Quê hương nếu ai không nhớ…
(Dân trí) - “Quê hương nếu ai không nhớ/ sẽ không lớn nổi thành người…”. Câu ca đó có lẽ chẳng ai là người Việt Nam lại không nhớ nằm lòng. Những ngày đầu năm mới này, nỗi nhớ quê hương càng da diết hơn qua những lời nhắn gửi từ bao bạn đọc phương xa…

Tôi cũng là người tự nhận thấy trong mình có phần nào máu lãng du, nhiều khi ham chơi hơn ham làm. Thời trước khó khăn, cha mẹ lo ăn chẳng đủ nghĩ gì tới nghỉ mát, picnic… Thay vào đó, mỗi dịp được về quê với lũ học trò nghèo chúng tôi chính là những tour khám phá ấn tượng nhất.
Gần thì chủ nhật chúng tôi rủ nhau cuốc bộ ghé quê bạn A ngay Thanh Trì. Xa hơn chút nếu huy động được đủ xe đạp thì kẹp đôi, kẹp ba hò nhau guồng qua cầu Long Biên sang khu du tích thành Cổ Loa. Xa nữa là kéo về “thăm” ông bà bạn này ở Ba la bông đỏ, ghé quê bạn nọ ở Nhổn, bạn kia ở Đan Phượng…
Cứ thấy cái cổng làng quen quen là biết đã áp sát mục tiêu và lúc đó thật cứ vui như Tết. Khoái nhất là cái cảm giác mạnh khi được lượn xe không phanh trên những con đường làng bé tạo, lát gạch nghiêng nghiêng (mà nghe đâu chủ yếu do các cô dâu khi đi lấy chồng xa đóng góp lại một số gạch xây đường cho quê hương), chỉ sơ sểnh một chút là lăn tòm cả người cả xe xuống ao hoặc xuống ruộng.
Xuống ruộng hãi hơn vì sợ đỉa, còn xuống ao thì… muỗi. Ao làng hầu như cái nào nước cũng trong xanh, điểm xuyết những bè rau muống non nõn nà, những vạt bèo tây nở hoa tím biếc, những vạt bèo tổ ong, bèo tấm dập dềnh tựa như quầy hàng bán mũ tí hon nổi trôi trên mặt nước.
Cầu ao lúc nào cũng tấp nập các cô, các chị tắm táp, rửa ráy, giặt giũ… Những bờ vai cong, những tấm lưng thon lẳn, những vầng trán lấm tấm mồ hôi thấp thoáng bên màu áo nâu non, màu nón trắng… Tiếng cười đùa xen lẫn tiếng trò chuyện râm ran lan tỏa khắp mặt ao, vấn vương sang cả những rặng tre xum xuê tỏa bóng mát, những cây vối, cây sung già lụ khụ "cứ như chực lăn đùng xuống ao" (theo cách mô tả của nhà báo Nguyễn)...
Đan Phượng có nghề dệt màn, nên còn thêm một đặc sản là hợp âm rất ấn tượng của làng nghề. Đó là tiếng thoi đưa lách cách, tiếng xe sợi vù vù, xen lẫn tiếng chày đập sợi âm vang, tiếng kêu ré của các cô các chị nhảy chân trần đạp sợi với cơm nóng để dấn hồ cho sợi nhuyễn mượt…Bờ dậu nhà nào trông cũng vui mắt bởi màu sợi, màu màn giăng trắng xóa làm nền cho màu đỏ hoa dâm bụt, hoa mào gà, màu vàng hoa chuối, màu tím hoa xoan, hoa khế, màu trắng phớt vàng của hoa bưởi, hoa chanh.
Sau này lớn lên đi học xa nhà, cánh bạn bè cả Tây lẫn ta của tôi ai cũng khoái nghe kể lại cảnh “tắm tiên” thật 100% ngay trên bến sông quê nội của tôi mỗi buổi hoàng hôn. Bến nước quê tôi ở miền Trung bên dòng sông La ấy rất đẹp, với bờ cát vàng mịn màng viền quanh bởi hàng phượng vĩ và rặng tre ngà la đà tha thướt ngả sát mặt nước, điểm xuyết những con đò nhỏ lênh đênh trên dòng nước trong veo dập dềnh cuốn theo bao lá vàng và cánh hoa đỏ rụng...
Gái Đức Thọ vốn có tiếng là đẹp, đa phần da trắng, tóc dài, mắt đen dưng dức. Ngắm các cô, các chị duyên dáng gánh nước bằng quang khéo léo lồng những đôi nồi đồng, nồi đất lớn, bước uyển chuyển trên những bậc lót bằng đá hộc màu gan gà mát rượi dẫn xuống bến, dù khi ấy chỉ là một cô bé học sinh mà tôi cũng thấy mê mẩn.
Thú vị nhất là khi ngắm dòng người đi tắm mỗi chiều chạng vạng. Nam giới chiếm một bên, nữ một bên. Mấy ông sồn sồn thì chỉ cần quay mặt xuống sông, tuột quần áo rồi úp một bàn tay che.. phía trước là có thể thản nhiên bước xuống sông (cánh trẻ tất nhiên kín đáo hơn, có mặc quần đùi). Lúc lên bờ những thao tác đó lại được lặp lại y chang theo hướng ngược lại.
Cánh nữ thì ý nhị hơn nhiều. Các bà các cô ai đi tắm cũng đều mang theo một chiếc mấn (váy bằng vải đen, rất phổ biến ở quê tôi thời ấy trong giới các bà, các mệ có tuổi). Trước tiên họ trùm váy qua đầu, thả xùm xòa xuống che tới bắp chân. Rồi khéo léo luồn tay vào bên trong trút bỏ xiêm y, túm gọn váy bước xuống nước. Tới chỗ nước ngập ngang vai mới nhún người hạ mấn xuống đổ lộ đôi bờ vai, nhẹ nhàng gội đầu, kỳ cọ. Sau đó lại ý tứ quấn váy quanh mình đi lên bờ, luồn quần áo sạch vào trong mà thay, không hề để bị ướt. Ôi chao, khi ấy cô nào trong mắt tôi cũng đẹp như tiên nữ giáng trần!
Năm tháng qua đi, tôi cũng đã có dịp đi đến không ít vùng của đất nước mình cũng như một số quốc gia xa xôi khác. Cảnh đẹp ở đâu cũng có, người đẹp nơi khác lại càng nhiều hơn quê mình. Nhưng những vùng quê tuổi thơ cổ tích với tôi vẫn không đâu sánh được, vẫn là số một trên đời!
Kiều Anh