Vụ thu hồi đất gây bức xúc ở Đại Từ, Thái Nguyên:

Phiên tòa sơ thẩm phải hoãn do vi phạm tố tụng

(Dân trí) - Ngày 24/10/2013, TAND huyện Đại Từ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án thu hồi đất của ông Nguyễn Văn Bắc ở xã Hà Thượng, huyện Đại Từ. Tuy nhiên, phiên tòa đã phải hoãn khi luật sư chỉ ra dấu hiệu vi phạm tố tụng.

Như thông tin báo Dân trí đã đưa trong bài viết “Người tố cáo vụ cưỡng chế trái luật ở huyện Đại Từ bị trả thù?” và “Những dấu hiệu bất thường trong vụ án hành chính”, phản ánh việc UBND huyện Đại Từ thu hồi đất của ông Nguyễn Văn Bắc ở xóm 2, xã Hà Thượng, huyện Đại Từ. Ông Bắc là bộ đội xuất ngũ về địa phương năm 1987 và là hộ nông dân làm kinh tế V.A.C điển hình của Đại Từ.
 
Đông đảo nhân dân huyện Đại Từ đến tham dự phiên tòa
Đông đảo nhân dân huyện Đại Từ đến tham dự phiên tòa

Năm 2004, ông Bắc đã giao 40.000 m2 đất cho UBND huyện Đại Từ để thực hiện dự án khai thác quặng. Quá trình UBND huyện Đại Từ thực hiện việc thu hồi đất, ông Bắc phát hiện có nhiều sai phạm từ phía chính quyền và đã làm đơn khiếu nại, tố cáo nhiều lần đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong thời gian đơn tố cáo đang được xem xét và chưa có kết luận cuối cùng, bất ngờ ngày 11/12/2012 chính quyền địa phương đó đến để thực hiện việc cưỡng chế phá dỡ ngôi nhà tạm của gia đình ông Bắc và thu giữ một số tài sản có giá trị là công cụ kiếm sống hàng ngày của gia đình ông Bắc như 3 ô tô (2 xe Ben, 1 xe vận tải), 1 máy phát điện, 3 tạ chè cùng một số đồ dùng khác trong lúc cả gia đình ông Bắc vắng nhà.

Trước đó, ông Bắc không hề bị chính quyền lập biên bản vi phạm về hành vi xây dựng và cũng không nhận được bất kỳ một quyết định xử phạt hay quyết định cưỡng chế nào. Quá bức xúc, ngày 21/1/2013 ông Nguyễn Văn Bắc đã khởi kiện vụ án ra TAND huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, người bị kiện là ông Nguyễn Hải Đường - Chủ tịch UBND huyện Đại Từ.

Ngày 24/10/2013, phiên tòa xét xử sơ thẩm diễn ra trước sự chứng kiến của hàng trăm người dân Đại Từ. Trước đó, phiên tòa xét xử vụ án đã bị hoãn một lần, do ông Lương Đức Long - thẩm phán được phân công xét xử vụ án đã vi phạm tố tụng trọng việc giao quyết định đưa vụ án ra xét xử cho đương sự nên ông Bắc đã khiếu nại hành vi vi phạm đến Chánh án TAND huyện Đại Từ.

Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án, luật sư Ngô Tất Hữu - Trưởng VPLS Thủ đô và luật sư Trương Anh Tú - Trưởng VPLS Trương Anh Tú, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội - luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Nguyễn Văn Bắc đã đưa ra những căn cứ pháp lý để chứng minh sự vi phạm tố tụng hành chính và sự không vô tư, khách quan của thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ án.
 
Luật sư Ngô Tất Hữu và Trương Anh Tú bảo vệ quyền lợi cho ông Bắc
Luật sư Ngô Tất Hữu và Trương Anh Tú bảo vệ quyền lợi cho ông Bắc

Trước khi vụ án được đưa ra xét xử, ông Bắc đã làm đơn yêu cầu Tòa án triệu tập người làm chứng và trưng cầu giám định đối với mét sè tài liệu do phía người bị kiện cung cấp do nghi ngờ về tính trung thực của các loại tài liệu này. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử (HĐXX) vụ án căn cứ khoản 1 Điều 76 Luật Tố tụng hành chính quy định về việc xác định chứng cứ, không chấp nhận yêu cầu của ông Bắc. HĐXX vụ án cho rằng các tài liệu mà người bị kiện cung cấp là “các tài liệu do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận”, vì vậy đây được coi là chứng cứ và không cần thiết phải giám định.

Để phản biện lại ý kiến của HĐXX, các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Bắc lập luận rằng: Đây là một vụ án hành chính mà trong đó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ là người bị kiệt tham gia tố tụng, vì vậy các bên tham gia tố tụng ngang nhau về quyền và nghĩa vụ. Ở đây, chúng ta phải nhìn các tài liệu do Chủ tịch UBND huyện Đại Từ nộp cho tòa án là các tài liệu của người bị kiện cung cấp nên mặc nhiên không thể coi đó là các tài liệu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp, theo đó mặc nhiên xác định đây là chứng cứ mà không cần phải giám định hay xác minh. Ông Bắc hoặc bất kỳ ai khác đều có quyền nghi ngờ về tính khách quan, tính hợp pháp của các loại tài liệu này.

Mặt khác, Điều 83, 84 Luật Tố tụng Hành chính cũng quy định rất rõ: “Theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, thẩm phán ra quyết định trưng cầu giám định”. Căn cứ theo điều văn của Điều luật, khi đương sự có yêu cầu giám định, Tòa án phải ra quyết định trưng cầu giám định và pháp luật cũng không quy định về trường hợp ngoại lệ. Nếu HĐXX chỉ đơn thuần áp dụng điều luật một cách máy móc cho rằng mọi tài liệu do UBND huyện Đại Từ cung cấp đều có giá trị pháp lý thì có lẽ vụ án hành chính không cần thiết phải xét xử bởi không xử đã biết ngay kết quả.

Trước lời phản biện của luật sư, đông đảo người dân tham gia phiên tòa đều đứng dậy vỗ tay tán thành. Tiếp đến, ông Bắc đã yêu cầu thay đổi thẩm phán và thay đổi người tham gia tố tụng là ông Trần Văn Mỳ - Trưởng phòng Phòng TN&MT, là người được ông Nguyễn Hải Đường ủy quyền tham gia tố tụng, đồng thời bổ sung yêu cầu khởi kiện. Trước những yêu cầu của người khởi kiện cùng sự đấu tranh pháp lý của luật sư bảo vệ, phiên tòa đã phải tạm dừng 3 lần để HĐXX hội ý và cuối cùng buộc phải hoãn phiên tòa.

Được biết, ông Bắc cùng với luật sư Ngô Tất Hữu và luật sư Trương Anh Tú đang gửi các đơn thư, kiến nghị đến TAND huyện Đại Từ và các cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ quyền lợi chính đáng người dân, bảo vệ công lý góp phần xây dựng kỷ cương, pháp luật.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Ban Bạn đọc