Phụ huynh và muôn ngàn nỗi lo với phương án kiểm tra học kỳ trực tuyến

(Dân trí) - Thi tập trung với 2 giám thị, một giám biên rồi thanh tra mà vẫn không ngăn được gian lận, vậy thi online thì quản lý kiểu gì. Thi để đánh giá năng lực nhưng không kiểm soát được thì có ý nghĩa gì?

Theo kế hoạch năm học, đầu tháng 5 là thời điểm hầu hết các trường sẽ tổ chức kiểm tra học kỳ II để đánh giá xếp loại học sinh cả năm. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, đã có nhiều tỉnh, thành phố cho học sinh tạm ngừng đến trường và chuyển sang học trực tuyến khiến việc học online vì thế cũng gánh thêm nhiều áp lực...

Dạo quanh một số diễn đàn dành cho các bậc phụ huynh, có thể thấy nhiều ý kiến được đưa ra xung quanh việc nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, thời gian tạm ngừng đến trường kéo dài thì các nhà trường có cho học sinh làm bài kiểm tra học kỳ bằng hình thức trực tuyến (thi online) hay có cách thức nào tổ chức thi để đảm bảo an toàn cho các con hay không? Và liệu rằng thi online có đánh giá đúng năng lực của các con?

Bên cạnh những nỗi lo về kết quả học tập của con bị ảnh hưởng khi học online thì nhiều phụ huynh đã "mạnh dạn" đưa ra ý kiến đề xuất rằng trong bối cảnh dịch bệnh, nên chăng dần thay đổi và tiến tới xóa bỏ các kỳ thi tốt nghiệp.

Nhiều lo lắng khi tổ chức thi online…

"Tình hình dịch không biết còn kéo dài đến đâu, nhưng nên tổ chức sớm kỳ thi cho các cháu vì tôi thấy các cháu nhỏ cấp tiểu học việc học online thực sự như một cách đối phó không có hiệu quả. Ngồi học online nếu không có phụ huynh giám sát thì các con mở đủ loại video trên mạng để xem thì liệu lúc thi có "tiện thể" tra tài liệu không? Việc thi online theo tôi nên làm mặt dù thú thực tôi không tin tưởng vào tính minh bạch của kì thi online ở nước ta. Thực tế chứng minh rằng gian lận, chạy điểm đã có và nếu thi online, thì chắc còn khó quản lý hơn";

Phụ huynh và muôn ngàn nỗi lo với phương án kiểm tra học kỳ trực tuyến - 1

Nhiều phụ huynh lo ngại việc kiểm tra đánh giá nếu không có sự sát sao và nghiêm túc theo dõi từ cán bộ coi thi và giáo viên thì kết quả khó đảm bảo công bằng, không đánh giá thực chất trình độ học sinh

Một phụ huynh khác hoài nghi: "Thi online ư? Nếu bạn đề xuất được phương án đảm bảo tính công bằng và trung thực khi các thí sinh ngồi ở nhà làm bài test online thì hãy đề xuất.
Thi phỏng vấn online trực tiếp hay làm bài thi mang tính chất nghiên cứu thì OK. Chứ còn thi kiến thức phổ thông mà bạn nói test online thì đảm bảo tất cả các thí sinh đều đạt điểm tuyệt đối và lúc đó bạn đánh giá được năng lực thực sự của từng học sinh không? Không bố mẹ thì anh chị, bạn bè, thậm chí nếu có tiền thuê cả gia sư giỏi ngồi kế bên chỉ cho cách làm bạn giải quyết vấn nạn này bằng cách nào? Vì chắc chắn một điều không ai và không cha mẹ nào muốn con mình rớt cả";

Cho rằng cơ sở vật chất của nhiều địa phương chưa sẵn sàng để tổ chức thi online, một phụ huynh ý kiến: "Hiện cơ sở vật chất kỹ thuật của các trường vẫn chưa sẵn sàng để tổ chức kiểm tra trực tuyến, nhất là khu vực nông thôn. Đồng thời, việc kiểm tra đánh giá nếu không có sự sát sao và nghiêm túc theo dõi từ cán bộ coi thi và giáo viên thì kết quả khó đảm bảo công bằng, không đánh giá thực chất trình độ học sinh";

