Phó chủ tịch huyện bị tố kỳ kèo phần trăm: Vì sao phải tìm người đăng clip?
(Dân trí) - "Chưa đề cập đến mục đích cụ thể của người đăng clip là gì, nhưng hành vi đăng tải, sử dụng các thông tin cá nhân của người khác khi chưa được sự đồng ý của họ là hành vi trái quy định của pháp luật".
Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết như vậy.
Ngày 27-28/5 tài khoản Facebook Hai Nguyen đăng tải đoạn clip kèm dòng chữ: "Luật chơi phó chủ tịch huyện...". Nội dung đoạn clip là cuộc trao đổi qua điện thoại giữa Phó chủ tịch UBND huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau và một nhà thầu. Đoạn clip được cho là thể hiện kỳ kèo phần trăm tiền công trình.
Ngày 14/6, xác nhận với phóng viên Dân trí, ông Lê Văn Ngời, Chánh văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết, qua làm việc với tổ kiểm tra, 2 người nói trong đoạn clip là ông N.V.S., Phó chủ tịch UBND huyện Phú Tân và nhà thầu thừa nhận có cuộc trao đổi, nội dung như trong clip.
Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, ông N.V.S., Phó chủ tịch UBND huyện Phú Tân, cho rằng bản chất vụ việc không phải là mặc cả lại quả hay hoa hồng của công trình dự án.
Ông Nguyễn Văn Đen, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau, cho biết Sở vẫn đang xác minh chủ tài khoản Facebook đăng tải clip.
Nhiều độc giả Dân trí cùng chung thắc mắc: "Clip là có thật và người trong clip cũng đã nhận, tôi không hiểu cứ phải đi tìm người tung clip làm gì, có phải người ta cắt ghép vu khống đâu?".
Giải đáp băn khoăn của bạn đọc, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết, chưa đề cập đến mục đích cụ thể của tài khoản Facebook này là gì, nhưng hành vi đăng tải, sử dụng các thông tin cá nhân của người khác khi chưa được sự đồng ý của họ là hành vi trái quy định của pháp luật.
Và tùy vào mức độ, tính chất của hành vi mà người phát tán hình ảnh, clip của người khác có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo luật sư Tiền, hành vi đăng tải thông tin của tài khoản Hai Nguyen là hành vi tiết lộ thông tin thuộc bí mật đời tư của cá nhân theo quy định tại Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP. Theo đó, người thực hiện hành vi đăng tải thông tin cá nhân của người khác lên mạng có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Ngoài ra còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải gỡ bỏ các thông tin đã đăng tải.
Nếu hành vi sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì người thực hiện hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Làm nhục người khác" theo Điều 155 Bộ luật Hình sự, sửa đổi bổ sung 2015. Theo đó, người thực hiện hành vi này có thể đối diện với mức phạt thấp nhất là bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 - 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc hình phạt cao nhất là 5 năm tù.
Qua vụ việc này, luật sư trao đổi thêm, mỗi công dân đều có quyền tố cáo, tố giác hành vi trái quy định pháp luật nhưng việc đó cần phải thực hiện đúng pháp luật. Nếu công dân nắm được những thông tin liên quan đến hành vi trái pháp luật của các cán bộ công chức có thể thực hiện quyền tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền, thay vì đăng tải các thông tin của người khác khi chưa được phép vì có thể dẫn tới những hậu quả không lường trước được.