đều không liên lạc được".

Hôm sau anh lại thông báo lên group zalo của chung cư:" Chiều nay tôi ra Nhà Văn hóa Linh Đàm khai báo và test lại: Lần đầu cô nhân viên y tế test với bộ kit test của Đài Loan 80k/bộ (nhà thuốc bảo đã được Bộ Y tế cấp phép) cho kết quả âm tính. Tôi bảo không thể thế được, họ bảo tôi đi mua bộ mới về test lại: Lần này tôi mua loại của Đức 80k/bộ và đổi cô nhân viên y tế khác lấy mẫu, kết qua dương tính. Túm lại, kết quả cũng phụ thuộc người lấy mẫu".

Quận Hoàng Mai là địa phương liên tục dẫn đầu số ca F0 của Thủ đô và phường Hoàng Liệt là "điểm nóng" của quận thì bức xúc của những người bệnh F0 như trên là điều có thật. Tính từ đầu năm 2022 đến nay tại phường Hoàng Liệt đã ghi nhận 5.101 ca F0, 6.990 ca F1 trong đó 1.985 F0 còn điều trị tại nhà, 2.779 ca F1 đang cách ly tại nhà thì đội ngũ y tế phường đang quá tải.

Quy định người bệnh phải mang kit test đến thực hiện tại trạm mới có được quyết định điều trị, cách ly tại nhà đối với những người nhiễm Covid-19 tại Trạm Y tế phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) đang gây bức xúc cho dư luận, nhất là những bệnh nhân F0. Việc hàng trăm người có mặt tại một khuôn viên diện tích chật hẹp như thế thì quy định 5K khó mà bảo đảm.

Quyền được làm F0 - 1

Người dân tập trung ở Trạm Y tế phường Hoàng Liệt lấy giấy chứng nhận F0 (Ảnh: Dân Việt).

Theo quy định của Bộ Y tế, xét nghiệm nhanh kháng nguyên do nhân viên y tế thực hiện hoặc người nghi nhiễm/người bệnh thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa. Trạm y tế - nơi quản lý người bệnh chịu trách nhiệm xác nhận khỏi bệnh cho người bệnh, hiện nay mỗi nơi đang có một kiểu làm khác nhau.

Nhiều trạm y tế phường tại Hà Nội chọn kết nối với F0 qua Zalo, Facebook, hoặc điện thoại nên không bắt buộc các F0 phải đến trạm y tế. Lý giải về việc không cho khai báo trực tuyến, y tế phường Hoàng Liệt cho rằng: "Việc khai báo y tế có sự trùng lặp quá nhiều nhóm thông tin gửi đến trạm y tế, lực lượng cán bộ y tế có hạn và số lượng F0 hằng ngày tăng nhiều". Người dân khá thất vọng khi báo đài nói rất nhiều về áp dụng công nghệ trong phòng chống dịch nhưng thực ra vấn đề khai báo vẫn đang dùng "máy chấm cơm".

Trước hết, giấy quyết định cách ly F0 và xác nhận F0 đã khỏi bệnh là để người dân thực hiện cách ly và hưởng chế độ từ cơ quan và hưởng bảo hiểm xã hội; đồng thời khi tình hình xấu đi đây là cơ sở (mã số bệnh nhân F0) để bệnh viện tuyến trên nhận điều trị. Theo quy định khi khai báo F0 người bệnh sẽ được nhân viên y tế tư vấn việc chăm sóc sức khỏe. Chưa kể nhiều hiệu thuốc của Hà Nội hiện chỉ bán các loại thuốc điều trị F0 - Molnupiravir khi có giấy xác nhận F0 hay đơn của bác sĩ.

Điều này có thấy những lo lắng người bệnh giả mạo giấy tờ để trục lợi của các trạm y tế phường kể ra cũng có lý và không phải chưa từng xẩy ra.

Nhưng với quy định này, không ít người dân ngại tiếp xúc lây nhiễm và không đến trạm y tế phường để khai báo tình trạng sức khỏe. Chị Thủy, nhân viên một ngân hàng là F0 cho biết: "Kê khai F0 thì ngoài chế độ BHXH, đơn vị tôi sẽ hỗ trợ 1,5 triệu đồng nhưng do đang nuôi con nhỏ, phải chờ đợi quá lâu, lại nguy hiểm nên tôi đành khất".

Trong khi đó, ông Tụng (80 tuổi) lại cho rằng: "Chờ đợi lâu thế, người già có tuổi cao như chúng tôi không thể trụ được, biết là sau này có thể được nhà nước hỗ trợ nhưng ông, bà nhà tôi đành chịu, chỉ báo cho tổ dân phố biết để bà con cách ly".

Vẫn biết như thế là tự tước đi cái quyền được chăm sóc, cứu chữa kịp thời khi bệnh nặng nhưng không ít người cao tuổi vẫn cố thủ trong nhà không đi khai báo.

Rõ ràng, những quy định trên đây đang xuất hiện nhiều bất cập cả cho người dân lẫn lực lượng y tế cơ sở vốn đã mỏng, lại đang có khá nhiều người xin thôi việc do không chịu được áp lực công việc trong thời gian dài đại dịch Covid-19 phát triển. Việc để tập trung đông người khai báo dễ lây bệnh hay người dân ngại không khai báo tình trạng F1, F0 đều khiến cho việc quản lý tình hình dịch trở nên khó khăn, thiếu đi sự chính xác.

Mặc dù UBND phường Hoàng Liệt đã huy động thêm các tình nguyện viên, các bác sĩ về hưu tham gia "hạ nhiệt", bố trí thêm 1 điểm khai báo nhưng với một phường có 90.000 dân cư thì khó đáp ứng được. Chắn chắn, tình trạng trên đang diễn ra tại nhiều phường, xã tại Hà Nội có số lượng F0 lớn rất cần sớm có giải pháp.

Các chuyên gia y tế đều quan ngại với tình trạng trên, chống dịch "mỗi phường, xã là một pháo đài" nhưng khi cần vẫn phải chủ động chi viện cho nhau. Không cứng nhắc mỗi phường chỉ mở duy nhất 1 điểm khai báo khi số lượng F0 tăng.

Hiện nay, người có nhu cầu xét nghiệm tăng cao mà lực lượng y tế mỏng, nhiều nhân viên y tế và sinh viên hỗ trợ đã chuyển thành F0 nên không đáp ứng đủ, Bộ Y tế cần có văn bản điều chỉnh quy định xác định bệnh nhân F0 theo hướng phù hợp thực tiễn, thích ứng linh hoạt. Cụ thể là có thể giao cho tổ Covid-19 cộng đồng xác định kết quả dương tính hay âm tính (không nhất thiết phải nhân viên y tế).

Về lâu dài, cần sớm bổ sung lực lượng nhân viên y tế thiếu hụt cho các phường xã của Thủ đô. Đơn cử như Trạm Y tế phường Hoàng Liệt chỉ có 11 nhân viên y tế mà phải đảm bảo công tác chăm lo sức khỏe ban đầu cho gần 90.000 người dân mùa đại dịch là một bất hợp lý trong quá trình đô thị hóa. Trong khi đó nguy cơ trở thành F0 của các nhân viên y tế phường rất lớn và thực tế là nhiều người đã thành F0.

Không thể có một giải pháp nào hoàn hảo nhưng những bất cập vô lý như quy định và cách làm hiện nay tại các trạm y tế cơ sở rất cần được điều chỉnh sớm trong bối cảnh dịch bệnh đang tăng.

Theo danviet.vn