Phút nói thật số 10.2008

(Dân trí) - "Cách thẩm tra của Quốc hội với ngân sách giống như lúc đưa ra cái chân thì thẩm tra cái chân, đưa ra cái vòi thì thẩm tra cái vòi, chưa thẩm tra được cả con voi".

Đó là sự ví von của Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển về việc thẩm tra ngân sách trong buổi thảo luận của Thường vụ Quốc hội chiều 27/2, về xây dựng chương trình cho kì họp thứ 3 của Quốc hội khoá XII. dantri.com ngày 27/2/2008.

 

Chủ nhiệm UB của QH còn tự ví mình như thầy bói xem voi thì việc "dân biết, dân bàn...." xem ra còn xa vời lắm lắm!

 

- Số (báo) đặc biệt đăng đầy đủ số điện thoại cơ quan của các lãnh đạo chính quyền thành phố - từ thị trưởng đến bí thư thành ủy đến lãnh đạo các phòng ban - đã được bán hết ngay lập tức sau khi ra lò cách đây hai tuần... Chính quyền thành phố cũng ra các quy định mới yêu cầu lãnh đạo tất cả các phòng ban đảm bảo điện thoại luôn sẵn sàng trong giờ làm việc và lưu giữ thông tin về mọi cuộc đến. Một trong những quy định mới nhất là những lãnh đạo cố tình không nhận các cuộc gọi của người dân sẽ bị kỷ luật. VNN ngày 26/2/2008. Bài "Không thiếu cách nếu lãnh đạo muốn nghe dân".

 

Một tin rất vui, nhưng lại ở tận... nước láng giềng. Còn ở ta, đành phải ca bài ca "Bao giờ cho đến...?!

 

- Lạm phát ở nước ta đang gia tăng. Đó là một thực tế không thể phủ nhận dù nhiều người cứ "sợ" không dám nói đến hai từ "lạm phát", vì thấy như là phạm huý. (Tô Phán - bài Cần phải biết "sợ" súng! Báo Lao Động thứ tư 27/2/2008).

 

Sinh thời, nhà văn Nguyễn Tuân đã từng thốt lên đại để rằng căn bệnh "sợ bóng, sợ gió" đã khiến chúng ta sợ cả những điều không đáng sợ.

 

- Chúng tôi cũng hiểu tại sao lại như thế, chúng tôi cũng đang đặt dấu hỏi như vậy! Tại sao họ quan tâm những điều không đáng quan tâm khi  mà chúng tôi đang sắp xếp, tổ chức? ... Chính một số tờ báo cứ làm cho nó loạn lên mà không để làm gì cả! (Ông Trần Luân Kim, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam trả lời về sự bức xúc của truyền thông xung quanh Giải thưởng Cánh diều vàng - bài Báo chí làm loạn cả lên! báo Pháp Luật TP.HCM thứ tư ngày 27/2/2008).

 

Báo chí "làm loạn" là để không phải chứng kiến cảnh: "Anh bỏ (phiếu) cho tôi, tôi bỏ cho  anh - Bao nhiêu vàng bạc ta dành... cho nhau".  

BHT

Dòng sự kiện: Phút nói thật