Hà Nam:
Phó chủ tịch TP Phủ Lý ký thu hồi đất trái thẩm quyền, người dân vẫn bị xử phạt
(Dân trí) - Thẩm quyền ký quyết định thu hồi đất thuộc về chủ tịch thành phố, thế nhưng, ông Đào Xuân Ngữ - Phó chủ tịch UBND TP Phủ Lý (Hà Nam) lại đứng ra ký thay. Người dân bất bình khiếu nại vì cho rằng bị áp giá đền bù "nhập nhèm" thì chính quyền địa phương lại liên tiếp ra quyết định xử phạt. <br><a href='http://dantri.com.vn/ban-doc/ubnd-tp-phu-ly-bi-to-nhap-nhem-gia-den-bu-khi-thu-hoi-dat-cua-dan-942768.htm'><b> >> UBND TP Phủ Lý bị tố "nhập nhèm" giá đền bù khi thu hồi đất của dân</b></a><br><a href='http://dantri.com.vn/ban-doc/ha-nam-nhap-nhem-gia-den-bu-do-xac-dinh-sai-nguon-goc-dat-cua-dan-943370.htm'><b> >> Hà Nam: ""nhập nhèm" giá đền bù do xác định sai nguồn gốc đất của dân"</b></a><br><a href='http://dantri.com.vn/ban-doc/luat-su-chi-ro-viec-vi-pham-to-tung-hoi-dong-xet-xu-van-quyet-khong-hoan-toa-944012.htm'><b> >> Luật sư chỉ rõ việc vi phạm tố tụng, hội đồng xét xử vẫn quyết không hoãn tòa</b></a>
Như báo Dân trí đã đưa tin, gia đình cụ Nguyễn Hà Nhi (hiện nay do con gái là bà Nguyễn Thị Oanh là người đại diện) có quản lý, sử dụng một diện tích đất rộng 1.312,2m2 (trong đó: 205m2 đất thổ cư, 562m2 đất vườn; 233,9m2 đất vườn và 311,3m2 đất ao) tại tổ 8, phường Quang Trung, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam từ những năm 1960 đến nay. Và đến ngày 28/10/2009, UBND thành phố Phủ Lý đã ban hành Quyết định số 1188/22/QĐ -UBND thu hồi toàn bộ diện tích đất nói trên của gia đình cụ Nhi.
Khu đất bị thu hồi của gia đình cụ Nguyễn Hà Nhi.
Sau nhiều năm gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng nhưng không được giải quyết thỏa đáng, gia đình bà Oanh đã khởi kiện UBND thành phố Phủ Lý ra các cấp Tòa án có thẩm quyền. Tuy nhiên cả hai cấp xét xử đều đã bác yêu cầu khởi kiện của bà Oanh, dù bà đã xuất trình đầy đủ các căn cứ theo quy định pháp luật về quá trình quản lý, sử dụng đất của gia đình bà trong suốt gần nửa thế kỷ qua.
Liên quan đến vấn đề này, PV Dân trí đã có buổi làm việc với luật sư Đinh Tây Viêm - Trưởng VPLS Vĩnh Phúc, Đoàn Luật sư TP Hà Nội dưới góc độ pháp lý.
Thưa luật sư Đinh Tây Viêm, xin luật sư cho biết Quyết định thu hồi đất số 1188/22/QĐ-UBND được Phó Chủ tịch UBND thành phố Phủ Lý ký ban hành ngày 28/10/2009 có đúng quy định pháp luật không?
Luật sư Đinh Tây Viêm: Phó chủ tịch TP Phủ Lý ký quyết định thu hồi đất trái thẩm quyền.
Luật sư Đinh Tây Viêm: Để thực hiện dự án xây dựng cầu Phù Vân, ngày 28/10/2009, UBND thành phố Phủ Lý đã ban hành Quyết định số 1188/22/QĐ -UBND thu hồi đất của gia đình bà Nguyễn Thị Oanh (tại tổ 8, phường Quang Trung, thành phố Phủ Lý) với diện tích bị thu hồi là 1312,2m2 (trong đó: 205m2 đất thổ cư, 562m2 đất vườn; 233,9m2 đất vườn và 311,3m2 đất ao).
Theo quy định tại Điều 44 Luật đất đai năm 2003 thì:
“Điều 44. Thẩm quyền thu hồi đất
1. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định thu hồi đất đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quyết định thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
3. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này không được uỷ quyền.”
Như vậy, UBND là cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất, và với tư cách là người đại diện trước pháp luật của UBND, chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện là người có trách nhiệm kí quyết định thu hồi đất và tuyệt đối không được ủy quyền cho bất cứ cá nhân, tổ chức khác ký quyết định thu hồi đất.
Đối chiếu với quy định hiện hành này của Luật Đất đai thì đối với trường hợp thu hồi đất của gia đình cụ Nhi, UBND thành phố Phủ Lý là cơ quan có thẩm quyền ban hành Quyết định thu hồi đất và người ký Quyết định thu hồi đất phải là Chủ tịch UBND thành phố Phủ Lý. Do đó việc Phó Chủ tịch UBND thành phố Phủ Lý kí ban hành Quyết định số 1188/22/QĐ -UBND thu hồi đất của gia đình cụ Nhi, là hành vi trái thẩm quyền theo các quy định pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng đến các quy định pháp luật, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của toàn thể các thành viên trong gia đình bà Oanh. Do vậy, Quyết định số 1188/22/QĐ –UBND hoàn toàn vô hiệu do sai về chủ thể ký ban hành nên không thể triển khai thực hiện trên thực tế.
