Phụ xe bus bị kề dao vào cổ: Nóng giận, mất bình tĩnh sẽ trả giá ra sao?

Khả Vân

(Dân trí) - Mạng xã hội vừa lan truyền clip ghi lại cảnh nam tài xế xe 7 chỗ có lời qua tiếng lại với phụ xe bus. Đỉnh điểm cơn nóng giận là hành vi lái xe con kề dao vào cổ người phụ xe bus để đe dọa.

Theo nội dung clip, người đàn ông mặc áo đen là tài xế điều khiển xe ô tô 7 chỗ BKS 30A 095.xx, đã bực tức chặn đầu xe bus để yêu cầu nói chuyện.

Trong quá trình nói chuyện, phụ xe bus và tài xế xe ô tô đã có cãi vã, thách thức nhau. Người phụ xe bus đã tạt tay vào mặt tài xế ô tô rồi cầm gậy dọa đánh khiến tài xế áo đen càng tức giận, chạy về xe của mình lấy một con dao rồi quay lại, túm lấy cổ áo phụ xe lôi xuống đường dùng dao uy hiếp.

Phụ xe bus bị kề dao vào cổ: Nóng giận, mất bình tĩnh sẽ trả giá ra sao? - 1

Nam tài xế xe con túm cổ áo, dùng dao đe dọa phụ xe bus.

Trao đổi với báo chí, tài xế xe ô tô 7 chỗ cho biết vụ việc xảy ra vào chiều 01/7/2021 trên đường Nguyễn Văn Lộc, Hà Đông, Hà Nội.

Nguyên nhân ban đầu theo tài xế này là do tài xế xe bus tuyến 103B của Hanoibus trong quá trình lưu thông đã chèn ép xe của anh khiến anh suýt đâm phải 2 người đi xe máy phía trong.

Quá bức xúc nên anh đã xuống xe yêu cầu nói chuyện. Thế nhưng hành động của cả phụ xe và lái xe lúc đó đều đã quá nóng giận, mất bình tĩnh, rồi xảy ra tình huống như clip trên mạng xã hội.

"Coi như lại có thêm một bài học kinh nghiệm thực tế khi tham gia giao thông, luôn bình tĩnh trước mọi tình huống, dù có gặp cảnh bất bình hay gì cũng nên thật sự bình tĩnh và tỉnh táo để tìm cách giải quyết" - tài xế xe ô tô 7 chỗ này chia sẻ.

Đại diện Xí nghiệp xe bus Cầu Bươu, Hà Nội cho biết, khi đó, lái xe bus của đơn vị điều khiển xe có tránh ngại vật và chạy vào bên trong đường nhưng không va chạm vào xe ô tô con của người đàn ông điều khiển.

Ngay sau đó, người đàn ông điều khiển xe 7 chỗ tưởng là tạt đầu xe của mình nên chạy lên chặn đầu xe bus lại. Sau khi chặn đầu xe bus lại, người đàn ông điều khiển xe ô tô con có lời qua tiếng lại với phụ xe bus.

Được biết, Công an phường Mỗ Lao, quận Hà Đông đã mời cả 2 vợ chồng tài xế xe ô tô 7 chỗ chiều 2/7 tới trụ sở làm việc để giải quyết sự việc theo trình tự pháp luật.

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc đe dọa, kề dao vào cổ người khác là hành động đáng bị lên án dù bất cứ lý do gì.

Căn cứ quy định tại Điều 133 Bộ luật hình sự năm 2015, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS), thì đe dọa giết người bị coi là tội phạm khi hành vi đó xảy ra khiến cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc giết người sẽ được thực hiện. Trong đó, người phạm tội nhận thức được hành vi của mình có thể gây ra sự lo sợ cho người khác, có thể dẫn đến hậu quả như lời đe dọa nhưng vẫn thực hiện hành vi đó.

Hành vi đe dọa giết người chỉ cấu thành tội phạm khi hành vi đó đã làm cho người bị đe dọa thực sự lo sợ một cách có căn cứ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện.

Để đánh giá người bị đe dọa có phải ở trong tình trạng tâm lý như vậy hay không cần phải dựa vào những tình tiết sau: Nội dung và hình thức đe dọa; thời gian, địa điểm cũng như hoàn cảnh cụ thể khi hành vi đe dọa xảy ra; tương quan giữa bên đe dọa và bên bị đe dọa; thái độ và những xử sự cụ thể của người bị đe dọa sau khi bị đe dọa.

Để xác định được các dấu hiệu trên, cơ quan cảnh sát điều tra sẽ triệu tập người đe dọa, người bị đe dọa đến làm việc. Qua hoạt động lấy lời khai, phân tích, đánh giá, tình tiết chứng cứ trong vụ việc, cơ quan cảnh sát điều tra sẽ xác định: Người đe dọa có mong muốn gây ra sự lo sợ bị giết cho phụ xe bus hay không, người bị đe dọa trước những biểu hiện của tài xế xe 7 chỗ có sợ hãi, lo sợ một cách có căn cứ là hành vi giết người sẽ xảy ra hay không.

Nếu thỏa mãn hai yếu tố này thì khả năng người thực hiện hành vi đe dọa sẽ có dấu hiệu cấu thành tội đe dọa giết người với mức hình phạt lên tới 3 năm tù.

Trong trường hợp không có dấu hiệu hình sự thì cơ quan chức năng cũng cần xử phạt hành chính lái xe bus về hành vi chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước với mức phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng theo khoản 2 điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.  Xử phạt phụ xe bus và lái xe 7 chỗ về hành vi đánh nhau, có lời nói, cử chỉ thô bạo theo quy định tại điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức phạt tiền là 1.000.000 đồng.