Bạc Liêu:

Phó hiệu trưởng bị tố sai phạm vẫn được giao điều hành trường: UBND tỉnh sẽ chỉ đạo xử lý

(Dân trí) - Liên quan đến vụ phó hiệu trưởng Trường THCS Vĩnh Mỹ A (huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) bị "tố" có nhiều sai phạm nhưng vẫn được giao điều hành trường, ngày 1/9, ông Nguyễn Tấn Khương - Chánh văn phòng UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, tỉnh sẽ tham mưu chỉ đạo ngành chức năng xử lý.

Ông Nguyễn Tấn Khương- Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết, vụ việc Phó hiệu trưởng Trường THCS Vĩnh Mỹ A Phan Thanh Tài bị "tố" có nhiều sai phạm, văn phòng UBND tỉnh sẽ tổng hợp, rà soát lại những nội dung mà báo Dân trí đã phản ánh.

“Văn phòng UBND tỉnh sẽ tham mưu lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan để xử lý sớm sai phạm đối với lãnh đạo trường này”, ông Khương nói.

Trường THCS Vĩnh Mỹ A- nơi ông Phan Thanh Tài bị tố có nhiều sai phạm nhưng vẫn được giao quyền điều hành trường.
Trường THCS Vĩnh Mỹ A- nơi ông Phan Thanh Tài bị tố có nhiều sai phạm nhưng vẫn được giao quyền điều hành trường.

Như Dân trí đã có loạt bài phản ánh, ông Phan Thanh Tài bị nhiều giáo viên tố cáo nhiều sai phạm như không đứng lớp theo quy định của Bộ GD-ĐT; có dấu hiệu lập “khống” lớp dạy nghề để lấy tiền Nhà nước một cách không minh bạch; có sai phạm nhưng cuối năm vẫn được xếp loại tốt và đề nghị danh hiệu Lao động tiên tiến;…

Cụ thể, trong 3 năm học (từ 2013-2016), tổng cộng ông Tài không đứng lớp dạy khoảng 10 tháng, mỗi tháng nhận 30% phụ cấp đứng lớp với tổng số tiền là 14.628.000 đồng, chưa tính đến những tháng nghỉ hè.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, tại Điều 7, Thông tư 28 có quy định về định mức tiết dạy đối với Hiệu trưởng và Phó hiệu trưởng các trường phổ thông. Trong đó, Hiệu trưởng và Phó hiệu trưởng trường phổ thông có nhiệm vụ giảng dạy một số tiết để nắm được nội dung, chương trình giáo dục và tình hình học tập của học sinh nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý. Cụ thể, Hiệu trưởng dạy 2 tiết/tuần, Phó hiệu trưởng dạy 4 tiết/tuần. Khi dạy đủ số tiết thì Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng mới được hưởng phụ cấp 30% đứng lớp.

Theo quy định trên thì ông Tài đã ngang nhiên “ăn gian” khi cắt xén nhiều tiết dạy mà vẫn “dửng dưng” được hưởng 30% phụ cấp đứng lớp. Việc làm này của ông Tài là không công bằng với những cán bộ, GV của trường và khác nào là “xem thường” cả quy định của Bộ GD-ĐT.

Trong năm học 2015-2016, ông Phan Thanh Tài bị "tố" đã lập “khống” lớp dạy nghề lớp 8 từ 3 lớp lên thành 4 lớp để lấy số tiền hơn 5 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này được ông Tài kêu đưa cho bà Dương Thị Mộng Hà là thủ quỹ của trường. Cho đến nay, dù đã hết năm học cũ và đã vào năm học mới nhưng số tiền vẫn chưa được thanh quyết toán và công khai rõ ràng.

Ngoài việc không đứng lớp theo quy định, ông Tài là Chủ tịch Hội đồng thi kiểm tra học kỳ II năm học 2015-2016, đã không lập Hội đồng tổ chức thi lại cho những học sinh vắng mặt trong các buổi thi chính thức, mà cho các em thi lại với đề thi chính thức đã bị lộ. Việc này của ông Tài cũng đã vi phạm quy chế chuyên môn.

Dù bị tố có những sai phạm như trên nhưng cuối năm học 2015-2016, qua kết quả đánh giá, xếp loại Phó hiệu trưởng và giáo viên về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống và về chuyên môn nghiệp vụ, ông Tài đều được xếp loại tốt. Trong đó, xếp loại thi đua cả năm, ông Tài được xếp loại A. Đặc biệt, ông Tài là một trong những người được đề nghị công nhận danh hiệu Lao động tiên tiến.

Tuy nhiên, những sai phạm của ông Phan Thanh Tài vẫn không được Phòng GD-ĐT huyện Hòa Bình xử lý mà còn có dấu hiệu bao che. Đặc biệt, Phòng còn giao cho ông Tài quyền điều hành trường sau khi Hiệu trưởng bị miễn nhiệm, đã gây bức xúc trong dư luận giáo viên.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.

H.H