Bạn đọc viết:
Phía sau nhà trẻ tư
(Dân trí) - Hệ thống giáo dục của bất cứ quốc gia nào đều bắt đầu từ hệ thống nhà trẻ mẫu giáo, phổ thông, đại học và sau đại học, theo mô hình có gốc mới có ngọn.
Thời gian qua, dư luận bàng hoàng và phẫn nộ khi một video clip quay cảnh một chủ nhà trẻ tư hành hạ trẻ em (xin phép không dùng từ cô giáo ở đây, bởi e rằng người đó không đủ tư cách để được gọi bằng từ cao quý đó). Rất may là cơ quan chức năng đã vào cuộc, tuy nhiên xã hội không thể không đặt câu hỏi: còn có bao nhiêu trẻ em bị bạo hành trong các nhà trẻ tư như vậy nữa.
Có quy chế nhưng ai giám sát, đằng sau cánh cổng nhà trẻ tư có thực sự là môi trường sư phạm trong lành hay ngột ngạt bạo lực. Đó mới là vấn đề. Bạo lực học đường trong thời gian qua của học sinh phổ thông phải chăng bắt nguồn từ bạo lực gia đình và bạo lực ngay từ khi trẻ mới đi nhà trẻ?
Nhà trẻ cho con em công nhân tại khu công nghiệp đã được đưa ra bàn nhiều. Nhưng có một thực tế là tình trạng thiếu nhà trẻ cho các khu công nghiệp vẫn đang diễn ra. Các gia đình công nhân trẻ với đồng lương eo hẹp vẫn phải nơm nớp gửi con em mình vào những nhà trẻ tư nhân mà không biết có an toàn hay không? Trong khi đầu tư cho các dự án giáo dục lắm tiền nhiều của ở bậc đại học và sau đại học, cũng như việc xây dựng các nhà trẻ công cộng cho con em công nhân ở các khu công nghiệp đều cần phải được quan tâm giống nhau.
Bên cạnh đó, cần kêu gọi một môi trường sản xuất kinh doanh nhân bản, vì con người, từ phía các doanh nghiệp. Đó mới là sự phát triển bền vững và nhân đạo. Không thể để tình trạng nhà máy, công xưởng mọc lên ngày càng nhiều, nhưng nhà trẻ lại giảm đi. Người công nhân và con cái họ phải được coi là con người với đầy đủ quyền lao động, nghỉ ngơi và học hành.
Một cái tát với trẻ em hôm nay sẽ để lại sự tổn thương tinh thần ghê gớm, mà sau đó chúng ta mất nhiều thời gian chắc gì xóa đi được. Không quan tâm đến giáo dục từ nhà trẻ và mầm non cũng giống như chúng ta xây nhà từ nóc, mà hậu quả là sau đó chúng ta sẽ phải mất nhiều tiền của và công sức chăm sóc cho những cái cây đã bị còi cọc về nhân cách.
Đinh Thế Hưng