Phút nói thật số 46.2008

- Việc dự báo sản lượng và giá gạo chưa chuẩn xác cách đây không lâu đã khiến nhiều nông dân đang phải ôm lúa khóc ròng.

Dự báo chuyện buôn bán thương trường thế giới cũng kém, con cá nuôi đọng đến hàng trăm nghìn tấn, nông dân ngửa mặt kêu trời. Nay thêm dự báo thời tiết không chính xác, người dân nai lưng gánh chịu hậu quả. (Lê Thanh Phong - Bài "Học phí trả bằng sức dân", báo Nông thôn Ngày nay, thứ Năm ngày 6/11/2008).

Chớ để dân gian phải nhắc câu: Dự báo nắng, ắt có mưa - Dự báo có bão là... chưa có gì?

- “Vâng, đúng là tôi cảm thấy sức dân tại chỗ cần phải được huy động tốt hơn, bởi phạm vi thiên tai lần này rất rộng, cho nên không thể nơi này trông chờ nơi khác. Dù vậy, tôi thực sự rất lấy làm tiếc và muốn chân thành xin lỗi bạn đọc, xin lỗi mọi người về những lời gây nên sự bức xúc và bị phê phán.... Tuy nhiên, tôi tin rằng mỗi người sẽ được mọi người nhận xét, đánh giá thông qua cả việc làm và lời nói, và nhất là việc làm trên thực tế. Tôi nói điều này vừa để xin lỗi, vừa để nói lên niềm tin nơi mọi người”. (Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị trả lời phỏng vấn VNN ngày 5/11 - Bài "Dừng mọi cuộc họp, tập trung giúp dân khắc phục hậu quả")

Một lời xin lỗi mát lòng sau mưa lũ. Một Phút nói thật đáng ghi nhận.

- Chính quyền sinh ra để làm gì nếu không vì sự bình an của người dân.... Người dân đóng thuế nuôi chính quyền những mong con em đến lớp được an toàn, đêm tối có ngọn đèn để thắp, lúc mưa gió có chỗ khô ráo để trú ngụ. Không bảo đảm được những điều ấy, dù tưng bừng tượng đài văn miếu, chính quyền còn nặng nợ với nhân dân. (TS Phạm Duy Nghĩa - bài "Sau cơn mưa", báo Tuổi trẻ TPHCM, ngày 5/11/2008).

Có lẽ cần phải có một “tượng đài” ghi danh những người “nặng nợ với dân”.

- ... hình ảnh cựu Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Huy Ngọ dầm mưa cùng lực lượng cứu hộ trong bão lũ có lẽ là hình ảnh ít khán giả xem truyền hình có thể quên được. (Tuan vietnam ngày 5/11 - Bài "Chính quyền và thiên tai").

Vẫn cần nhắc chuyện “Bao giờ cho đến ngày xưa...”

BÐC