Quảng Trị: Hàng chục hộ dân rơi vào bế tắc tại Làng thanh niên lập nghiệp!

(Dân trí) - Thực trạng đầy khó khăn trên đang diễn ra đối với gần 30 hộ dân tại Làng thanh niên lập nghiệp (TNLN) xã Hướng Hiệp (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị). Dù đã chuyển đến sinh sống tại nơi ở mới nhiều năm, song họ chưa thực sự an cư, ổn định cuộc sống.

Lập nghiệp nhưng… chưa thể an cư!

Năm 2008, Trung ương Đoàn đã có quyết định phê duyệt đầu tư dự án Làng thanh niên lập nghiệp xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông, với tổng kinh phí trên 30 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án Làng TNLN xã Hướng Hiệp là tiếp nhận 150 hộ dân, giải quyết việc làm cho 300 lao động; trồng mới 250ha cao su, 300ha rừng sản xuất, 26ha lúa nước và 13ha cây trồng ngắn ngày kết hợp chăn nuôi và bảo vệ trên 3.000ha rừng tự nhiên.

Người dân tại Làng thanh niên lập nghiệp Quảng Trị gặp nhiều khó khăn

Dự án này sau đó được giao cho Tỉnh đoàn Quảng Trị làm chủ đầu tư. Theo đó, dự án được triển khai nhiều hạng mục: khai hoang 150ha đất sản xuất; san ủi mặt bằng và xây dựng nhà văn hóa, trường học, sân vận động, công trình điện chiếu sáng và sản xuất, công trình nước sạch, đường giao thông…

Công trình nhà điều hành tại Làng TNLN được xây dựng nay giao lại cho một hộ dân quản lý.
Công trình nhà điều hành tại Làng TNLN được xây dựng nay giao lại cho một hộ dân quản lý.

Nhưng đến nay, gần 10 năm triển khai xây dựng, các hộ thanh niên ở đây đang đối mặt với nhiều khó khăn và hiện chưa thể “an cư lập nghiệp” tại Làng TNLN xã Hướng Hiệp.

Hiện tại, Làng thanh niên lập nghiệp Hướng Hiệp mới có 28 hộ dân là thanh niên đồng bào dân tộc đến lập nghiệp nhưng các hộ này vẫn chưa thể lập nghiệp vì cuộc sống của họ đối mặt với nhiều thiếu thốn như: không có nước sinh hoạt, đường sá đi lại khó khăn, mùa mưa thì bị cô lập vì lũ.

Đường sá đi lại khó khăn, về mùa mưa bị chia cắt, cô lập.
Đường sá đi lại khó khăn, về mùa mưa bị chia cắt, cô lập.

Đặc biệt, các hộ dân đến sinh sống ở làng thành niên lập nghiệp không có đất để sản xuất vì toàn bộ diện tích đất ở đây dày đặc đá mô côi.

Cuộc sống rơi vào “bế tắc”

Sau hơn 5 năm chuyển đến sinh sống tại Làng thanh niên lập nghiệp, cuộc sống của 28 hộ dân xã Hướng Hiệp đang lâm vào “bế tắc”.

Cuộc sống của gia đình Hồ Văn Cách gặp nhiều khó khăn tại nơi ở mới.
Cuộc sống của gia đình Hồ Văn Cách gặp nhiều khó khăn tại nơi ở mới.

Anh Hồ Văn Cách, một trong những hộ gia đình trẻ sinh sống tại Làng TNLN cho biết, cách đây chừng 5 năm, những hộ gia đình trẻ như em được vận động vào đây sinh sống, được hỗ trợ một phần kinh phí làm nhà. Tuy nhiên, hiện nay cuộc sống của người dân đang gặp rất nhiều khó khăn, nước không có, đất đai sản xuất thiếu.

Đất đai cằn cỗi, nhiều đá, thiếu nơi sản xuất.
Đất đai cằn cỗi, nhiều đá, thiếu nơi sản xuất.

Để đảm bảo cuộc sống, vợ chồng anh Cách phải thay nhau đi làm thuê cho những người khác để kiếm tiền nuôi con và đắp đổi qua ngày.

Cũng là một hộ gia đình trẻ định cư tại làng lập nghiệp, Hồ Văn Ninh (SN 1990) nói rằng, tên gọi là làng lập nghiệp, nhưng hiện nay phần lớn thanh niên sống tại đây đều rơi vào cảnh thất nghiệp.

Nguồn nước sạch khan hiếm do bị hư hỏng.
Nguồn nước sạch khan hiếm do bị hư hỏng.

Anh Ninh cho biết, người dân nơi đây dù được cấp đất nhưng dày đặc đá nên không có nơi canh tác. Hơn nữa, dù định cư từ lâu nhưng người dân chưa hề được cấp sổ đỏ (Giấy CNQSDĐ). Phần lớn người dân phải đi làm thuê mới có tiền đảm bảo cuộc sống và nuôi con đi học.

Ninh cho biết, hai vợ chồng anh phải đi bóc vỏ tràm để có thu nhập, đảm bảo cái ăn hàng ngày. Một số hộ khác có trồng sắn nhưng không được bao nhiêu.

Bên cạnh những vướng mắc trong đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân thì hàng chục trẻ em nơi đây cũng gặp không ít khó khăn trong việc đến trường học tập. Về mùa mưa, hầu hết các cháu học sinh phải nghỉ học do đường sá chia cắt, cô lập.

Những đứa trẻ lớn lên trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn trăm bề.
Những đứa trẻ lớn lên trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn trăm bề.

Ông Hồ Văn Sáu – Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Hiệp cho biết, hiện đang sinh sống tại làng lập nghiệp có khoảng 28 hộ dân của 2 thôn K Reng và P Loang. Người dân nơi đây chủ yếu trồng sắn và trồng rừng. Cuộc sống của người dân vẫn còn nhiều vất vả.

Đại diện xã Hướng Hiệp nói rằng, chính quyền đang đề xuất lên cấp trên để xin kinh phí và tạo điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Thời gian qua, địa phương cũng có sự hỗ trợ cho các hộ dân sinh sống tại làng lập nghiệp, nhưng cần phải có sự hỗ trợ thêm để giúp bà con ổn định cuộc sống.

Nhiều hộ gia đình đóng cửa để đi làm thuê.
Nhiều hộ gia đình đóng cửa để đi làm thuê.

Đánh giá về dự án, ông Sáu nói rằng, so với mục tiêu ban đầu của dự án xây dựng Làng thanh niên lập nghiệp không khả thi, bởi trong đề án trồng mới 250ha cao su nhưng điều kiện tự nhiên, khí hậu không phù hợp, số hộ dân chuyển đến sinh sống thực tế cũng ít hơn do nhiều nguyên nhân, công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng khó khăn.

Vấn đề khiến nhiều người dân băn khoăn là dự án được phê duyệt đầu tư hàng chục tỷ đồng, nhưng nay không mang lại hiểu quả như mong muốn. Mục tiêu ban đầu của dự án hầu như không thực hiện được.

Xã Hướng Hiệp vẫn là xã của huyện nghèo Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Trước đây, người dân chuyển đến định cư tại làng lập nghiệp với giấc mơ thoát nghèo, ổn định cuộc sống tại nơi ở mới. Nhưng, đối diện với nhiều khó khăn hiện tại, đời sống của nhiều hộ dân đang gặp không ít vất vả, thiếu thốn.

Đăng Đức

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm