Quảng Bình: Dấu hiệu “bất thường” trong chấm thầu tại công trình xây dựng

(Dân trí) - Mặc dù bỏ mức giá dự thầu công trình cao hơn công ty cạnh tranh trực tiếp hơn 400 triệu đồng, tuy nhiên công ty này lại được “ưu ái” chấm trúng thầu.

Bất thường!

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, ngày 6/11/2019, Ban Quản lý (BQL) xã Hồng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) tổ chức mở thầu công khai hồ sơ của các nhà thầu tham gia gói thầu xây dựng công trình “Đường vào khu sản xuất Cây Mang xã Hồng Hóa (giai đoạn 1).

Công trình có chiều dài hơn 2,5km, thuộc loại công trình giao thông nông thôn (cấp IV) do BQL xã làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư cho công trình là 3 tỷ đồng từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. 

Quảng Bình: Dấu hiệu “bất thường” trong chấm thầu tại công trình xây dựng - 1

Quyết định chấm thầu công trình của Ban Quản lý xã Hồng Hóa

Tại thời điểm mở thầu, có 2 đơn vị đủ điều kiện tham gia gói thầu gồm: Tổ tự quản (TTQ) Cầu Roòng và Tổ xây dựng (TXD) Cao Viết Hùng (xã Hồng Hóa).

Tuy nhiên, tại buổi mở thầu công khai trên không hề có sự tham gia của đơn vị TTQ Cầu Roòng mà chỉ có sự tham gia của TXD Cao Viết Hùng cùng đại diện đơn vị được tổ này hợp đồng máy móc, kỹ thuật để thực hiện công trình nói trên.

Theo kết quả mở thầu, TXD Cao Viết Hùng có mức giá dự thầu là 2.144.929.000đ, trong khi đó mức giá dự  thầu của TTQ Cầu Roòng thời điểm mở kết quả thầu theo ông Độ (đại diện đơn vị được TXD Cao Viết Hùng hợp đồng để thực hiện công trình nếu trúng thầu) cao hơn 4.900.000đ. Có nghĩa là, mức giá dự thầu của TTQ Cầu Roòng thời điểm mở thầu ngày 6/11 đó là 2.149.829.000đ.

“Sau khi có kết quả mở thầu tại UBND xã, hai tổ chúng tôi đem ra so sánh giá thì bên đó (TTQ Cầu Roòng - PV) cao hơn mình (TXD Cao Viết Hùng – PV) là 4.900.000đ”, ông Độ cho biết.

Quảng Bình: Dấu hiệu “bất thường” trong chấm thầu tại công trình xây dựng - 2

Công trình đường giao thông nông thôn vào khu sản xuất Cây Mang sắp được triển khai.

Dù có mức giá dự thầu thực hiện công trình cao hơn và vắng mặt tại buổi mở thầu công khai, nhưng tại Quyết định số 321/QĐ-BQL ngày 02/12/2019 của BQL xã Hồng Hóa về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu nói trên thì đơn vị TTQ Cầu Roòng vẫn trúng thầu. 

Một điều bất thường nữa là trong Quyết định 321/QĐ-BQL, mức giá trị trúng thầu của TTQ Cầu Roòng lúc này là 2.580.000.000đ. Như vậy, so với mức giá dự thầu của TXD Cao Viết Hùng thì mức giá trị trúng thầu lúc này đã cao hơn lên đến 435.071.000đ (so với 4.900.000đ trước đó, theo ông Độ).

BQL xã cố tình “né” báo chí?

Với mục đích làm rõ sự việc và khách quan hơn về quyết định chấm thầu, PV đã nhiều lần tìm đến và xin đặt lịch làm việc trực tiếp với Trưởng Ban quản lý công trình xã Hồng Hóa. Tuy nhiên, ông Cao Thanh Hiển, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Hóa (Trưởng Ban quản lý xã) luôn lấy lí do bận họp và cho biết chưa xác định được thời gian rảnh để có thể làm việc về vấn đề này. Liệu trước những nghi vấn nói trên, Trưởng BQL xã Hồng Hóa có cố tình “né” tránh trả lời với báo chí?

Quảng Bình: Dấu hiệu “bất thường” trong chấm thầu tại công trình xây dựng - 3

Trụ sở xã Hồng Hóa, huyện Minh Hóa.

Trước thái độ làm việc của Trưởng BQL xã, chúng tôi đã có cuộc làm việc với ông Đinh Văn Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa. Tại cuộc làm việc, ông Lĩnh cho hay, nếu hai đơn vị tham gia đấu thầu có đầy đủ hồ sơ pháp lý và năng lực thực hiện công trình như nhau thì việc lựa chọn đương nhiên phải ưu tiên cho đơn vị có mức giá dự thầu thấp hơn. 

“Phải xem xét lại cái hồ sơ của họ và Ban chấm thầu để xem có lý do gì không, còn nếu như hai anh (đơn vị tham gia đấu thầu – PV) có đầy đủ hồ sơ pháp lý như nhau, thì đương nhiên anh giá thấp hơn phải chấm cho đạt”, ông Đinh Văn Lĩnh nêu quan điểm.

Báo Dân trí tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc!

Nhóm PV