Phụ huynh than mệt mỏi khi giáo viên "lách luật" giao bài về nhà cho con
(Dân trí) - Nhiều phụ huynh cho rằng việc phải hướng dẫn con làm bài tập về nhà sẽ không hiệu quả, tạo cảm giác mệt mỏi, chán nản. Ngược lại, nhiều người cho rằng việc ôn luyện bài đã học là cần thiết.
Thời gian qua, dù nhiều cơ quan quản lý giáo dục đã có chủ trương về việc yêu cầu giáo viên không giao bài tập về nhà cho học sinh, song thực trạng này vẫn diễn ra. Tại một số nơi, nhằm tránh việc giao bài trực tiếp cho các con, giáo viên "lách luật" bằng cách nhắn tin cho phụ huynh nội dung bài tập về nhà và yêu cầu các con thực hiện.
Thực trạng này gây ra 2 luồng quan điểm trái chiều. Trong khi nhiều người bày tỏ sự phản đối, cho rằng việc này là không cần thiết, quá sức với học sinh thì nhiều phụ huynh khác lại đồng tình, ủng hộ việc nên giao bài tập về nhà cho con trẻ.
Bình luận về vấn đề này thông qua bài viết Cấm giao bài tập về nhà cho học sinh, cô giáo "lách luật" giao cho bố mẹ, độc giả Công Nguyễn viết:
"Con tôi mới vào lớp 1, giáo viên giao bài về nhà thông qua nhóm phụ huynh, yêu cầu các con đọc, viết để phụ huynh quay video gửi cho cô. Tuy nhiên, vấn đề là bài tập đó không phải bài các con đã học trên lớp, được giao để ôn tập lại mà là bài các con chưa được học.
Ý kiến thì lo con mình sẽ được "đối xử khác biệt", mà không ý kiến thì phụ huynh rất mất thời gian để cùng con hoàn thành bài tập. Bên cạnh đó, phụ huynh không có kiến thức và kỹ năng sư phạm, rất có thể dạy kiến thức mới như vậy sẽ phản giáo dục và làm cho các con không có hứng thú trong việc học".
Chung cảm nhận, anh Việt Anh cho rằng: "Tình trạng giao bài về nhà tạo gánh nặng cho phụ huynh vì đi làm về đã rất mệt. Mặt khác, không biết hướng dẫn con như thế nào để hoàn thành bài tập thầy cô giao.
Cuối cùng, vẫn phải tốn kém tiền thuê gia sư để dạy và giúp con làm bài. Đã học bán trú 8 giờ ở lớp, lại cho bài học về nhà khiến các con có biểu hiện ngại học, sợ học, tâm lý mệt mỏi".
"Tôi rất mệt mỏi vì cảm thấy như mình đang làm học sinh, trở lại thời kỳ học sinh với đống bài tập mà tôi vốn rất ghét. Nhiều bạn sẽ bảo tại tôi không để cháu tự làm, nhưng mà thực sự nếu để con làm một mình chắc sáng hôm sau cũng chưa xong bài, hay mất tập trung lắm. Trước khi đi học kêu chỉ muốn con bình thường, nhưng đi học rồi mới thấy con quá áp lực học tập. Mình muốn nhưng còn trường lớp có muốn đâu, vẫn nã bài đều", chủ tài khoản Tớ Là An Chi nêu cảm nhận.
"Học cả ngày ở lớp, tối về các em vẫn phải học đến 10-11 giờ đêm. Xin hỏi chương trình học hiện tại đang muốn đào tạo ra các vị giáo sư hàn lâm tiếp theo hay sao?.
Tôi nghĩ nên dừng ngay việc biên soạn này lại, vì toàn lý thuyết hàn lâm để làm gì khi mà chúng ta đang cần những nhà giáo dục có tâm, có kỹ năng sống tốt để các em ra cuộc sống khỏi bỡ ngỡ, khó khăn không chán nản, đói vẫn có thể vượt qua. Cách giáo dục hiện nay đang tạo ra 1 thế hệ tham lam, ích kỷ, sống cho bản thân nhiều hơn", anh Nam Anh Hoàng chia sẻ.
Cũng bày tỏ sự bức xúc, chủ tài khoản Non Sense viết: "Thầy nào trò đó. Về nó học theo, cũng lách luật với cả bố mẹ, ông bà luôn. Rồi thầy cô lại trách phụ huynh là cháu nó hư, trong khi cháu nó học từ thầy cô dạy chứ ai mà trách".
Trong khi đó, vẫn có những người cho rằng việc giao bài tập về nhà là cần thiết. Bình luận về vấn đề, anh Thế Hiệp Lê viết: "Việc ra bài tập về nhà vẫn nên làm, em nào làm được thì tốt, không làm được thì cũng không bắt buộc. Em nào làm được thì khen, không làm được thì cũng không sao".
"Giáo viên họ cũng là phụ huynh, hãy hỏi họ tại sao lại làm như thế thì có ngay câu trả lời mà", độc giả Hai Nguyen nhìn nhận.
"Học mà không "hành" sao được? Học thì phải làm bài tập, không làm quên ngay. Không làm bài tập về nhà chỉ phù hợp với học sinh chú ý hiểu bài và ngấu ngay tại lớp thôi, chứ học sinh ơ ơ mà về nhà không làm bài tập đảm bảo ngày hôm sau chả còn những gì học ngày hôm qua, nhất là buổi tối về không phải làm bài mà chỉ làm một trận điện tử đến lúc đi ngủ. Các vị cứ thử xem. Tuy nhiên, lượng bài tập về nhà nên vừa phải, phù hợp nhưng phải có bài tập về nhà để có thói quen phải ôn bài", chủ tài khoản Nhieuchuyen phân tích.
Hoàng Diệu