Tư vấn pháp luật:

Quy định về thời gian nghỉ dưỡng thai?

(Dân trí) -Tôi là giáo viên cấp III của một trường dân lập tỉnh Quảng Ninh.Tôi đã công tác được 6 năm 1 tháng. Do trong tháng 3/2011 tôi phải điều trị thai sản 2 tuần trong viện, trong giấy ra viện bác sỹ điều trị có viết tôi được nghỉ dưỡng thai thêm 1 tuần.

Quy định về thời gian nghỉ dưỡng thai? - 1

Như vậy cả nằm viện và điều trị ở nhà là 3 tuần. Tôi muốn hỏi chế độ bảo hiểm của tôi được tính là bao nhiêu ngày? Hai tuần hay ba tuần?. Xin cảm ơn! (Lê Cúc, Email: lecuc.ltt.qn@gmail.com)

Trả lời:

Căn cứ Điều 28 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản như sau:

“1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Lao động nữ mang thai;

b) Lao động nữ sinh con;

c) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới bốn tháng tuổi;

d) Người lao động đặt vòng tránh thai, thực hiện các biện pháp triệt sản.

2. Người lao động quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ sáu tháng trở lên trong thời gian mười hai tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.”

Như vậy, nếu chị đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con thì chị được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật.

Theo Điều 29 Luật Bảo hiểm xã hội quy định về thời gian hưởng chế độ khi khám thai quy định: “Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày; trường hợp ở xa cơ sở y tế hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần”.

Như vậy, nếu chị nghỉ việc để đi khám thai thì tối đa chị được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai. Trong trường hợp chị điều trị thai sản 02 tuần trên viện, sau đó ra viện, chị được bác sỹ điều trị có viết trong giấy ra viện chị được nghỉ dưỡng thai thêm 01 tuần  không thuộc trường hợp hưởng chế độ thai sản vì theo quy định của pháp luật lao động nữ chỉ có thời gian hưởng chế độ khi khám thai, khi sẩy thai, nạo, hút thai hoặc thai chết lưu, thời gian hưởng chế độ khi sinh con, nhận nuôi con nuôi, thực hiện các biện pháp tránh thai chứ không có quy định về thời gian điều trị thai sản như động thai, dọa sảy... . Trường hợp này của chị được hưởng chế độ ốm đau

Căn cứ khoản 1 Điều 22 Luật Bảo hiểm xã hội quy định về Điều kiện hưởng chế độ ốm đau như sau:Bị ốm đau, tai nạn rủi ro phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở y tế. Trường hợp ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự huỷ hoại sức khoẻ, do say rượu hoặc sử dụng ma tuý, chất gây nghiện khác thì không được hưởng chế độ ốm đau”.

Theo điểm a khoản 1 điều Điều 23 Luật Bảo hiểm xã hội quy định về thời gian hưởng chế độ ốm đau thì: “Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần và được quy định như sau: Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng ba mươi ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới mười lăm năm; bốn mươi ngày nếu đã đóng từ đủ mười lăm năm đến dưới ba mươi năm; sáu mươi ngày nếu đã đóng từ đủ ba mươi năm trở lên”

Chị đã công tác được 6 năm 1 tháng nên số ngày chị nghỉ nếu thỏa mãn các điều kiện đã nêu thì chị sẽ được hưởng chế độ ốm đau.

Căn cứ khoản 1 Điều 25 Luật bảo hiểm xã hội quy định về mức hưởng chế độ ốm đau như sau: “Người lao động hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 23 và Điều 24 của Luật này thì mức hưởng bằng 75% mức tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc”.

Nếu chị nghỉ dưỡng thai thì chị được hưởng chế độ ốm đau với mức bằng 75% tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Ngoài ra, Điều 26 Luật bảo hiểm xã hội còn quy định về Dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau khi ốm đau như sau:

“1. Người lao động sau thời gian hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại Điều 23 của Luật này mà sức khoẻ còn yếu thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ năm ngày đến mười ngày trong một năm.

2. Mức hưởng một ngày bằng 25% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại gia đình; bằng 40% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại cơ sở tập trung.”

Như vậy tùy theo chỉ định của bác sỹ mà thời gian 1 tuần chị điều trị tại nhà sẽ được hưởng theo chế độ ốm đau hay dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau và mức hưởng một ngày bằng 25% mức lương tối thiểu chung.

Luật sư Vũ Hải Lý

CÔNG TY LUẬT TNHH ĐẠI VIỆT

Địa chỉ: Số 335 Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 04 3 747 8888 – Fax: 04 3 747 3966

Hot-line: 093 366 8166

Email: info@luatdaiviet.vn

Website: http://www.luatdaiviet.vn

Ban Bạn đọc

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm