Quảng Nam: Có việc “xúi giục” tiểu thương không di dời đến chợ mới?

(Dân trí) - Khu vực chợ Kế Xuyên mới (xã Bình Trung, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) được xây dựng hàng chục tỉ đồng nhưng tiểu thương không “mặn mà” di dời đến. Lý do theo lãnh đạo xã Bình Trung là có một nhóm người ở chợ cũ vì quyền lợi của mình nên ngăn cản, hăm dọa tiểu thương.

Từ khiếu nại xây chợ gần trường học

Theo đơn khiếu nại của một số hộ dân thôn Kế Xuyên (xã Bình Trung, huyện Thăng Bình), dự án xây dựng chợ Kế Xuyên mới nằm gần trường tiểu học Nguyễn Du, việc cổng chợ được xây dựng cách cổng trường 60m là không đảm bảo về môi trường, an ninh trật tự và an toàn giao thông...

Chợ Kế Xuyên cũ buôn bán tràn cả ra đường
Chợ Kế Xuyên cũ buôn bán tràn cả ra đường

Các hộ dân cho rằng, trường Tiểu học Nguyễn Du đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 vào năm 2013, đây cũng là 1 trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới của xã Bình Trung cần phải phấn đấu hoàn hoàn thành.

“Người dân địa phương cũng như phụ huynh hết sức lo lắng vể việc đi lại của con em mình cũng như môi trường trường học bị ảnh hưởng bởi việc UBND xã Bình Trung quyết định xây dựng chợ đối diện cổng trường.

QL1A đoạn từ ngã tư Kế Xuyên cách trường TH nguyễn Du vài trăm mét với chỉ một con đường liên thôn khoảng chừng 5 mét như vậy sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều đến giao thông đi lại của người dân, cũng như mất an toàn cho học sinh lúc tan trường. Trước những bất bình như vậy, nhiều lần chúng tôi đã gửi đơn khiếu nại đến các cấp chính quyền địa phương để giải quyết nhưng vẫn chưa ý kiến phản hồi”, đơn kiến nghị của người dân viết.

Đến chuyện thu hồi đất xây chợ trái pháp luật

Người dân cho rằng, UBND huyện Thăng Bình đã thu hồi 3ha đất lúa giao cho Công ty TNHH Tân Phương Toàn xây dựng chợ Kế Xuyên mới và khu dân cư xung quanh chợ là không đúng thực tế bởi họ là người biết rõ diện tích bị thu hồi tăng thêm 0,5ha nhưng chưa có cơ quan nào thẩm định việc này.

Quảng Nam: Có việc “xúi giục” tiểu thương không di dời đến chợ mới? - 2
Chợ Kế Xuyên cũ xuống cấp, rất nguy hiểm khi mùa mưa bão đang đến gần
Chợ Kế Xuyên cũ xuống cấp, rất nguy hiểm khi mùa mưa bão đang đến gần

Hơn nữa, việc xây chợ Kế Xuyên mới là để chạy theo tiêu chí “chợ đạt chuẩn nông thôn mới”. “Không phải vì chợ cũ, mà vì muốn sớm hoàn thành chỉ tiêu nông thôn mới nên lãnh đạo xã đã quyết định xây chợ đối diện cổng trường như vậy. Hiện tại xã Bình Trung đã đạt được 12/19 tiêu chí chuẩn nông thôn mới, trong đó có tiêu chuẩn về chợ đạt chuẩn nông thôn mới. Phải chăng chỉ vì chạy theo thành tích hoàn thành mục tiêu nông thôn mới mà không nhận được sự đồng tình, để chúng tôi phải gửi đơn kiến nghị đến các cấp?”, đơn kiến nghị của người dân Kế Xuyên viết.

Người dân cần bình tĩnh, không để kẻ xấu kích động

PV Dân trí đã gặp một số hộ dân sống trước trường TH Nguyễn Du để trao đổi về việc xây chợ ảnh hưởng đến an ninh trật tự, mất về sinh, tai nạn giao thông.... Tuy nhiên, hầu hết các hộ dân đều cho rằng việc xây chợ không ảnh hưởng gì đến việc học của các cháu vì cổng trường và cổng chợ cách nhau đến 60m.

Chợ Kế Xuyên mới được xây dựng khang trang, thuận tiện cho việc kinh doanh buôn bán
Chợ Kế Xuyên mới được xây dựng khang trang, thuận tiện cho việc kinh doanh buôn bán

Một người dân xin giấu tên nói: “Tôi sống ở đây từ trước đến nay có thấy ai khiếu nại gì đâu. Việc xây chợ trước trường cũng không ảnh hưởng gì lắm đến việc học của các cháu. Ai có ý kiến gì chứ tôi không có”.

Bà T., một cán bộ ở khu vực này cho biết, bà nói ra sợ những người khác nghe được không hay nhưng việc xây chợ không ảnh hưởng gì đến trường học bởi khoảng cách khá xa. “Tôi nói ra sợ ồn ào nhưng có một nhóm người ở chợ cũ cản trở tiểu thương, không cho di dời đến chợ mới và gởi đơn khiếu nại đến tỉnh và Trung ương gây ồn ào ở đây”.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Văn Cường - Chủ tịch xã Bình Trung cho rằng, việc đơn khiếu nại, tố cáo của dân gởi đến các cấp nhưng không gởi đến xã ông có biết. Theo ông Cường, chợ cũ Kế Xuyến được xây dựng năm 1993 nhưng vì thiếu kinh phí nên một số hạng mục như cống rãnh thoát nước vệ sinh môi trường không xây dựng được.

