Quấy rối tình dục nơi công cộng: Xử lý hình sự hay phạt hành chính?

Kamal Malhotra Sara Valdes Bolaño

(Dân trí) - Thực tế đã xảy ra nhiều vụ quấy rối tình dục trong thang máy, nơi công sở,... Tuy nhiên người quấy rối chỉ bị phạt hành chính, điều này chưa đủ sức răn đe, có ý kiến cho rằng phải xử lý hình sự.

Bà Sara Valdes Bolaño, Đại sứ Mexico tại Việt Nam và ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam, là Đồng Chủ tịch của các Nhóm hoạt động không chính thức về Điều phối chính sách giới của các Đại sứ và trưởng các cơ quan.

Ông bà đã có bài viết về nạn quấy rối tình dục nơi công cộng và chế tài xử lý ở Việt Nam.

Vào tháng 3 năm 2019, truyền thông và mạng xã hội rúng động về một vụ quấy rối tình dục nơi công cộng. Một cô gái trẻ bị một người đàn ông lạ mặt dồn vào góc trong thang máy và cưỡng hôn. Cô vùng vẫy lao ra khỏi thang máy nhưng hắn vẫn cố kéo lấy cánh tay cô. Toàn bộ sự việc đã được camera an ninh ghi lại vô cùng rõ nét. Nhưng kẻ gây án chỉ bị phạt 200.000 đồng.

Sau vụ việc nhiều trường hợp quấy rối tình dục nơi công cộng tương tự cũng đã được đăng tải trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội.

Quấy rối tình dục nơi công cộng: Xử lý hình sự hay phạt hành chính? - 1

Đây là hình ảnh người đàn ông có hành vi ép và hôn cô gái trong thang máy tại chung cư ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) hồi tháng 3/2019, gây làn sóng phẫn nộ trong dư luận.

Phạt tiền không giải quyết cốt lõi của vấn đề

Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) được Việt Nam phê chuẩn năm 1982 quy định rằng các quốc gia thành viên thông qua luật cấm tất cả các hình thức bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái. Điều này đòi hỏi sự hài hòa của luật pháp quốc gia với Công ước, đảm bảo có các biện pháp bảo vệ pháp lý hiệu quả, bao gồm các biện pháp trừng phạt thích hợp và hiệu quả đối với thủ phạm và bồi thường thỏa đáng cho nạn nhân/người bị hại.

Thật buồn rằng điều này hiện chưa được áp dụng ở Việt Nam. Trong khi Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính đang được sửa đổi để tăng mức phạt đối với tội đụng chạm vùng nhạy cảm trên cơ thể và cưỡng hôn, thì hành vi này vẫn chỉ được coi là vi phạm hành chính chứ không phải hình sự ở Việt Nam. Mặc dù việc tăng tiền phạt theo luật hiện hành là một bước đi đúng hướng, nhưng rất tiếc không giải quyết được vấn đề cốt lõi: bất kỳ hình thức bạo lực tình dục nào đều không thuộc phạm vi của luật hành chính vì bản chất đó là hành vi bạo lực và tội phạm.

Quấy rối tình dục, cũng giống như hiếp dâm, là một dạng bạo lực tình dục. Quấy rối tình dục bao gồm tiếp xúc cơ thể không có sự đồng thuận - như túm, véo, tát hoặc cọ xát vào người khác để thỏa mãn nhu cầu tình dục; cũng như bạo lực phi thể chất - chẳng hạn như những lời mời gọi, nhận xét mang tính tình dục về cơ thể hoặc ngoại hình của một người, yêu cầu được quan hệ tình dục, nhìn chằm chằm có tính chất khiêu dâm, rình mò, và phô bày cơ quan sinh dục.

Quấy rối tình dục có thể xảy ra trong phạm vi riêng tư như bạo lực gia đình hay tại nơi làm việc hoặc ở những nơi công cộng. Trong khi hiếp dâm được cấu thành tội hình sự trong Bộ luật Hình sự Việt Nam, quấy rối tình dục nơi công cộng chỉ thuộc phạm vi điều chỉnh của luật hình sự và được xét xử tại tòa án hình sự, nếu mức độ tổn hại đến sức khỏe của một người được đánh giá là trên 11% của tổn thương cơ thể. Nói cách khác, khi một người bị quấy rối ở nơi công cộng (tình dục hoặc bằng cách khác) thì điều đó không đủ điều kiện là tội hình sự, trừ khi tổn hại tức thời đối với sức khỏe của nạn nhân là đáng kể và có thể nhìn thấy được.