"Trường con tôi thi xong rồi các bác ơi, dồn lại thi trong 2 ngày 6 môn bao gồm sinh, sử, địa, hóa, toán, anh, quá kinh khủng với các con. Trước khi thi in đề, sau khi thi chụp ảnh bài gửi cô, bố mẹ ngồi bên cạnh chủ yếu để canh không cho chúng chụp bài gửi cho bạn, chứ nói thật là bố mẹ cũng không giúp con được vì cách giải bài của mình nó không phù hợp với con", một phụ huynh cho biết

Cho rằng đây là bài toán cực khó trong bối cảnh dịch bệnh, một phụ huynh nêu ý kiến: "Ngay cả thi tập trung với 2 giám thị, một giám biên cộng với các loại thanh tra mà vẫn không sao ngăn chặn được gian lận, vậy thử hỏi thi online thì quản lý kiểu gì?

Mục đích thi là để đánh giá năng lực nhưng một kỳ thi mà không kiểm soát được thì thi có ý nghĩa gì không? Vậy bỏ thi thì sao? Câu trả lời là HS cũng sẽ bỏ học luôn vì bản tính học sinh bây giờ phần lớn ham chơi hơn ham học do có quá nhiều cám dỗ trên mạng xã hội. Nếu không có thi cử và thi cử phải công bằng thì sẽ không có học sinh nào muốn học. Vậy thì nền giáo dục sẽ đổ vỡ.

Ai đó so sánh giáo dục nước ta với nước khác thì sẽ là khập khiễng vì giáo dục vốn là một lĩnh vực liên quan đến môi trường văn hóa, kinh tế chính trị... Nước ta khác, nước họ khác nên không thể so sánh được. Hồi tôi ở Hàn Quốc, học viên cao học có thể đi coi thi sinh viên, hoặc coi thi lẫn nhau. Thực chất người đi coi thi chỉ làm nhiệm vụ thu bài và phát giấy thi thôi chứ chẳng phải làm gì. Sinh viên làm bài bằng bút chì chứ không làm bằng bút mực như ở ta. Vậy mà không ai xem bài của ai và cũng không có quay cóp. Ở mình mà làm vậy có được không? Vậy nên ở ta, bỏ thi cũng không được, thi online cũng không được. Đây là bài toán cực khó trong lúc này."

"Trường con tôi chủ trương thi trực tiếp, phân ra 02 lớp thi trong 1 ngày và mỗi phòng thi chỉ có 7 cháu để đảm bảo an toàn giãn cách. Cách làm này khiến phụ huynh khá yên tâm nhưng chỉ có thể triển khai ở khối trường tư thục với số lượng lớp và học sinh ít, chứ nếu ở các trường công thì quả thực là áp lực với nhà trường; nhưng tôi cũng mong sớm kết thúc vì các con phải học online không hiệu quả mà hại mắt".

"Học hành là phải thi, phải kiểm tra mới phân loại được học sinh và chọn ra những người giỏi. Thi chuyển cấp là một trong những mốc quan trọng đánh giá toàn bộ quá trình học tập. Mà thi thì cần phải sự công bằng trong việc làm bài, giám sát, thi online ai kiểm soát được những việc đó?", thêm một vị phụ huynh lo lắng.

Đề xuất chỉ tổ chức thi với học sinh cuối cấp!

Nhiều ý kiến đồng tình với việc bỏ thi kiểm tra học kỳ năm nay, trừ những khối như 5, 9, 12 thi chuyển cấp thì lùi lại đợi dịch tan:

"Theo tôi, đối với các học sinh không thuộc diện chuyển cấp thì nên bỏ qua kỳ thi học kỳ 2 mà cho các cháu lên lớp luôn bằng cách lấy kết quả của bài kiểm tra giữa kỳ II để xét lên lớp hoặc dựa vào điểm hàng ngày chia trung bình lấy điểm học kì và tổng kết, đằng nào các cháu chẳng lên lớp 100%. Còn các cháu thi chuyển cấp thì chờ qua dịch mới thi trực tiếp để đảm bảo tính công bằng và chặt chẽ";

"Năm 1973, ngày 9/9 ngành giáo dục nước ta mới tổ chức thi đại học do học sinh mới chuyển từ nơi sơ tán về Hà Nội, nên năm nay chậm thi chưa là gì cả đâu, phụ huynh hãy bình tĩnh. Theo tôi cũng nên bỏ thi tốt nghiệp, cháu nào học xong thì Sở cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành, chỉ nên tổ chức thi đại học nếu cháu nào muốn. Mà cũng chỉ nên tổ chức thi vào các trường đại học y dược, đại học bách khoa, đại học sư phạm, như trước giải phóng đã làm, các trường khác đều ghi danh là vào học".

"Đã là phổ cập phổ thông thì cứ cho các cháu học, thậm chí không cần thi tốt nghiệp phổ thông, song nên dậy nghề từ lớp 9 đến lớp 12, cấp chứng chỉ tốt nghiệp phổ thông và chứng chỉ nghề. Tổ chức thi vào các trường đại học, các trường chuyên để phục vụ việc đào tạo nhân lực trình độ cao, như thế sẽ mặc nhiên khắc phục tình trạng dậy thêm học thêm lan tràn và tiêu cực hiện nay."

"Giáo dục ngày nay cũng đã toàn cầu hóa, hội nhập rồi. Chúng ta có thể học bất cứ ngành nghề nào, chứng chỉ nào trên thế giới miễn là đủ năng lực cá nhân và tài chính. Việc nếu chỉ một kỳ thì tốn kém để chứng nhận 99,9% tốt nghiệp thì quả là lãng phí.

Trong kinh tế, bạn bỏ ra 99,9 đồng (chưa kể chi phí mềm) để thu 0.1% lợi nhuận (để lại 0,1% rủi ro) cho 1 năm hay trong suốt 12 năm thì có nên không? Vậy thì khi học đến hết cấp, nếu đủ điều kiện tối thiểu về học tập, đạo đức… thì hãy cấp cho mỗi học sinh một chứng chỉ tốt nghiệp mà không cần phải thi để mọi người tự quyết định bước tiếp theo của họ mà không hề áp lực, tốn kém, lãng phí.

Ai muốn học nghề họ sẽ đi học nghề, ai muốn học tiếp đại học về những chuyên ngành họ sẽ lựa chọn để thi đại học. Lúc đó, các trường Đại học sẽ tự quyết định nhu cầu và phương án của họ. Họ hoàn toàn chủ động, cạnh tranh. Tự đó nó sẽ tạo là môi trường lành mạnh hơn, chất lượng hơn thay vì như hiện tại".

Tuy nhiên những ý kiến cho rằng nên bỏ thi tốt nghiệp này đã vấp phải sự phản đối của một số phụ huynh khác vì thực tế không hề đơn giản như nhiều người nghĩ, bởi: "Học sinh Hà Nội nói riêng từ cấp 2 lên 3 nếu bỏ thi thì làm thế nào để xét tuyển được vì chỉ có 60% các bạn có thể vào được trường công lập thôi. Đây thực sự là một bất cập";

Đồng quan điểm, một phụ huynh cho biết: "Lý tưởng thì đúng là nếu không có các kì thi thì học sinh của chúng ta nhàn lắm. Nhưng cũng phải nhìn vào thực tế: Nền giáo dục của chúng ta chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Gần đây nhất, con số thống kê cho thấy hơn 10.000 học sinh cấp 2 sẽ ko được vào các trường THPT công lập, vì số lượng trường không đủ. Vậy, ngoài cách thi thì còn cách nào khác để phân loại các em? Và tình trạng này ở mọi cấp độ mà thôi bởi trường tư, trường quốc tế là một thứ khá xa xỉ mà không phải ai cũng đáp ứng được".

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên.

Thông tư quy định việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên kết quả học tập trực tuyến của học sinh được thực hiện trong quá trình dạy học. Vì lý do bất khả kháng học sinh không thể đến trường thì việc tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ được thực hiện bằng hình thức trực tuyến.

Tuy nhiên, Thông tư này sau ngày 16/5/2021 mới có hiệu lực thi hành. Do đó, nếu học sinh chưa thể đến trường trong hai tuần nữa thì vẫn còn hai tuần cuối tháng 5 để hoàn thành công việc này. Thực tế cho thấy, đến thời điểm hiện tại có một số trường đã tổ cho học sinh kiểm tra học kỳ bằng hình thức trực tuyến ngay từ đầu tháng 5.

Theo bạn, việc tổ chức kiểm tra học kỳ trực tuyến (thi online) liệu có khả thi và đánh giá đúng năng lực của học sinh và đảm bảo công bằng không? Hãy gửi ý kiến của mình vào khung bình luận bên dưới nhé!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm