Quảng Trị: Đường nát, cầu chờ sập vì “cõng” xe quá tải!
(Dân trí) - Tuyến đường dài hơn 3 km vốn được rải nhựa phẳng lỳ nhưng hàng ngày phải “oằn mình” cõng hàng trăm lượt xe tải, trọng lượng hàng chục tấn đi qua khiến đường nhanh chóng bị xuống cấp, đất đá lởm chởm; môi trường xung quanh bị ô nhiễm làm cho cuộc sống người dân vô cùng khổ sở.
Đây là thực trạng gây bức xúc cho nhiều người dân tại xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị trong nhiều năm qua. Dù người dân đã nhiều lần phản ánh lên các cơ quan có thẩm quyền, song tình trạng này vẫn tiếp diễn.
Đường nát, cầu chờ sập vì “cõng” xe quá tải
Từ năm 2013 đến nay, khi tỉnh Quảng Trị đồng ý cấp phép cho Công ty Furnitmax vào khai thác đá ở khu vực gần sát Cơ sở giáo dục Hoàn Cát (phần đất giao cho Trại giam Nghĩa An, đóng tại xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ quản lý), cũng là lúc đời sống của người dân địa phương bị đảo lộn. Để khai thác và vận chuyển đá đi các nơi, hàng trăm phương tiện được điều đến đây.
Theo phản ánh của nhiều người dân, trong quá trình khai thác, phía Công ty Furnitmax sử dụng nhiều phương tiện để vận chuyển đá từ mỏ ra bên ngoài. Mỗi ngày có hàng trăm lượt xe tải chở đá đi trên tuyến tỉnh lộ 11, qua khu dân cư gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hơn nữa, các xe chở với số lượng lớn, ước tính lên đến vài chục tấn chạy mỗi ngày khiến đoạn đường này nhanh chóng xuống cấp, dù trước đó được rải thảm nhựa.
Cùng chúng tôi vào khảo sát tại điểm khai thác đá, một cán bộ xã Cam Nghĩa lắc đầu ngao ngán: Trước đây tuyến tỉnh lộ 11 này được rải thảm nhựa, nhưng mấy năm qua do xe chạy quá nhiều nên đã biến thành đường đá lởm chởm. Cũng chính vì vậy mà việc đi lại của người dân gặp muôn vàn khó khăn.
Tuyến đường tỉnh lộ 11 vốn đã được rải nhựa thì nay bị xuống cấp nghiêm trọng.
Tiếp giáp với tỉnh lộ 11 là con đường dân sinh được đổ bê tông dẫn vào Cơ sở giáo dục Hoàn Cát. Tuy nhiên, dưới tác động của xe chở đá trọng tải lớn mỗi ngày thì đoạn đường này cũng chung số phận “bi thảm” như trên. Nhiều mảng bê tông bị vỡ nát và rời ra. Trên mặt đường xuất hiện nhiều đường rãnh. Điều đáng nói, trên đoạn đường này có một cây cầu dân sinh phục vụ việc đi lại, sản xuất cho người dân địa phương. Cầu được thiết kế để phục vụ người dân đi lại, xe tải loại nhẹ đi qua, nhưng thực tế mỗi ngày cây cầu này phải “oằn mình” dưới sức tác động của hàng trăm lượt xe trọng tải lớn.
Đường dân sinh được đổ bê tông cũng bị rạn nứt
Cây cầu này đang chờ sập vì phải "cõng" hàng trăm lượt xe trọng tải lớn
Sau một hồi quan sát, chúng tôi ghi nhận có hơn chục xe tải chở đá lao vụt qua cây cầu này khiến thân cầu như “run lên” và có thể sập bất cứ lúc nào. Trên mặt cầu xuất hiện nhiều lỗ lủng, nhiều mảng bê tông hai bên bị vỡ nát. Để chống cho cầu khỏi sập, một số cây cột được dựng lên chính giữa, bên dưới mặt cầu. Tuy nhiên, những cột này dựng tách rời với mặt cầu nên mỗi khi xe trọng tải lớn đi qua, mặt cầu đều oằn xuống rất nguy hiểm.
