Quy trình bổ nhiệm Phó giáo sư/Giáo sư tại Đại học Liège - Bỉ?
(Dân trí) - Công việc này vừa giản dị vừa phức tạp. Giản dị trong mô tả, nhất là trên phương diện pháp lý. Nhưng để hiểu rõ cách tiến hành thì hầu như mỗi trường hợp mỗi khác vì những đặc thù riêng.
Chính vì công việc chuẩn bị hồ sơ khá phức tạp, còn nhiều việc hứng thú và cần làm hơn, cho nên có những nhà khoa học suốt đời không xin chức giáo sư hay phó giáo sư mà vẫn được cộng đồng khoa học thế giới kính nể.
1. Về phương diện pháp lý, dường như chỉ có vài luật định và điều kiện :
- Môn học thiếu người dạy, cái chỗ cần tuyển dụng phải được công bố ra quảng đại quần chúng để ai cũng có thể xin đăng ký ứng cử vào chức đó - kể cả những nhà khoa học ở nước ngoài.
- Ứng viên phải hội đủ những điều kiện tối thiểu - cho chức phó giáo sư thì ít nhất phải có bằng tiến sĩ chẳng hạn.
- Đại học có quyền tự quản, tức là cho mỗi trường hợp bổ nhiệm. Phân khoa phải lập ra một ủy ban nghiên cứu hồ sơ khoa học của các ứng viên. Thành phần của Ủy ban này - ít nhất là năm người - gồm những giáo sư cùng ngành, dĩ nhiên là họ không chuyên khoa cùng với những ứng viên vì mỗi giáo sư đều có chuyên khoa của mình, nhưng họ có khả năng phản biện và thẩm định. Hơn nữa, Ủy ban này phải hỏi ý kiến của tối thiểu là hai giáo sư chuyên khoa hàng quốc tế thuộc ngành của ứng viên, một đang làm việc tại Bỉ và một ở nước ngoài.
- Ủy ban sau khi cứu xét, phỏng vấn ứng cử viên sẽ báo cáo và đề nghị cho Phân Khoa. Thông thường thì Phân khoa chấp thuận đề nghị của Ủy ban, bầu chấp thuận một trong những ứng viên, đề nghị lên Hội đồng quản trị của Đại học phê chuẩn.
- Phó giáo sư mới sẽ được bổ nhiệm bởi một sắc lệnh do Vua ký - nước Bỉ là một quốc gia quân chủ lập hiến, Đại học Liège lại là một Đại học công lập.
2. Phải công bố ra quảng đại quần chúng nhu cầu cần một giáo sư, qua các kênh truyền thông và qua Công báo – Le Moniteur – đó là một cách đi tìm người tài.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn |
Hơn nữa, đứng trên bình diện luật pháp, điều này bảo đảm tính công khai của sự việc, không để chỗ cho những dàn xếp nội bộ kém minh bạch và không công bằng. Cách đây vài năm trường chúng tôi đã bổ nhiệm một phó giáo sư xã hội học người Pháp, gốc Tunisia. Năm rồi, một phó giáo sư người Canada được bổ nhiệm ở Liège ở phân khoa Kỷ sư.
3. Bằng Tiến sĩ là điều kiện tối thiểu
Nếu bằng Tiến sĩ này đã được cấp ở Đại học Liège thì ứng viên phải có ít nhất một quá trình làm việc nghiên cứu ở nước ngoài. Bảo đảm chỗ đứng của Đại học trên bình diện quốc tế thì giáo sư phải là dân “quốc tế” cũng là điều hợp lý thôi.
Dĩ nhiên, sau bằng Tiến sĩ phải có ít nhất là hai năm nghiên cứu sâu nữa - post doctorat - và phải có những bài báo khoa học. Một thí dụ : năm nay, một phó giáo sư Vật lý, người gốc Việt Nam, mới vừa được bổ nhiệm ở Liège. Nhà khoa học trẻ này có trên 30 công trình nghiên cứu đã đăng báo.
4. Ủy ban cứu xét hồ sơ các ứng viên là những người đồng hàng.
Tiếng Pháp gọi là nomination par les pairs. Việc này thể hiện tính tự lập, tự quản và dân chủ của Đại học. Truyền thống, tinh thần trách nhiệm, trung thực,... là những điều kiện cần có để bảo đảm diễn biến tốt trong phán xét của Ủy ban. Dĩ nhiên làm sao loại bỏ hoàn toàn những vị nể tình cảm giữa bạn bè hay những liên hệ về chính kiến. Nhưng Ủy ban có ít nhất là 5 thành viên, lại cộng thêm vào đó 2 ý kiến quốc tế và bổn phận phải trình với Hội đồng Phân khoa một báo cáo minh bạch có chứng cớ, ... giảm thiểu được phần nào những bất bình thường có thể xảy ra.
5. Bậc hạng giáo sư ít nhất là 3 hạng :
Phó giáo sư hay chargé de cours.
Giáo sư - professeur thông thường là sau ít nhất l0 năm thâm niên.
Giáo sư thường – professeur ordinaire - cho người chủ nhiệm ngành.
Từ 5 năm nay, ở Liège không có bổ nhiệm giáo sư chủ nhiệm ngành vì từ mỗi môn độc lập với nhau chứ không nằm chung trong một “ngành”. Trong tương lai, có thể chức này sẽ bị bãi bỏ như chức giáo sư émérite - xứng danh trọn đời cho các giáo sư về hưu hồi xưa - đã bị bải bỏ cách đây gần hai mươi năm.
Phó giáo sư được bổ nhiệm tạm thời cho 5 năm, sau đó gia hạn hay tự nguyện rời Đại học. Thủ tục gia hạn đơn giản hơn, chỉ cần hồ sơ ghi rỏ những sinh hoạt, nghiên cứu và các bài báo khoa học đã đăng trong thời gian vừa qua. Phân khoa quyết định, không cần một Ủy ban để cứu xét hồ sơ như lần đầu.
Số giáo sư ở Đại học Liège là do luật định. Phải chờ một giáo sư tại chức về hưu hay rời Đại học mới được bổ nhiệm một phó giáo sư khác lên hàng giáo sư.
Bên cạnh đó, cũng dạy Đại học nhưng có những chức như giảng sư - maitre de conférences, giáo sư không chính qui professeur extraordinaire, giáo sư thỉnh giảng - professeur invité thông thường là không có lương mà chỉ có thù lao.
6. Giáo sư Đại học là một nghề, một chức danh hay một chức vụ?
Cách đây 30 năm, chức giáo sư Đại học ở Bỉ rất là danh giá nhưng hiện thời, cái “tiếng thơm” của chức này không còn to như thế nữa.
Một giáo sư Đại học có ít nhất là ba công việc: Giảng dạy, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng.
Tức là công việc rất nặng nề, đi sớm về trễ, làm việc trong ngày lễ, ngày nghỉ. Không có luật nào bắt buộc số giờ tối thiểu phải làm nhưng bổn phận của một giáo sư Đại học thông thường là để “trả lời những chờ đợi của người chung quanh” - đó gần như là định nghĩa không thành văn của tự do đại học – liberté académique – không ai ra lệnh hay kiểm soát nhưng học trò chờ đợi bài giảng tốt, nghiên cứu sinh cần được giúp đở, một Đại học khác mời đi làm séminaire, một hội hè gì đó cần một thuyết trình giáo dục có tính quảng đại quần chúng, sinh hoạt của các Hội khoa học, ... Đó là chưa kể đến những nghiên cứu tìm tòi của riêng bản thân mà mình đam mê và vẫn theo đuổi tiếp tục làm ... ngoài giờ .
Ở Bỉ, có những nhà khoa học không thích đi dạy, họ chỉ chuyên nghiên cứu và làm việc với tài trợ của Quỉ Quốc gia cho nghiên cứu khoa học - Fonds National de Recherches scientifiaues – tương đương với lương giáo sư Đại học, mà không phải “hệ lụy” với sinh viên.
Điều đó cho thấy rõ ràng dạy Đại học là một nghề, một nghiệp – có thể là nghiệp chướng nữa – chứ không phải là một chức danh. Lương lại không to, so với lợi tức của bác sĩ làm riêng hay kỷ sư làm bên ngoài cho kỷ nghệ hay kinh doanh. Nhưng ở Bỉ, lương của một giáo sư Đại học đủ sống - sau khi trừ bảo hiểm xã hội và thuế thì còn khoảng 3000 đến 4500 euros/tháng tùy theo thâm niên - để có thể hoàn toàn không bận trí về sinh nhai mà lo cho khoa học. Không giàu, làm ngoài Đại học, lương họ ít nhất là gấp đôi, thậm chí gấp năm hay gấp mười cho một thiểu số.
Hỏi những người vừa trình luận án Tiến sĩ xong, hơn phân nửa không thích ở lại Đại học để theo đuổi đường nghiên cứu và giảng dạy mà lý do chính là vì cực khổ quá, khó có thể vừa sống cho nghề nghiệp vừa có một đời sống gia đình thoải mái.
Cũng vì thế, ít phụ nữ chọn con đường dạy Đại học. Ngược lại, những người đã chọn nghiệp này rồi thì phần đông họ thỏa mản và hạnh phúc với cuộc sống đã chọn, “dù là rất bận rộn nhưng cũng rất hào hứng”.
Nguyễn Huỳnh Mai
LTS Dân trí - Xem bài viết trên đây của tác giả vốn là Giáo sư của Đại học Liège (Bỉ), có thể thấy những Phó giáo sữ và Giáo sư ở đay phải qua một quy trình tuyển chọn khá nghiêm túc và khách quan, bảo đảm tính công khai, dân chủ và chuẩn xác. Nhiệm vụ của các Giáo sư cũng rất nặng nề, không những cần có đủ tầm trí tuệ mà còn phải tâm huyết với sự nghiệp làm Thầy, không ham giầu sang, phù quý mới có thể gắn bó suốt đời với “cái nghiệp” mà mình đã lựa chọn .
Xin cảm ơn tác giả đã cho biết những thông tin bổ ích cũng như suy nghĩ của “người trong cuộc”.đã từng được tuyển chọn làm Giáo sư tại một trường đại học công lập có tên tuổi lâu đời của nước Bỉ. Những thông tin đó giúp ích thiết thực cho việc hoàn thiện quy chế tuyển chọn cũng như bổ nhiệm Phó giáo sư và Giáo sư ở nước nhà.