Quan điểm luật sư sau khi ông Trịnh Văn Quyết nộp phạt 1,5 tỷ đồng

Khả Vân

(Dân trí) - Dư luận đặt câu hỏi, liệu cơ quan chức năng có thể xem xét xử lý hình sự ông Trịnh Văn Quyết về tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán?

Sáng 18/1, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định số 34/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với ông Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch Tập đoàn FLC).

Cụ thể, ông Quyết bị phạt hành chính 1,5 tỷ đồng theo quy định tại khoản 3 Điều 5, điểm h khoản 5 Điều 33 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Quan điểm luật sư sau khi ông Trịnh Văn Quyết nộp phạt 1,5 tỷ đồng - 1

Ông Trịnh Văn Quyết bị xử phạt hành chính về hoạt động bán "chui" cổ phiếu (Ảnh minh họa: FLC).

Theo thông tin từ FLC, ngay sau khi nhận được thông báo, Chủ tịch FLC đã nộp phạt 1,5 tỷ đồng, đồng thời phối hợp chấp hành các quyết định khác liên quan.

Dư luận, đặc biệt là những nhà đầu tư bị thiệt hại từ hành vi bán "chui" cổ phiếu của ông Quyết có những đánh giá trái chiều về việc xử phạt này của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Đa số cho rằng số tiền phạt không đáng kể và dường như là cách giúp ông Quyết tránh việc bị xử lý hình sự về hành vi cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán, theo điều 209 Bộ luật hình sự.

Theo Luật sư Quách Thành Lực, Công ty Luật Pháp Trị, đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính và lĩnh vực hình sự đều thừa nhận nguyên tắc một hành vi chỉ có thể bị cơ quan có thẩm quyền xử lý một lần.

Cụ thể điểm d, khoản 1, điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định nguyên tắc: "Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần"; Nguyên tắc Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm quy định tại điều 14 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015: "Không được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với người mà hành vi của họ đã có bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, trừ trường hợp họ thực hiện hành vi nguy hiểm khác cho xã hội mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm".

Tuy nhiên một hành vi vi phạm pháp luật đã bị xử phạt hành chính thì không loại trừ việc sau này cơ quan chức năng sẽ không xử lý hình sự hành vi đó.

Quan điểm luật sư sau khi ông Trịnh Văn Quyết nộp phạt 1,5 tỷ đồng - 2

Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp Trị.

Cụ thể khoản 2, điều 62 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã quy định như sau: "Trong quá trình thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu hành vi vi phạm được phát hiện có dấu hiệu tội phạm mà chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì người đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định đó và trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày tạm đình chỉ phải chuyển hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự; trường hợp đã thi hành xong quyết định xử phạt thì người đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải chuyển hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự".

Quy định pháp luật khẳng định rõ việc đã bị xử phạt hành chính thì vẫn có thể bị xử lý hình sự nếu hành vi đó có dấu hiệu tội phạm và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trình tự thủ tục chuyển vụ việc xử lý vi phạm hành chính sang xem xét xử lý hình sự được quy định tại khoản 3, khoản 4 điều 62 Luật xử lý vi phạm hành chính cụ thể như sau:

"3. Cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có trách nhiệm xem xét, kết luận vụ việc và trả lời kết quả giải quyết bằng văn bản cho người có thẩm quyền đã chuyển hồ sơ trong thời hạn theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự; trường hợp không khởi tố vụ án hình sự thì trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, cơ quan tiến hành tố tụng phải trả hồ sơ vụ việc cho người có thẩm quyền xử phạt đã chuyển hồ sơ đến.

Trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, nếu cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có quyết định khởi tố vụ án thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính và chuyển toàn bộ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và tài liệu về việc thi hành quyết định xử phạt cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự.

4. Việc chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự phải được thông báo bằng văn bản cho cá nhân vi phạm".

Như vậy có thể khẳng định rằng một người đã thực hiện một hành vi vi phạm pháp luật và bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đó thì sau này cơ quan tố tụng hoàn toàn có thể tiếp tục xử lý hình sự người này về cùng hành vi đó.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm