Phó chánh án làm giả quyết định công nhận thuận tình ly hôn đối diện án phạt nào?

(Dân trí) - Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã ra cáo trạng truy tố bị can Phạm Trung Hiếu, 42 tuổi, khi phạm tội là thẩm phán, Phó Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng (bị tạm đình chỉ công tác từ ngày 16-8-2016 theo quyết định của TAND tỉnh Lâm Đồng) về tội “Giả mạo trong công tác”, theo Điều 284 Bộ luật Hình sự.

Theo cáo trạng, đầu tháng 8-2015, ông Ngô Văn Thắng (là hàng xóm với Phạm Trung Hiếu) đến phòng làm việc của thẩm phán - Phó Chánh án Phạm Trung Hiếu đưa đơn ly hôn giữa ông Thắng và vợ là bà Phạm Thị Lê với lý do: trong quá trình chung sống giữa hai vợ chồng có nhiều mâu thuẫn, hiện hai người đã sống ly thân.

Sau khi nhận đơn xin ly hôn và nghe ông Thắng trình bày, Phạm Trung Hiếu đã không chuyển cho văn phòng để thụ lý, không báo cáo chánh án để phân công cán bộ giải quyết và cũng không mời bà Phạm Thị Lê, ông Ngô Văn Thắng đến toà án làm việc theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Sau đó, Phạm Trung Hiếu đã sử dụng quyết định thuận tình ly hôn của vụ án khác có sẵn trong máy vi tính để soạn thảo và ban hành Quyết định công nhận thuận tình ly hôn số 35/2015/QĐST-HNGĐ ngày 26-8-2015 giữa ông Ngô Văn Thắng và bà Phạm Thị Lê. Ngay sau đó, Hiếu kẹp quyết định này vào giữa các quyết định khác rồi chuyển cho bộ phận văn thư đóng dấu và đưa cho ông Thắng 2 bản.

Nhận định dưới góc độ pháp lý, Tiến sĩ- Luật sư Nguyễn An, Hãng Luật Cộng Đồng cho rằng việc Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố Phạm Trung Hiếu về tội “Giả mạo trong công tác” theo Điều 284 Bộ luật hình sự là chưa chính xác. Bởi hành vi của Phạm Trung Hiếu không thuộc một trong ba trường hợp quy định tại Điều 284. Cụ thể, điều luật quy định:

“1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:

a) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu;

b) Làm, cấp giấy tờ giả;

c) Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn”

Hành vi sửa chữa, làm sai lệch giấy tờ được hiểu là hành vi tẩy xóa, thêm bớt làm cho nội dung của giấy tờ tài liệu đó không đúng như bản chất ban đầu. Giấy tờ, tài liệu bị sửa chữa ở đây phải là giấy tờ đã có giá trị nhất định do một cơ quan, tổ chức ban hành. Trong trường hợp này, Quyết định công nhận thuận tình ly hôn chưa được ban hành và cũng không bị tẩy xóa làm thay đổi nội dung. Do vậy, hành vi của Phạm Trung Hiếu không phải là hành vi sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu

Hành vi làm, cấp giấy tờ giả: Làm giấy tờ giả là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm ra một trong các giấy tờ mang tiêu đề nhất định và có giá trị nhất định, nhưng nội dung không đúng với thực tế khách quan. Giấy tờ giả là giấy tờ không có thật, tức là cơ quan Nhà nước không ban hành loại giấy tờ đó hoặc có ban hành nhưng nội dung không đúng với giấy tờ mà người phạm tội làm. Trong trường hợp này, Quyết định công nhận thuận tình ly hôn đúng mẫu ban hành, do người có thẩm quyền ký và đóng dấu, dấu cũng là dấu của UNBD huyện Cát Tiên. Quyết định công nhận thuận tình ly hôn đúng về mặt hình thức. Do vậy, đây không phải là giấy tờ giả, giấy tờ ở đây là có thật.

Hành vi giả mạo chữ ký của người có chức vụ quyền hạn: Chữ ký của Quyết định công nhận thuận tình ly hôn là do chính Phạm Trung Hiếu ký tên của mình nên không phải là giả mạo.

Như vậy, hành vi của Phạm Trung Hiếu không cấu thành tội Giả mạo trong công tác như Viện Kiểm sát nhân dân đã truy tố. Trong vụ việc này, Phạm Trung Hiếu có lỗi là đã làm sai quy trình tố tụng của việc giải quyết vụ án dân sự. Hành vi sai trái chưa gây ra hậu quả nên có thể dùng hình thức xử lý kỷ luật theo quy định tại Nghị định 34/2011/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức và theo quy định của ngành.

Đối với giao dịch bán tài sản với giá trị 100 triệu đồng, Quyết định công nhận thuận tình ly hôn là sai và cần phải hủy bỏ. Theo quy định của Bộ luật dân sự thì giao dịch mua bán tài sản cũng bị vô hiệu. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả nhau những gì đã nhận, bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.

Phạm Thanh (ghi)