Quảng Bình: Nhiều hộ dân bức xúc vì bị bảo vệ rừng chiếm đất

Đặng Tài

(Dân trí) - Được thuê làm bảo vệ dự án trồng rừng, không hiểu vì sao, ông Hợp lại được trồng cây trên diện tích đất đã chia cho các hộ dân. Điều này vô tình khiến hai bên xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp.

Ngộ nhận đất khai hoang ?

Vừa qua, phóng viên Dân trí nhận được đơn phản ánh của một số hộ dân là thành viên của đội 10, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hữu Cung (HTX Hữu Cung) tại xã Lộc Ninh, TP. Đồng Hới (Quảng Bình) phản ánh việc ông Trần Tiến Hợp (trú tại xã Lộc Ninh) có hành vi chiếm đoạt, phá hoại tài sản trên phần đất của đội 10 đang sản xuất.

Sự việc xuất phát từ năm 2002, trên diện tích đất khoảng 6 ha, HTX Hữu Cung tổ chức cho các xã viên các đội 9, 10, 11 tiến hành trồng cây theo Dự án 661 (Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng - PV). Với diện tích đất trồng rừng khá lớn, thời điểm này, HTX Hữu Cung đã quyết định thuê ông Trần Tiến Hợp làm bảo vệ tại 6 ha rừng nói trên.

Quảng Bình: Nhiều hộ dân bức xúc vì bị bảo vệ rừng chiếm đất - 1

Các thành viên đội 10, HTX dịch vụ nông nghiệp Hữu Cung bức xúc phản ánh về sự việc.

Thời điểm làm bảo vệ, dù không được giao đất nhưng ông Hợp được HTX Hữu Cung cho phép tự mua cây để trồng trên phần đất của HTX quản lý. Về vấn đề hưởng lợi từ cây trồng của ông Hợp sẽ được tính toán phù hợp giữa hai bên.

Năm 2005-2007, HTX Hữu Cung tiến hành phân lại 6 ha đất cho các đội sản xuất. Trong đó, đội 10 được giao quản lý diện tích đất rừng hơn 2,2ha (chia cho khoảng hơn 60 hộ thành viên trong đội sản xuất).

Những mâu thuẫn giữa ông Hợp và các hộ dân đội 10 bắt đầu hình thành từ năm 2008-2012 khi HTX Hữu Cung tiếp tục cho ông Hợp trồng cây trên diện tích đã chia cho các hộ dân.

"Giai đoạn 1998 - 2004, ông Hợp được HTX đồng ý cho tự mua cây để trồng trên phần đất do HTX quản lý và sẽ tính toán mức hưởng lợi của đôi bên nhưng không giao đất cho ông Hợp. Tuy nhiên, trong hợp đồng giữa HTX và ông Hợp nêu rõ, ông Hợp chỉ có trách nhiệm bảo vệ cây và nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm tài sản, cây, đất của HTX", ông Nguyễn Hữu Bình, nguyên Chủ nhiệm HTX Hữu Cung bức xúc.

Xung đột về việc tranh chấp quyền sử dụng đất giữa ông Hợp và một số thành viên đội 10 HTX Hữu Cung đạt đỉnh điểm vào đầu năm 2020 khi ông Hợp có đơn kiến nghị gửi UBND xã Lộc Ninh. Trong đơn kiến nghị, ông Hợp cho rằng nguồn gốc đất đang tranh chấp là do ông khai hoang.

Nêu trong đơn kiến nghị là vậy, nhưng ông Hợp lại không có bất cứ một giấy tờ nào để chứng minh đất đang tranh chấp là do ông khai hoang mà chỉ cung cấp một vài hợp đồng kinh tế giữa ông và HTX Hữu Cung (sau mốc thời gian đã chia đất 2005-2007).

Cần giải quyết tránh khiếu kiện kéo dài.

Sau khi tiếp nhận đơn kiến nghị của ông Hợp, theo đúng thẩm quyền, UBND xã Lộc Ninh tiến hành lập tổ xác minh và tổ chức 4 lần họp giải quyết. Theo người dân đội 10 thuộc HTX Hữu Cung, mỗi lần UBND xã Lộc Ninh họp giải quyết việc tranh chấp đất thì ông Hợp lại gọi người phá hoại tài sản trên đất khiến họ rất bức xúc.

"Không những phá tài sản, ngăn cản thành viên trong đội sản xuất, ông Hợp cùng người thân còn cày xới trên phần đất của đội 10 để canh tác. Khi chúng tôi biết tin ra ngăn cản thì bị chửi bới, đe dọa" ông Nguyễn Xuân Ron, Đội trưởng đội 10, HTX Hữu Cung cho biết.

Không chỉ ông Ron mà một số hộ dân đội 10 cũng phản ánh, mỗi lần người dân ra ngăn cản ông Hợp phá hoại tài sản thì bị những người lạ mặt chửi bới, có hành vi xô xát, tạo áp lực khiến họ hoang mang, lo sợ. 

Ông Nguyễn Trí Thủy, Chủ tịch UBND xã Lộc Ninh cho biết, vùng đất tranh chấp giữa các hộ dân đội 10 và gia đình ông Hợp theo bản đồ hành chính của xã thể hiện là đất do UBND xã quản lý. Về vấn đề tranh chấp đất, UBND xã Lộc Ninh đã có kết luận vùng đất đang tranh chấp thuộc đất của đội 10 và không có đất hoang diện tích đất nào do ông Hợp khai hoang.

Quảng Bình: Nhiều hộ dân bức xúc vì bị bảo vệ rừng chiếm đất - 2

Phần hàng rào trên phần đất của đội 10 bị phá hoại.

Cụ thể, diện tích đất đã được chia cho các thành viên đội 10 trước đây đã được UBND xã cấp tờ khai thuế sử dụng đất, đã có căn cứ pháp lý để người dân đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong quá trình sử dụng, nếu xảy ra trường hợp bị xâm chiếm, phá hoại tài sản thì người dân nên trình báo cơ quan chức năng để giải quyết.

Như vậy, việc ông Hợp từ một người được thuê bảo vệ rừng nghiễm nhiên chiếm đất của các thành viên trong HTX sản xuất để canh tác là trái quy định.

Trước mâu thuẫn đang ngày càng trở nên căng thẳng, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng có liên quan cần vào cuộc để xử lý điểm nóng tranh chấp nói trên tránh để tình trạng khiếu kiện kéo dài.