Quy định ở 15m2 mới được đăng ký thường trú tại Hà Nội: Tư duy quản lý cũ?
(Dân trí) - Việc không được đăng ký thường trú, tạm trú hiện nay với người dân không còn nhiều ý nghĩa như trước, họ có thể chấp nhận việc không đăng ký nhưng vẫn sinh sống, làm việc tại các thành phố lớn.
Dự thảo nghị quyết về quy định diện tích tối thiểu khi đăng ký thường trú tại Hà Nội quy định diện tích tối thiểu để đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ đối với khu vực ngoại thành là 8m2 sàn/người, với khu vực nội thành là 15m2 sàn/người đang thu hút sự quan tâm của người dân.
Gửi ý kiến bình luận về báo Dân trí, độc giả Việt Anh cho rằng đây là cách nghĩ, cách đặt vấn đề rất kỳ lạ, thiếu thực tế, thiếu nhân văn. Vì thực trạng trong các khu phố cổ hiện nay đang tồn tại đến hàng nghìn căn nhà rất nhỏ, hẹp chỉ trên dưới 15m2.
"Người dân vẫn đang sinh sống, tồn tại nhiều đời ở đây, họ chính là những người có gốc gác Hà Nội. Nay ai, cơ quan nào đề xuất ra điều này, họ có nghĩ được thực trạng chung của xã hội, của TP Hà Nội hiện nay hay không?".
Độc giả Dung Nguyen băn khoăn: "Đăng ký tạm trú mục đích để làm gì khi đã có căn cước công dân gắn chip, VNeID (định danh điện tử) và đã bỏ sổ hộ khẩu? Người lao động tự do, phổ thông kiếm đủ sống đã là quá vất vả, tiền đâu thuê nhà trên 15m2 để đủ điều kiện tạm trú? Hà Nội chỉ là địa phương, quy định này liệu có ngược với Luật Cư trú?".
Giải đáp băn khoăn của độc giả, luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc công ty luật Pháp trị, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết tại Điểm b, khoản 3, điều 20 Luật cư trú năm 2020 quy định:
"3. Trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ khi đáp ứng các điều kiện sau đây: b) Bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 08m2 sàn/người" .
Theo đó, Hà Nội ban hành Nghị quyết quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ là thể hóa Luật Cư trú.
Theo dự thảo mới, người đi thuê, mượn, ở nhờ muốn đăng ký thường trú tại 12 quận phải có diện tích ở tối thiểu 15m2, giảm 5m2 so với dự thảo lần một; khu vực ngoại thành là 8m2 (17 huyện và thị xã Sơn Tây). Diện tích nhà ở tối thiểu tính theo mét vuông sàn nhà cho một người thuê, mượn, ở nhờ.
"Do đó, nội dung quy định diện tích ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của TP Hà Nội là thể hóa Luật Cư trú, hoàn toàn phù hợp với hệ thống quy định pháp luật hiện hành về cư trú", luật sư Lực khẳng định.
Theo luật sư Lực, thực tế đời sống đã chứng minh, bao nhiêu năm nay việc hạn chế di cư của người dân vào thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh bằng biện pháp quy định diện tích ở tối thiểu là rất kém khả thi. Người dân vì sinh kế, vì điều kiện sống, cơ hội việc làm nên mới phải di cư, sinh sống tại các thành phố lớn. Do không đủ khả năng kinh tế nên họ chấp nhận nơi ăn ở hạn hẹp, thiếu thốn.
Việc không được đăng ký thường trú, tạm trú hiện nay với người dân không còn nhiều ý nghĩa như trước. Người dân hoàn toàn có thể chấp nhận việc không đăng ký thường trú, tạm trú nhưng vẫn sinh sống, làm việc tại các thành phố lớn.
"Quản lý cư dân, hạn chế di cư bằng phương án đăng ký thường trú, tạm trú là không khả thi. Cơ quan quản lý cần tập trung nguồn lực, thay đổi tư duy quản lý cư dân theo hướng bỏ qua khâu đăng ký thường trú tạm trú. Đây mới là vấn đề gốc rễ", luật sư Lực nêu quan điểm.