Thẩm quyền ký quyết định thu hồi đất thuộc về chủ tịch thành phố, thế nhưng, ông Đào Xuân Ngữ - Phó chủ tịch UBND TP Phủ Lý (Hà Nam) lại đứng ra ký thay.
Tuy nhiên, UBND thành phố Phủ Lý đã tiếp tục duy trì hiệu lực của Quyết định này, đồng thời lấy đó làm căn cứ để ban hành nhiều văn bản tiếp theo dẫn đến việc vô hiệu hoàn toàn các văn bản đó.
Vậy thưa luật sư, tính cá biệt hóa của Quyết định hành chính là gì, được thể hiện như thế nào trong Quyết định 1383/2/QĐ-UBND và Quyết định 1383/3/QĐ-UBND ngày 23/11/2012 của UBND thành phố Phủ Lý?
Luật sư Đinh Tây Viêm: Về mặt lí luận, quyết định xử phạt vi phạm hành chính là quyết định để giải quyết một vấn đề, áp dụng với một đối tượng cá biệt.
Trong vụ việc thu hồi đất của gia đình bà Oanh, do việc bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất không thỏa đáng, không đúng theo quy định của pháp luật nên gia đình bà Oanh đã không tự nguyện giao đất cho Ban GPMB, đồng thời tiến hành khiếu nại đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tháng 10/2012 Chủ tịch UBND thành phố Phủ Lý đã ban hành Quyết định số 1188/QĐ-UBND về việc giải quyết khiếu nại. Trong nội dung quyết định cho rằng việc bồi thường như phương án bồi thường của thành phố đã xây dựng là đúng. Và đến ngày 23/11/2012 chủ tịch UBND thành phố Phủ Lý đã ra Quyết định số 1383/2/QĐ-UBND và 1383/3/QĐ-UBND xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với bà Oanh và hai anh em trai của bà Oanh là ông Nguyễn Xuân Du và ông Nguyễn Đức Quảng về hành vi không giao đất đúng thời hạn cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Việc xử phạt hành chính về lĩnh vực đất đai của UBND TP Phủ Lý cũng bị người dân phản ứng.
Tuy nhiên, hai Quyết định xử phạt vi phạm hành chính là Quyết định 1383/2/QĐ-UBND và Quyết định 1383/3/QĐ-UBND ngày 23/11/2012 có nhiều điểm chưa đúng với quy định của pháp luật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của gia đình bà Oanh.
Có thể thấy, thửa đất bị thu hồi có diện tích 1.312,2m2 là di sản thừa kế của bố mẹ bà Oanh để lại cho các con. Sau khi được thừa kế, các anh, chị, em bà Oanh cũng chưa có bất cứ thỏa thuận nào về việc chia thừa kế diện tích đất này. Chính vì thế mỗi người trong gia đình không có quyền tự quyết định bàn giao đất cho UBND thành phố Phủ Lý vì việc bàn giao đất cần phải có sự thống nhất của các thành viên trong gia đình, nếu việc thu hồi đất là tuân thủ đúng theo quy định pháp luật.
Giả sử việc thu hồi đất là tuân thủ đúng trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật, thì hành vi không bàn giao đất là hành vi chung trên cơ sở quyết định của 11 anh, chị, em gia đình bà Oanh. Tuy nhiên trong Quyết định số 1383/2/QĐ-UBND, chủ tịch UBND thành phố Phủ Lý lại xử phạt ông Nguyễn Xuân Du (em trai bà Oanh) là hoàn toàn không đúng, vi phạm các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà cụ thể đã vi phạm khoản 4 Điều 3 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính:
“Điều3.Nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính
4. Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt hành chính một lần.
Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt.
Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm.”
Như đã nói, về mặt lí luận quyết định xử phạt vi phạm hành chính là quyết định để giải quyết một vấn đề, áp dụng với một đối tượng cá biệt. Tuy nhiên tại cùng một văn bản là Quyết định 1383/3/QĐ-UBND thì bà Oanh và anh trai là ông Nguyễn Xuân Quảng cùng bị xử phạt với lí do “Đã có hành vi vi phạm hành chính: Không trả lại đất theo đúng thời hạn theo Quyết định thu hồi”. Vậy, việc không cá biệt hóa trách nhiệm của mỗi cá nhân trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính là hoàn toàn không đúng với quy định của pháp luật.
Giả sử có việc các đương sự có lỗi thì theo quy định trên, trong trường hợp UBND thành phố Phủ Lý xác định cả bà Oanh và ông Quảng đều có hành vi vi phạm các quy định trong lĩnh vực đất đai thì phải ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính riêng đối với từng người chứ không thể xử phạt chung trong cùng một quyết định như đã thể hiện tại Quyết định số 1383/3/QĐ-UBND mà chủ tịch UBND thành phố Phủ Lý đã ban hành. Cụ thể, tại Quyết định này, UBND thành phố Phủ Lý quyết định xử phạt ông Quảng, bà Oanh năm trăm nghìn đồng. Như vậy, theo Quyết định này thì mỗi đương sự không thể biết được cá nhân mình sẽ phải chịu trách nhiệm nộp phạt bao nhiêu trong tổng số tiền phạt mà cơ quan có thẩm quyền đã quy định. Việc xử phạt hai người trong cùng một quyết định như vậy là trái với các quy định của pháp luật, do đó quyết định này phải được hủy bỏ.
Có thể thấy, cả hai quyết định xử phạt hành chính trên đều không tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Do đó, hai quyết định này phải được hủy bỏ để đảm bảo quyền và lợi ích của các thành viên trong gia đình bà Oanh.
Xin cảm ơn luật sư!
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế