Bạc Liêu:

Phó hiệu trưởng bị “tố” sai phạm vẫn được giao điều hành trường: Có dấu hiệu lập “khống”?

(Dân trí) - Không chỉ sai phạm về chuyên môn, ông Phan Thanh Tài- Phó hiệu trưởng Trường THCS Vĩnh Mỹ A (huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) còn bị giáo viên “tố” đã lập “khống” lớp dạy nghề để… lấy tiền một cách không minh bạch.

Theo đơn tố cáo ông Phan Thành Tài - Phó hiệu trưởng điều hành Trường THCS Vĩnh Mỹ A của một số giáo viên (GV), ông Tài không chỉ sai phạm chuyên môn là không dạy đủ tiết theo quy định của Bộ GD-ĐT mà ông này còn có dấu hiệu “lợi dụng chức quyền” để trục lợi cá nhân.

Đơn tố cáo của GV nêu rõ, trong năm học 2015-2016, ông Phan Thanh Tài đã lập “khống” lớp dạy nghề lớp 8 từ 3 lớp lên thành 4 lớp để lấy tiền một cách không minh bạch.

Đơn tố cáo ông Phan Thanh Tài- Phó hiệu trưởng Trường THCS Vĩnh Mỹ A của một số giáo viên gửi báo Dân trí.
Đơn tố cáo ông Phan Thanh Tài- Phó hiệu trưởng Trường THCS Vĩnh Mỹ A của một số giáo viên gửi báo Dân trí.

Tiếp xúc với PV Dân trí, một nguồn tin từ Trường THCS Vĩnh Mỹ A (xin được giấu tên) xác nhận, có việc trường này ký hợp đồng 4 lớp dạy nghề điện dân dụng với Trung tâm Giáo dục thường xuyện huyện Hòa Bình trong năm học 2015-2016.

Nguồn tin này cho biết, thời điểm ký hợp đồng do bà Phạm Thanh Trúc khi còn hiệu trưởng nhà trường ký, trong đó ông Tài là Phó hiệu trưởng biết việc này. Sau đó, bà Trúc được miễn nhiệm hiệu trưởng, mọi việc liên quan đến trường, trong đó có vấn đề tài chính đều giao lại cho ông Tài phụ trách.

Theo nguồn tin của PV, lớp dạy nghề bắt đầu từ tháng 10/2015 và kéo dài đến tháng 3/2016. Dù trên hợp đồng có 4 lớp (mỗi lớp 70 tiết, tổng là 280 tiết) nhưng người trực tiếp đứng lớp chỉ dạy 3 lớp (210 tiết). Vị chi mỗi tiết học là 45.000 đồng, 4 lớp là 280 tiết, tổng số tiền là 12,6 triệu đồng. Trong đó, mỗi tiết người dạy chỉ được hưởng 40.000 đồng, còn lại 5.000 đồng để lại cho trường gọi là phí giảng dạy.

Theo xác minh của PV, người trực tiếp đứng dạy 3 lớp nghề sẽ hưởng tổng số tiền là 9.450.000 đồng. Tuy nhiên, phải đưa lại cho trường phí giảng dạy là 1.050.000 đồng, còn lại là 8,4 triệu đồng.

Điều đáng nói, theo tìm hiểu của PV, ông Tài lại “đòi” thêm 10% gọi là phí cơ sở vật chất. Như vậy, người đứng lớp phải “chi” thêm 840.000 đồng, chỉ còn hưởng 7.560.000 đồng.

Theo nguồn tin cung cấp cho PV, tổng số tiền người đứng dạy lớp nghề đưa lại cho trường là 5.040.000 đồng. Trong đó, gồm một lớp dạy nghề “trên giấy” là 3.150.000 đồng, phí giảng dạy 3 lớp là 1.050.000 đồng và 10% phí cơ sở vật chất là 840.000 đồng.

“Toàn bộ số tiền trên được ông Tài kêu đưa cho bà Dương Thị Mộng Hà là thủ quỹ của trường. Cho đến nay, dù đã hết năm học cũ và sắp vào năm học mới nhưng số tiền vẫn chưa được thanh quyết toán và công khai rõ ràng khiến dư luận giáo viên rất bức xúc”, nguồn tin của PV thông tin rõ.

Một số GV cho rằng, dù số tiền không lớn nhưng việc làm trên của ông Phan Thanh Tài với trách nhiệm được giao điều hành trường là không chấp nhận được. Bởi việc làm nhập nhèm trong vấn đề mở lớp học nghề để “lấy” tiền dùng vào bất cứ việc gì cũng là thiếu minh bạch, gây mất niềm tin trong cán bộ, giáo viên của trường nói riêng, ngành giáo dục của địa phương nói chung.

Trường THCS Vĩnh Mỹ A, nơi ông Phan Thanh Tài- Phó hiệu trưởng- bị tố nhiều sai phạm nhưng vẫn được giao quyền điều hành trường.
Trường THCS Vĩnh Mỹ A, nơi ông Phan Thanh Tài- Phó hiệu trưởng- bị "tố" nhiều sai phạm nhưng vẫn được giao quyền điều hành trường.

Như Dân trí đã có bài "Bị tố sai phạm, Phó hiệu trưởng vẫn được ưu ái giao quyền... điều hành trường" phản ánh, khoảng tháng 10/2013, ông Phan Thanh Tài (SN 1975) được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng Trường THCS Vĩnh Mỹ A (xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu). Trong thời gian này, ông Tài vi phạm quy chế chuyên môn, trong đó đã cắt xén nhiều tiết dạy, nhưng vẫn được hưởng 30% phụ cấp đứng lớp.

Cụ thể, trong 3 năm học (từ 2013-2016), tổng cộng ông Tài không đứng lớp dạy khoảng 10 tháng, mỗi tháng nhận 30% phụ cấp đứng lớp với tổng số tiền là 14.628.000 đồng, chưa tính đến những tháng nghỉ hè.

Trong đó, chỉ tính riêng học kỳ I năm học 2015-2016, ông Tài cắt xét chương trình dạy môn Tiếng Anh tự chọn ở lớp 6B, chỉ dạy 9 tiết/12 tiết, “ăn gian” 3 tiết. “Hiệu trưởng phân công dạy một tiết ở lớp 6B, nhưng thầy Tài không dạy từ tuần 13 đến tuần 19 trong năm học 2015-2016”, phản ánh của giáo viên nêu rõ.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, tại Điều 7, Thông tư 28 có quy định về định mức tiết dạy đối với Hiệu trưởng và Phó hiệu trưởng các trường phổ thông. Trong đó, Hiệu trưởng và Phó hiệu trưởng trường phổ thông có nhiệm vụ giảng dạy một số tiết để nắm được nội dung, chương trình giáo dục và tình hình học tập của học sinh nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý. Cụ thể, Hiệu trưởng dạy 2 tiết/tuần, Phó hiệu trưởng dạy 4 tiết/tuần. Khi dạy đủ số tiết thì Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng mới được hưởng phụ cấp 30% đứng lớp.

Theo quy định trên thì ông Tài đã ngang nhiên “ăn gian” khi cắt xén nhiều tiết dạy mà vẫn “dửng dưng” được hưởng 30% phụ cấp đứng lớp. Việc làm này của ông Tài là không công bằng với những cán bộ, GV của trường và khác nào là “xem thường” cả quy định của Bộ GD-ĐT.

Điều đáng nói, mặc dù ông Phan Thanh Tài sai phạm chuyên môn từ năm 2013-2015, gây bất bình trong dư luận GV, nhưng ông này vẫn được Phòng GD-ĐT huyện Hòa Bình “ưu ái” giao quyền điều hành Trường THCS Vĩnh Mỹ A từ tháng 1/2016.

Trước đó, PV đã liên lạc với ông Tài để tìm hiểu rõ hơn những nội dung tố cáo của GV, tuy nhiên, ông Tài từ chối gặp PV.

Liên quan đến các vụ việc, khi làm việc trực tiếp với PV Dân trí, ông Dương Văn Thới - Chủ tịch UBND huyện Hòa Bình, cho biết, sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan làm rõ để có kết luận cụ thể.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.

H.H

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm