Quảng Trị: Ruộng đồng bị bồi lấp, dân kêu trời “tố” doanh nghiệp khai thác quặng
(Dân trí) - Khi tiến hành khai thác quặng sắt tại xã Hướng Sơn (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), Công ty CP Công nghiệp TM&DV Hoành Sơn đã chặt cây, đào đất lấy quặng, khiến hàng chục ha đất canh tác của người dân Vân Kiều gần đó bị bồi lấp, không thể sản xuất được; nhưng khi doanh nghiệp này rời đi lại không chịu hoàn thổ, khắc phục đất sản xuất cho bà con.
Dân bức xúc vì hơn 25 ha đất sản xuất bị bồi lấp
Dẫn chúng tôi men theo con suối Khe Lệt đến vùng đất sản xuất nông nghiệp của bà con trong bản, anh Hồ Văn Sang, Bí thư Chi bộ thôn Làng Hồ, than thở: Bao năm qua, người dân trong bản không quản ngại khó khăn để san đất, ngăn suối, bê từng tảng đá xếp đặt cẩn thận xung quanh để làm nơi trồng lúa. Nhưng bây giờ, mọi thứ đã đổ xuống sông, xuống bể cả, khi rất nhiều diện tích canh tác lúa đã bị bồi lấp, san phẳng và không thể canh tác được nữa.
Có thể nói rằng, để cho bà con Vân Kiều làm quen với tập quán trồng lúa nước, giúp họ yên tâm sinh sống đã khó gấp bội phần. Nhưng khi bà con vừa gặt hái được chút niềm vui, thu hoạch được lúa gạo do chính tay mình làm ra, không còn dựa dẫm vào khoản trợ cấp thường xuyên của Nhà nước thì bỗng nhiên bị “sụp đổ” bởi việc làm “vô trách nhiệm” của đơn vị khai thác quặng sắt.
Chỉ tay về phía những khoảng đất bị cỏ dại mọc đầy, khô khốc, trên mặt trơ ra toàn cát sỏi, anh Sang nói: Hầu hết đất ruộng ở đây do bà con khai hoang từ những năm 1980. Vợ chồng tui được cha mẹ cho đất để canh tác, mỗi năm thu hoạch 2 vụ cũng được một tấn lúa, cả nhà đủ ăn quanh năm. Thế nhưng, mùa mưa xảy ra khoảng tháng 10/2015, nước từ đầu nguồn chảy về rất lớn kéo theo cát sỏi nên lấp hết ruộng. Chúng tôi chỉ khắc phục được những mảnh ruộng bị bồi lấp ít để tiếp tục sản xuất, còn lại gần 1 mẫu bị bỏ hoang từ đó đến nay.
Ngoài hộ anh Sang, thì khoảng 6 hộ dân có đất nông nghiệp ở khu vực này cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Anh Sang nói, những hộ bị bồi lấp nặng nề nhất ngoài gia đình anh ra còn có anh Hồ Văn Hiền, Hồ Văn Lễ…Rồi anh Sang nhẩm tính có khoảng 2,1 ha đất trồng lúa trước đây đã bị bồi lấp, hiện không thể sản xuất được nữa.
Theo anh Sang, trước đây suối Khe Lệt rất hiền hòa, dù mưa lũ cũng chưa bao giờ xảy ra tình trạng như vậy. “Nguyên nhân gây nên hiện tượng bồi lấp đất là do Doanh nghiệp vào khai thác quặng sắt ở đầu nguồn khiến đất rừng bị cày xới, con suối bị thay đổi dòng chảy, đất đá từ đầu nguồn theo nước lũ chảy về phía dưới làm bồi lấp ruộng của bà con” – anh Sang nói.
Nói về tình trạng đất nông nghiệp của bà con trong vùng bị bồi lấp, ông Hồ Văn Tà, Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Sơn cho biết, việc ruộng lúa của người dân thôn Làng Hồ bị cát sỏi bồi lấp là do hoạt động khai thác mỏ sắt ở đầu nguồn. Ngoài việc bồi lấp ruộng, cát sỏi kéo về còn khiến lòng suối Khe Lệt bị cạn, gây nguy cơ thiếu nước hiện hữu ngay trước mùa khô năm 2016.
“Khi mới xảy ra tình trạng cát bồi lấp ruộng lúa, người dân ở thôn đã báo sự việc lên xã. Xã Hướng Sơn cho người về kiểm tra, báo cáo lên huyện nhưng từ đó đến nay, vẫn chưa có biện pháp khắc phục cho người dân” - ông Tà cho hay.
Theo số liệu thống kê của UBND huyện Hướng Hóa, ảnh hưởng từ việc khai thác quặng đã khiến cho khoảng 25 ha ruộng sản xuất lúa của bà con xã Hướng Sơn bị bồi lấp, phải bỏ hoang. Trước đó, người dân cũng đã đề xuất với chính quyền địa phương yêu cầu Công ty Hoành Sơn phải khai hoang lại diện tích đất canh tác đã bị bồi lấp để bà con sản xuất nhưng phía công ty này vẫn không giải quyết.
Sau gần 1 năm bỏ hoang, ruộng đồng trở nên khô khốc, cỏ dại mọc đầy, cát sỏi chi chít…đó là những “hệ lụy” thấy rõ từ việc khai thác quặng sắt phía đầu nguồn, đã và đang đẩy đời sống của hàng chục hộ dân Vân Kiều rơi vào khó khăn hơn.
Doanh nghiệp “trốn chạy”, chính quyền cũng bất lực!
Từ năm 2012, Công ty CP Công nghiệp TM&DV Hoành Sơn bắt đầu chặt cây, san ủi mặt bằng để khai thác thăm dò quặng sắt tại xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa. Theo đó, Công ty được UBND tỉnh Quảng Trị cấp phép để thăm dò, khai thác ở 2 địa điểm với diện tích hàng chục ha. Quá trình thăm dò, Công ty dùng máy đào thành từng hố, đất được đưa lên thành gò nham nhở.
Không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, quá trình vận chuyển quặng sắt, Công ty khai thác còn làm hư hỏng đường sá. Nhưng khi khai thác xong, Công ty rút hết máy móc mà không hoàn thổ, không trồng lại rừng như cam kết ban đầu.
Trao đổi với PV, ông Hồ Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, bức xúc: “Công ty Hoành Sơn tiến hành khai thác quặng sắt nhưng không đảm bảo môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của người dân; gây sạt lở đường giao thông; nhiều cây rừng ngoài khu vực được cấp phép cũng bị chặt phá. Điều này ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Việc đường sá bị hư hỏng do xe chở quặng gây nên, chính quyền phải bỏ ra 500 triệu đồng để khắc phục, sửa chữa”.
Trong lúc không thực hiện đúng cam kết thì đến cuối năm 2015, đơn vị này dừng việc khai thác, rút hết toàn bộ máy móc ra khỏi địa bàn. Mới đây, Công ty Hoành Sơn lại đề nghị được tiếp tục cấp phép khai thác quặng sắt tại đây, nhưng đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ phía người dân và địa phương.
Liên quan đến những ảnh hưởng từ việc khai thác quặng sắt của Công ty Hoành Sơn, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị đã có văn bản, yêu cầu Công ty này phục hồi môi trường, đất đai sau khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, sau nhiều lần có văn bản nhắc nhở, phía công ty này vẫn không chịu thực hiện.
Bà Lê Thị Vân Oanh, Trưởng phòng Khoáng sản - Nước, Sở TN-MT tỉnh Quảng Trị cho biết, Công ty Hoành Sơn đã bị tỉnh Quảng Trị ra quyết định xử phạt hơn 400 triệu đồng do vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản. Nhưng đến nay, Công ty này không trở lại làm việc dù đã gửi văn bản nhiều lần. Đơn vị này cũng chưa ký quỹ khắc phục môi trường.
“Sở đang tiến hành thẩm định, lấy ý kiến người dân và các đơn vị liên quan, nếu Công ty này không thực hiện các cam kết, không đến làm việc thì sẽ không cấp phép mới. Trường hợp doanh nghiệp cố tình “chây ì”, không thực hiện thì buộc phải sử dụng biện pháp “mạnh tay” hơn là kiến nghị ra Bộ TN-MT yêu cầu dừng hoặc có thể chấm dứt hoạt động khai thác khoáng sản đối với công ty này” - bà Oanh nhấn mạnh.
Đăng Đức