Tiểu thương chợ Kế Xuyên mới trao đổi với PV

Hơn nữa, chợ cũ nằm sát QL1A, ảnh hưởng đến trật tự giao thông, thường xuyên xảy ra tai nạn. Từ năm 2008, UBND xã đã có chủ trương di dời chợ đến địa điểm mới, nhưng nhiều hộ dân khu vực không đồng ý, thậm chí còn gửi đơn khiếu nại vượt cấp từ tỉnh đến Trung ương gây phức tạp tình hình địa phương.

Năm 2012, UBND xã có tờ trình xin di dời chợ Kế Xuyên. Cuối năm 2013, xã Bình Trung là một trong những địa phương tiến hành chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) nên vấn đề di dời, xây dựng lại chợ Kế Xuyên càng cấp thiết nhằm đáp ứng các tiêu chí về NTM.

Đầu năm 2014, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt 2,98 ha đất trên diện tích 5,6 ha đất nông nghiệp 5% của xã tại thôn Kế Xuyên 2 và Trà Long để xây dựng chợ Kế Xuyên mới, giao UBND xã Bình Trung làm chủ đầu tư dự án.

Tuy nhiên, do không có kinh phí nên xã đề nghị và UBND huyện Thăng Bình thống nhất giao cho Công ty TNHH Tân Phương Toàn triển khai dự án theo hình thức đầu tư chuyển giao (BT), với kinh phí trên 20 tỷ đồng, xây dựng công trình chợ và khai thác quỹ đất.

Đến nay, dự án chợ Kế Xuyên đã xây dựng xong, UBND xã đã ưu tiên 12 ki-ốt cho các hộ tiểu thương ở chợ cũ bốc thăm nhận vị trí. Tiếp tục xây dựng thêm 12 ki-ốt nữa để bà con bốc thăm nhận vị trí buôn bán.

Trước thông tin về việc người dân không đồng tình khi xây dựng chợ mới và ý kiến của Trường TH Nguyễn Du, UBND xã đã có văn bản báo cáo Ủy ban Kiểm tra huyện, Phòng Công Thương huyện và Sở Công thương tỉnh Quảng Nam. “Trước khi quy hoạch chợ, Sở GD-ĐT tỉnh cũng đã thống nhất ý kiến”, ông Cường nói.

Ông Lê Văn Cường trao đổi với PV về việc tiểu thương di dời đến chợ mới

Ngoài ra, UBND huyện Thăng Bình cũng đã có báo cáo kết luận: “Việc triển khai xây dựng chợ và khu dân cư xung quanh chợ Kế Xuyên đã được UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất chủ trương và đảm bảo quy hoạch nông thôn mới của xã Bình Trung. Đến nay dự án đã được đơn vị chủ đầu tư tổ chức thi công hoàn thành, đã nghiệm thu và khánh thành. Tuy nhiên, một số hộ dân tiếp tục khiếu nại, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện tiếp tục kiểm tra, xác minh tiếp để trả lời cho công dân”.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Văn Cường cho biết, cuối tháng 9 vừa qua, xã có tổ chức di dời tiểu thương đến chợ mới. Hầu hết tiểu thương chấp hành nhưng một số hộ dân sống xung quanh chợ cũ vì quyền lợi của mình nên xúi giục, cản trở tiểu thương không di dời đến chợ cũ.

“Lý do là vì một số hộ dân này có nhà ở chợ cũ và lâu nay cho thuê mặt bằng trước nhà để người dân buôn bán nhỏ. Nếu chuyển đến chợ Kế Xuyên mới thì không còn cho thuê được nữa nên các đối tượng này mới kích động tiểu thương như vậy”, ông Cường nói và cho biết ông biết những hộ dân này là ai và ai là người đứng đầu xúi dục tiểu thương.

Cũng theo ông Cường, ngày vận động tiểu thương đến chợ mới, nhiều đối tượng lạ mặt đến tổ chức ăn nhậu, la hét và cản trở khi cán bộ xuống tháo dỡ chợ cũ; ngoài ra nhóm người này còn có hành vi chống người thi hành công vụ, thậm chí xảy ra xô xát.

Hiện tại chợ Kế Xuyên cũ đã xuống cấp trầm trọng, mái tôn của chợ sập xệ, được bỏ đá lên trên để chống rung và chống gió bão. Môi trường ở chợ Kế Xuyên cũ cũng nhếch nhát, người mua kẻ bán tràn cả ra QL1A. Trong khi chợ Kế Xuyên mới được xây dựng khang trang, sạch sẽ, đảm bảo mọi tiêu chuẩn về môi trường, PCCC, an ninh trật tự...

Đến nay hầu hết các tiểu thương đã chuyển xuống chợ Kế Xuyên mới kinh doanh buôn bán. Chị Xuyên, một tiểu thương ở chợ Kế Xuyên mới cho biết, việc buôn bán ở đây rất thuận tiện, hơn nữa được quy hoạch tập trung sẽ đảm bảo hơn về an ninh trật tự cũng như tài sản cho các tiểu thương.

Chủ tịch xã Bình Trung cho biết, sắp tới sẽ tiếp tục vận động người dân, đồng thời tổ chức tháo dỡ chợ cũ nhằm tránh nguy cơ gây mất an toàn, nhất là trong mùa mưa bão sắp tới.

Công Bính