“Sẽ dừng cấp phép nếu không thực hiện đúng cam kết”
Nằm trên đường tỉnh lộ 11 có rất nhiều cơ sở giáo dục, nhưng mỗi lần xe tải chạy qua luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đối với các em học sinh. Người dân tỏ ra bức xúc vì vào những lúc tan học, các em học sinh cũng đành phải chịu đựng một lượng bụi bẩn từ các xe chở đá thải ra. Không những thế, vào ban đêm các xe chạy với mật độ dày hơn.
Trước những bức xúc của người dân, giữa năm 2015, Công ty Furnitmax cho xe lu rung lại mặt đường. Tuy nhiên, việc lu rung đã khiến cho nhà ở của nhiều hộ dân bị rạn nứt. Chỉ cho chúng tôi xem nhiều vết nứt trên tường và trần nhà, ông Phạm Công Lớn bức xúc, nói: “Lúc công ty khai thác đá sử dụng xe lu rung mặt đường khiến nhà tôi bị ảnh hưởng và bị rạn nứt nhiều điểm. UBND xã Cam Nghĩa đã thành lập Hội đồng đến để kiểm tra và có thẩm định thiệt hại tài sản, nhưng từ đó đến nay vẫn chưa có kết quả gì”.
Những vết rạn nứt thấy rõ trên tường nhà ông Lớn
Tương tự nhà ông Lớn, nhà ở một số hộ như ông Hoàng Hữu Hiếu, Phạm Đăng Lục…cũng bị ảnh hưởng từ việc lu đường nói trên.
Ông Lê Hữu Phương, Chủ tịch UBND xã Cam Nghĩa cho biết, địa phương đã nhiều lần làm tờ trình gửi lên các cấp, phản ánh việc Công ty Furnitmax trong quá trình khai thác đá đã làm hỏng đường, cầu cống, ảnh hưởng đến an toàn giao thông và đời sống dân sinh.
Ông Phương cho hay, hàng ngày có hàng trăm phương tiện chở đá chạy trên đường làm rơi vãi đá, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Học sinh các trường đi lại khó khăn, trời nắng thì bụi còn trời mưa thì bẩn. Công ty Furnitmax có đến làm việc sau khi có phản ánh nhưng chỉ khắc phục một cách chiếu lệ, không đến nơi đến chốn nên người dân rất bức xúc.
Mỗi khi xe chở đá chạy qua là cây cầu như "run rẩy"
Những cột chống bên dưới mặt cầu khá sơ sài
Trong khi Công ty Furnitmax gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân và làm hư hỏng đường sá, thì vào ngày 3/9/2015, UBND tỉnh Quảng Trị có công văn số 3396/UBND-TN về việc đồng ý bổ sung quy hoạch 20 ha tại khu vực phía Tây - Nam xã Cam Nghĩa cho Công ty này thăm dò, khai thác tài nguyên đá. Tuy nhiên, đông đảo cử tri bày tỏ bức xúc và không đồng tình cho Công ty trên tiếp tục thăm dò vì những ảnh hưởng trước đó vẫn chưa được khắc phục.
Trao đổi với PV, bà Lê Thị Vân Oanh, Trưởng phòng Khoáng sản - Nước, Sở TN-MT tỉnh Quảng Trị cho biết, từ lúc cấp phép mỏ đá có diện tích 4,2 ha ở Cơ sở giáo dục bắt buộc Hoàn Cát cho Công ty Furnitmax, Sở TN-MT tỉnh đã 2 lần đến kiểm tra và có nhắc nhở chấn chỉnh các sai phạm. Việc Công ty này sử dụng phương tiện vận chuyển đá làm hỏng đường, gây ô nhiễm môi trường, bà Oanh nói rằng, đơn vị này đã có báo cáo gửi Sở Tài nguyên môi trường tỉnh. Trong văn bản này, Công ty Furnitmax đưa ra nhiều biện pháp khắc phục, nhưng chưa thực hiện đúng như cam kết.
Bà Oanh khẳng định, về mỏ đá phía Tây - Nam xã Cam Nghĩa, hiện tại Sở này đang trong quá trình thẩm định, chưa cấp phép cho Công ty Furnitmax. Mỏ đá đang khai thác được gia hạn đến 7/2016, nếu Công ty không thực hiện các cam kết thì tới đây sẽ không cấp phép nữa.
Đăng Đức