Hà Nội:
Quận Ba Đình yêu cầu thu hồi sổ đỏ cấp trái luật ở 24 Nguyễn Thiệp
(Dân trí) - Sau hành trình khiếu nại miệt mài, cuối cùng ông Nguyễn Đình Tuân cũng tìm thấy công lý khi UBND quận Ba Đình kết luận ông Phạm Nam dùng giấy tờ giả mạo xin cấp sổ đỏ nhà 24 Nguyễn Thiệp, đồng thời chỉ đạo thu hồi sổ đỏ theo quy định pháp luật.
Kết luận số 201/KL-TTr của Thanh tra quận Ba Đình khẳng định, ông Phạm Nam đã giả mạo giấy tờ của người khác, kê khai không đúng sự thật với cơ quan nhà nước về diện tích 59m2 đất thuộc quyền quản lý, sử dụng của gia đình để làm thủ tục xin cấp sổ đỏ đối với ngôi nhà 24 phố Nguyễn Thiệp (thể hiện qua kết quả giám định của Viện Khoa học kỹ thuật Hình sự - Bộ Công an, cùng kết quả xác minh từ Công an quận Ba Đình).
Đối với UBND phường Nguyễn Trung Trực, Kết luận số 201/KL-TTr nhận định UBND phường Nguyễn Trung Trực, Hội đồng xét duyệt cấp sổ đỏ đã mắc sai sót khi chưa tiến hành thẩm tra, xác minh nguồn gốc, giấy tờ, tài liệu liên quan đến quyền sử dụng đất tại 24 phố Nguyễn Thiệp của gia đình ông Phạm Nam. Chưa thu thập, xem xét quá trình xảy ra tranh chấp giữa gia đình ông Phạm Nam và gia đình ông Nguyễn Đình Tuân ở 26 phố Nguyễn Thiệp và đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc xét duyệt và trình UBND quận cấp Giấy chứng nhận cho gia đình ông Phạm Nam chưa đúng quy định. Tuy nhiên, Thanh tra quận Ba Đình cũng xác định không phát hiện dấu hiệu tiêu cực của bà Phùng Thị Hòa (nguyên Chủ tịch UBND phường Nguyễn Trung Trực) và ông Vũ Văn Dụ - Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường theo nội dung đơn tố cáo của ông Nguyễn Đình Tuân.
Do quá trình xem xét, giải quyết đơn khiếu nại tố cáo của UBND quận Ba Đình kéo dài, hiện nhà 24 phố Nguyễn Thiệp gia đình ông Phạm Nam đã bán lại cho người khác. Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, trong đơn kiến nghị gửi đến báo Dân trí ngày 13/10/2013, ông Nguyễn Đình Tuân đề nghị UBND quận Ba Đình tiến hành thu hồi sổ đỏ cấp cho ông Phạm Nam theo đúng nội dung Thông báo số 261/TB-UBND ngày 4/10/2013 do ông Đỗ Viết Bình - Chủ tịch UBND quận ký và ban hành; sớm thu hồi nhà 24 phố Nguyễn Thiệp, bởi đây là tang vật của vụ án làm giả mạo hồ sơ; ngoài 30m2 bà Thảo (mẹ ông Tuân) đồng ý cho, gia đình ông Phạm Nam phải trả lại gia đình ông Tuân 29m2 tự lấn chiếm. Bên cạnh đó, ông Tuân cùng đề nghị UBND quận Ba Đình chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an để điều tra làm rõ dấu hiệu hình sự liên quan đến hành vi giả mạo hồ sơ.
Như thông tin đã đưa, thửa đất mang 3 số nhà 24, 26, 28 trên phố Nguyễn Thiệp, phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, TP. Hà Nội có nguồn gốc sở hữu của cụ Nguyễn Đình Minh và vợ Nguyễn Thị Thảo (bố mẹ ông Nguyễn Đình Tuân) đã sinh sống nhiều đời. Khi còn sống, ông bà Minh - Thảo, cùng các con: Nguyễn Đình Lộc, Nguyễn Thị Tài, Nguyễn Đình Ngân, Nguyễn Đình Tuân đều sinh sống tại đây.
Tháng 10/1994, Sở Nhà đất TP. Hà Nội triệu tập họp tại trụ sở UBND phường Nguyễn Trung Trực để giải quyết tranh chấp tại số nhà 24 - 26 - 28 phố Nguyễn Thiệp. Tại buổi làm việc, ông Phạm Nam khẳng định toàn bộ 59m2 gia đình ông đang sử dụng được cụ Thảo viết giấy chuyển nhượng. Nhưng ông Nam chỉ đưa ra được 2 giấy phô tô gồm: Giấy cam đoan ngày 28/3/1972; Giấy cam kết ký ngày 5/4/1972.
Vì những lý do nêu trên, Sở Nhà đất TP. Hà Nội đã đình chỉ việc xem xét cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho gia đình ông Phạm Nam tại 24 phố Nguyễn Thiệp vì nhà đang có tranh chấp.
Đến năm 2010, ông Phạm Nam tiếp tục nộp đơn xin cấp Giấy chứng nhận QSDĐ với tổng diện tích 59m2, còn bà Phùng Thị Hòa, nguyên Chủ tịch UBND phường vẫn phê duyệt đơn xin cấp Giấy chứng nhận QSDĐ của gia đình ông Phạm Nam, trong đó có nội dung khẳng định “hiện không có tranh chấp khiếu kiện”.
Liên quan đến 2 tờ giấy cam đoan và cam kết mà ông Phạm Nam đưa ra để xin cấp Giấy chứng nhận QSDĐ. Ngày 22/3/2012, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an đã tiến hành giám định và kết luận “2 bản này không cùng một người viết”. Đến ngày 7/5/2013, Viện Khoa học kỹ thuật hình sự tiếp tục công bố kết quả giám định bản sao đơn xin phép xây dựng ngày 10/4/1991 do ông Phạm Nam (Ký hiệu A), với bản sao giấy cam kết và cam đoan đề tháng 3 và tháng 4/1972 (ký hiệu M1, M2) có chữ ký của bà Nguyễn Thị Thảo (mẹ ông Tuân) và kết luận, chữ viết trên đơn xin phép xây dựng (ký hiệu A) với chữ viết chữ số nội dung trên 2 bản giấy cam kết kí hiệu (M1, M2) là chữ viết chữ số của cùng một người viết.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương - Vũ Thúy