Quảng Bình: Dự án cải tạo, nâng cấp đường “bức tử”… doanh nghiệp!
(Dân trí) - Nhiều doanh nghiệp và người dân bức xúc vì dự án nâng cấp đường gây khó khăn cho các phương tiện ra vào các cơ sở sản xuất kinh doanh. Nguy hại hơn về mùa mưa lũ, nơi đây sẽ bị co cụm trong biển nước.
Dự án “hành” doanh nghiệp
Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường xung quanh Cụm công nghiệp (CN) Nghĩa Ninh (thôn Ba Đa, xã Nghĩa Ninh) do UBND thành phố Đồng Hới làm chủ đầu tư. Tuyến đường có chiều dài khoảng 3km, kéo dài xung quanh Cụm CN Nghĩa Ninh, giao với dự án đường nối cầu Nhật Lệ II lên đường Hồ Chí Minh, nhánh Đông.
Cụm CN Nghĩa Ninh có gần 10 doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất (CSSX) chủ yếu là các mặt hàng về gỗ, mộc, kính cường lực và gạch block... Đây là một trong những Cụm CN điểm của thành phố Đồng Hới. Khi nhận mặt bằng, nhiều doanh nghiệp bỏ tiền túi để làm cống thoát nước, kéo đường điện phục vụ sản xuất và hiện đã đi vào hoạt động ổn định mấy năm nay.
Tuy nhiên, gần đây đơn vị thi công cho máy móc san ủi các lớp đất đá để nâng cấp, cải tạo tuyến đường xung quanh Cụm CN khiến các DN, CSSX trong cụm “đứng ngồi không yên”. Bởi, nếu theo thiết kế thì tuyến đường này được nâng cốt cao hơn 30cm so với mặt bằng cũ. Bởi thế, khi công trình hoàn thành, cả Cụm CN này sẽ được "bọc" 4 phía.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Nam Quang, Giám đốc Công ty Quang Hùng Phát cho rằng, mặt đường nâng lên hơn 30cm như thế này là quá cao. Vì thực tế, Cụm CN chưa được đầu tư hệ thống thoát nước, khi triển khai dự án, phía đơn vị thi công lấp đường cống thoát do DN tự làm. Nếu đường làm xong, toàn bộ các cơ sở kinh doanh của các DN, CSSX sẽ bị thụt xuống dưới mặt đường và hậu quả là bị ngập nước lúc mưa lũ về. Khi ấy, doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại rất lớn.
Cũng theo ông Quang, trước đây, khi dự án này chưa đưa vào thi công, toàn bộ diện tích mặt bằng của công ty nằm ngang bằng mặt đường. Đến mùa mưa lũ, nước từ thượng nguồn tràn qua đường Hồ Chí Minh đã vào mấp mé bên trong trụ sở, gây hư hỏng một số vật dụng. Để khắc phục tình trạng trên, doanh nghiệp đã bỏ tiền túi ra đầu tư hệ thống thoát nước chạy xung quanh.
Còn ông Bùi Văn Đức, chủ cơ sở mộc Khánh Dư phát giác: “Mặt đường cũ như thế là đã cao lắm rồi, mưa lũ đến nhiều lúc nước tràn vào đã khó thoát ra. Giờ mà nâng đường lên cao nữa thì chắc là tôi phải dời cơ sở đi, nếu không bao nhiêu đồ gỗ sẽ hư hại hết. Mong thành phố xem xét, điều chỉnh lại thiết kế chứ như thế này là rất bất cập”.
Ông Đức là người địa phương nên am hiểu rất rõ thời tiết nơi đây. Theo ông, về mùa mưa lũ, nước từ các quả đồi phía tây chảy xuống tràn qua đường Hồ Chí Minh rất nhanh và mạnh, nếu không có hệ thống thoát nước kịp thời thì rất dễ xảy ra ngập úng cục bộ.
Kêu trời không thấu!
Việc thiết kế, xây dựng tuyến đường còn nhiều bất cập khiến các DN, CSSX trong Cụm rất bức xúc và đã có đơn phản ánh gửi các cơ quan chức năng xem xét để điều chỉnh thiết kế, hạ mặt đường cho phù hợp với thực tiễn.
Làm việc với PV, ông Đào Hữu Luyện, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Ninh cho biết, xã đã nhận được phản ánh của các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất ở Cụm CN. Từ thực tế, phản ánh của họ là hoàn toàn đúng và địa phương cũng đồng quan điểm với ý kiến của DN.
Được biết, ngày 29/2, UBND TP Đồng Hới đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến giữa các bên liên quan, trong đó có các đại diện doanh nghiệp ở Cụm CN Nghĩa Ninh.
Tại cuộc họp, lãnh đạo thành phố cho rằng, việc nâng cốt đường phù hợp với quy hoạch đã phê duyệt. Phía DN bám theo cốt đường tự nhiên chứ không bám theo cốt quy hoạch. Tuy nhiên, theo phản ánh của một số DN thì trước khi được cấp phép xây dựng, họ đã được các cơ quan chức năng đồng ý và hướng dẫn để phù hợp với quy hoạch chung (cốt đường, miệng cống thoát nước).
Sau cuộc họp, các bên liên quan đã thống nhất một số nội dung, đặc biệt trong đó UBND thành phố Đồng Hới đã giao Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất thành phố đề xuất bố trí nguồn kinh phí vượt thu năm 2019 để đầu tư hệ thống thoát nước cho Cụm CN Nghĩa Ninh.
Một câu hỏi được đặt ra ở đây là: Vì sao UBND thành phố Đồng Hới lại không lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp và tìm cách tháo gỡ những vướng mắc, những cái không hợp lý mà lại “chữa cháy” bằng giải pháp đầu tư hệ thống thoát nước?
“Nếu thành phố đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước thì lại phải múc đường lên (hệ thống thoát nước hiện tại của DN tự làm đã bị đơn vị thi công san lấp). Rõ ràng, như vậy sẽ gây lãng phí, thất thoát lớn cho ngân sách”, một doanh nghiệp phân tích.
Cũng theo vị doanh nghiệp này, chỉ còn vài tháng nữa là đến mùa mưa lũ, nếu lúc đó hệ thống thoát nước chưa được đầu tư xây dựng mà xảy ra ngập úng, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp thì ai chịu trách nhiệm (?!)
Nhóm PV