Phút nói thật số 20.2008

(Dân trí) - Theo tôi biết, mở rộng Hà Nội từ 921km2 lên 3.324,92km2 chỉ mới là một ý tưởng vừa mới nảy sinh trong quá trình thực hiện đồ án "Quy hoạch vùng thủ đô".

Ý tưởng đó, nếu được ủng hộ, cũng chỉ có giá trị làm tiền đề cho một công trình khoa học. Thế nhưng, bộ chức năng đã trình lên Thủ tướng Chính phủ phương án như là đã được nghiên cứu thấu đáo rồi - Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt - Bài Mở rộng Thủ đô là một việc lớn, trọng đại - Báo Lao động - ngày 5/5/2008.

Nghe nói, Thủ đô ta vài chục năm gần đây đã có khá nhiều lần "khắc nhập - khắc xuất". Có thể đây vẫn chưa là lần xuất - nhập cuối cùng!

- Chuyện lỗi của ông Kỳ ở đây quá "thô sơ", nhưng lại là kiểu lỗi bây giờ nhan nhản trong xã hội. Nhưng không thể vì lỗi này bây giờ phổ biến quá, mà ta lại coi nó "không đáng quan tâm". Ngược lại, đây là lỗi nặng, rất nặng đối với một công chức, một cán bộ nhà nước: lỗi ăn hối lộ! - Nhà thơ Thanh Thảo - bài Bố trí cán bộ - báo Thanh Niên - ngày 6/5/2008 nói về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Quốc Kỳ, người từng bị kỉ luật vì gợi ý và nhận hối lộ làm Quyền Tổng cục trưởng Du lịch.

Đây là "tội" có tên trong Luật hình sự, sao lại "xử lý nội bộ" nhẹ đi thành "lỗi". Lơ mơ thế, nhà thơ ơi!

- "Báo cáo của Chính phủ nói tới 5 yếu kém trong điều hành, nhưng trách nhiệm của bộ nào lại chưa rõ. Nếu không giải trình trách nhiệm rõ thì Thủ tướng nhận 5 yếu kém cũng không có ý nghĩa" - ĐB Trần Du Lịch (TP. HCM) - Bài "Phải xử lí vai trò đầu ngành của con người cụ thể". Dantri.com.vn ngày 7/5/2008.

Không chỉ ĐB mà người dân cũng mong muốn Thủ tướng "chỉ tay, day trán".

- Bộ GD&ĐT là cơ quan có trách nhiệm đề ra giải pháp phá độc quyền. Giải pháp nên đưa ra xã hội lấy ý kiến vì liên quan tới nhiều gia đình... Tổng hợp sức mạnh toàn dân chắc chắn chúng ta sẽ tìm được giải pháp phù hợp. Chứ Bộ GD&ĐT hiện nay có lúc chẳng đưa ra giải pháp gì, nhưng có lúc lại đưa ra dồn dập các giải pháp chưa được bàn bạc kỹ - ĐB Đào Trọng Thi - Bài "Tăng giá sách hay không là do Chính phủ quyết" - VietnamNet ngày 7/5/2008.

Bộ là "cha - mẹ", NXB là "con cái trong nhà" . Có ông bố, bà mẹ nào lại nỡ "phá" nồi cơm của con cái nên "lúc khoan, lúc nhặt" cũng là lẽ đương nhiên. Và cũng đương nhiên, sách giáo khoa tăng giá.

BHT

Dòng sự kiện: Phút nói thật