Quảng Trị: “Chậm giải quyết đơn thư khiếu nại, còn tình trạng đùn đẩy, né tránh việc xử lý”

(Dân trí) - “Công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân trong thời gian qua chậm, thiếu tập trung, các cơ quan chuyên tránh vẫn còn né tránh việc xử lý, dẫn đến đơn thư khiếu nại tồn đọng, kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân”.

Đó là khẳng định của ông Hoàng Phước Quỳnh, Chánh Thanh tra tỉnh Quảng Trị, đề cập trong phiên họp HĐND tỉnh Quảng Trị, khóa VI, kỳ họp thứ 14 diễn ra ngày 10/12.

Thời gian qua, việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị diễn ra khá phức tạp. So với cùng kỳ năm trước, số lượt người đến các địa điểm tiếp công dân để khiếu nại, kiến nghị giảm. Nhưng tình trạng dân bức xúc dẫn đến khiếu kiện đông người, gây áp lực đến các cơ quan quyền lực tăng mạnh. Nội dung khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến nhiều lĩnh vực.

Ông Lê Bá Nguyên - Uỷ viên thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, hiện tất cả hệ thống văn bản đều đầy đủ, nhưng người giải quyết không rõ ràng, nên nhiều đơn thư tồn đọng. “Có vụ việc tòa cấp huyện, thành phố xử nhưng cấp tỉnh lại bác; quyết định hành chính của cấp thành phố các đơn vị khác xem xét đúng thủ tục hành chính, nhưng tòa hành chính cấp trên nói không phù hợp…”, ông Nguyên nói.

Ông Hoàng Phước Quỳnh, Chánh thanh tra tỉnh Quảng Trị, khẳng định việc giải quyết, xử lý đơn thư của công dân trong thời gian qua còn chậm và kéo dài. Nhiều vấn đề “nóng” liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai, đền bù hỗ trợ, mở rộng nâng cấp QL1, thu hồi đất phục vụ các dự án,…dẫn tới việc khiếu nại nhiều người, nhưng qua nhiều năm vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Đáng chú ý, việc khiếu nại, khiếu kiện của các hộ dân xã Cam An, huyện Cam Lộ về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng nâng cấp QL 1A; khiếu nại của nhóm người dân xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh về việc khai thác ti tan gây ảnh hưởng đến đời sống người dân. Đoàn 3 người thuộc phường An Đôn, thị xã Quảng Trị kiến nghị việc xây dựng cống thoát nước không phù hợp gây ảnh hưởng đến cuộc sống nhiều hộ dân; đoàn 3 người kiến nghị về việc tranh chấp đất giữa HTX nông nghiệp Hà Xá, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong; đoàn 20 người là cổ đông Công ty CP Nông sản Tân Lâm khiếu kiện về việc Công ty vi phạm hợp đồng, không thực hiện đúng cam kết với người dân…

Ông Quỳnh viện dẫn thêm một số vụ việc nổi cộm khác như: vụ việc của ông Hoàng Minh Tuấn (trú tại phường Đông Thanh, TP Đông Hà) khiếu nại liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường hỗ trợ dự án kè chống xói lở ven bờ sông Hiếu và dự án đường Hoàng Diệu, thuộc dạng tồn đọng. Nhưng sau thời gian dài, qua nhiều cấp, vụ việc này vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Vụ việc của ông Mai Hồng Sơn (phường 1, TP Đông Hà), khiếu nại liên quan đến văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất chuyển thông sang Chi cục thuế không đúng dẫn đến việc ông nộp thuế sai. 

Vụ việc của ông Trương Trọng Phương (TP Đông Hà) khiếu nại về việc cấp đất cho hộ ông Lê Thiên Thành xây dựng nhà trái phép trên đất của ông, ở phường Đông Lương. Khi phát hiện ông Thành xây dựng trên đất của mình, ông đã báo cáo chính quyền. Chính quyền sau đó đã xử phạt hành chính đối với ông Thành. Tuy nhiên, qua nhiều cấp xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, vụ việc này vẫn chưa xử lý rốt ráo, chờ xử lý cấp giám đốc thẩm…

Vị này thẳng thắn, nguyên nhân dẫn tới thực trạng các vụ việc khiếu kiện kéo dài là do việc né tránh xử lý, đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và giữa chính quyền các cấp trong việc giải quyết đơn thư khiếu nại”. Từ đó, ông Quỳnh đề nghị cần giải quyết tận nơi phát sinh tố cáo, chú trọng việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân, tăng cường đối thoại giữa người dân và phía cơ quan xử lý.

Đăng Đức