Cách tiếp cận này, ngoài việc thiếu sót vì nhiều lý do, không xem xét đầy đủ các ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm thần vì trách nhiệm đánh giá thiệt hại thuộc về các chuyên gia y tế chứ không phải các nhà tâm lý học. Hơn nữa, những ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của nạn nhân thường không thể hiện ngay lập tức mà trở nên rõ ràng hơn theo thời gian.

Điều quan trọng không kém, tiêu chí 11% tổn hại cơ thể ngụ ý rằng bản thân việc hành hung người khác không phải là hành vi phạm tội, mà bản chất tội phạm của nó phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của thương tích thể chất gây ra cho nạn nhân. Vì những lý do này, chúng tôi đặc biệt kêu gọi các Đại biểu Quốc hội mới được bầu sửa đổi Bộ luật Hình sự để phản ánh đầy đủ hơn mức độ nghiêm trọng của quấy rối tình dục nơi công cộng là bạo lực tình dục và tội hình sự.

Quấy rối tình dục nơi công cộng: Xử lý hình sự hay phạt hành chính? - 2

Quấy rối tình dục luôn để lại hậu quả lâu dài cho nạn nhân.

Coi quấy rối tình dục bằng lời nói nơi công cộng là phạm tội hình sự

Nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới như Argentina, Canada, Pháp, Philippines và New Zealand đang siết chặt việc cấm quấy rối tình dục bằng lời nói ở nơi công cộng bằng cách coi đây là hành vi phạm tội hình sự. Điều này thậm chí vẫn đúng trong các xã hội gia trưởng truyền thống, nơi đã từng có sự chấp nhận về văn hóa đối với các hành vi chọc ghẹo như vậy trong quá khứ. Tiến bộ này phản ánh sự tiến hóa và phát triển nhận thức của công chúng về các chuẩn mực xã hội liên quan đến quấy rối tình dục nơi công cộng, bao gồm cả ở Việt Nam. Các nhà lập pháp nên đại diện cho những quan điểm đang thay đổi này trong xã hội và điều chỉnh luật pháp. Mặc dù việc thay đổi các luật hiện hành có thể gặp phải những thách thức trong việc truy tố, nhưng cách tiếp cận mà chúng tôi đề xuất phản ánh sự nhân đạo, lấy nạn nhân làm trung tâm đối với bất kỳ hình thức quấy rối tình dục nào trong phạm vi công cộng và có khả năng được người dân Việt Nam ủng hộ rộng rãi.

Việc chạm vào người khác mà không được cho phép là một hành vi trắng trợn về việc tự cho mình quyền được hủy hoại nhân phẩm và danh dự của người đó. Nạn nhân của bạo lực tình dục trải qua cảm giác mất kiểm soát sâu sắc về quyền tự chủ cá nhân và tính toàn vẹn của cơ thể, điều này gây ảnh hưởng nặng nề cho sức khỏe tinh thần của họ trong một thời gian dài. Vì điều này và tất cả các lý do đã được chúng tôi nêu ở trên, tất cả các hình thức bạo lực tình dục phải được điều chỉnh bởi luật hình sự. Do vậy đó là một điều cần thiết để giữ gìn và bảo vệ sự toàn vẹn và hạnh phúc của cá nhân cũng như báo hiệu mức độ nghiêm trọng của tội phạm, các nhà lập pháp trong Quốc hội, đại diện cho toàn xã hội, nên bác bỏ quấy rối tình dục là một vi phạm hành chính.

Phương pháp tiếp cận lấy nạn nhân làm trung tâm này hiện là tiêu chuẩn quốc tế được nhắc lại trong Khuyến nghị số 19 của Ủy ban CEDAW, trong đó yêu cầu các Quốc gia thành viên cần đảm bảo rằng luật chống tấn công tình dục và bạo lực trên cơ sở giới phải bảo vệ đầy đủ cho tất cả phụ nữ và tôn trọng sự nguyên vẹn  và nhân phẩm của họ. Hơn nữa, Khuyến nghị lưu ý rằng các Quốc gia thành viên nên thực hiện tất cả các biện pháp pháp lý và các biện pháp cần thiết khác để bảo vệ phụ nữ hiệu quả trước bạo lực trên cơ sở giới, bao gồm cả các biện pháp trừng phạt hình sự. Chúng tôi thực sự hy vọng rằng Việt Nam, với tư cách là Quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc đã ký và phê chuẩn CEDAW, sẽ đưa luật pháp trong nước và các chuẩn mực và tiêu chuẩn của mình phù hợp với Công ước trong thời gian sớm nhất có thể để bảo vệ quyền và phẩm giá của tất cả các nạn nhân của quấy rối tình dục đồng thời mang lại lợi ích cho toàn xã hội.