Phát huy hiệu quả của việc ban hành “Chuẩn hiệu trưởng”
(Dân trí) - Nhận thức được tầm quan trọng của công tác quản lý nhà trường, nhất là vai trò đội ngũ hiệu trưởng, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quy định “Chuẩn Hiệu trưởng” trường THCS, THPT và trường THPT có nhiều cấp học và bắt buộc triển khai từ năm học 2010 - 2011.
Mục đích hàng đầu của “Chuẩn hiệu trưởng” là giúp Hiệu trưởng tự đánh giá để từ đó hoàn thiện, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý nhà trường. Chuẩn hiệu trưởng cũng là căn cứ để cơ quan quản lý giáo dục đánh giá, xếp loại hiệu trưởng phục vụ công tác sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng và đề xuất, thực hiện chế độ, chính sách đối với hiệu trưởng. Với những nội dung, tiêu chí khá cụ thể, chi tiết được đề ra trong quy định, hiệu truởng phải là người thực sự có năng lực sư phạm, năng lực quản lý, năng động sáng tạo và có trách nhiệm cao với sự nghiệp “trồng người”.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn |
Trước thực trạng đó, quy định “chuẩn hiệu trưởng” mà Bộ GD&ĐT mới ban hành đuợc kỳ vọng là sẽ góp phần xây dựng, đổi mới nội dung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ hiệu trưởng. Góp phần phục vụ công tác sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, là cứ liệu quan trọng giúp các cơ quan quản lý giáo dục cấp trên thực hiện việc đề xuất đánh giá xêp loại hiệu trưởng cũng như thực hiện chế độ chính sách luân chuyển phù hợp với yêu cầu đặt ra. Theo quy định “chuẩn hiệu trưởng”, giáo viên có quyền được “chấm điểm” hiệu trưởng dựa trên 5 tiêu chuẩn nghề nghiệp và 30 tiêu chí, cụ thể như: Đạo đức nghề nghiệp, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, năng lực quản lý, tác phong làm việc, giao tiếp ứng xử… Tổng điểm được “chấm” tối đa là 300 điểm. Theo đó, mỗi tiêu chí tính thang 10 điểm, đánh giá chung chia làm 4 loại: Loại xuất sắc 270 điểm (phải đạt ít nhất 8 điểm/tiêu chí); loại khá đạt tối thiểu 210 điểm (đạt ít nhất 6 điểm/tiêu chí); loại trung bình đạt tối thiểu 150 điểm và loại kém dưới mức 150 điểm hoặc có tiêu chí đạt không điểm. Hiệu trưởng được xem là đạt chuẩn nếu xếp loại đạt từ trung bình trở lên. Quy trình “chấm điểm” được thực hiện như sau: hiệu trưởng tự nhận xét đánh giá trước tập thể nhà trường, cán bộ giáo viên sẽ tham gia đánh giá, góp ý. Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp hiệu trưởng sau khi tham khảo kết quả, có biện pháp đối chiếu, kiểm chứng thực tế sẽ xếp loại, đánh giá. Kết quả của việc “chấm điểm” hiệu trưởng được công bố công khai và lưu trong hồ sơ cán bộ.
Trên thực tế, việc “chấm điểm” hiệu trưởng được thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình, khách quan, chính xác sẽ là “thuốc thử” cần thiết đối với năng lực, trình độ quản lý của hiệu trưởng. Giúp mỗi hiệu trưởng có thể tự điều chỉnh mình và có ý thức hơn trong việc rèn luyện bản thân và nâng cao trình độ nghiệp vụ. Đồng thời, đó cũng là cơ hội để đội ngũ giáo viên, cán bộ công nhân viên trong nhà trường bày tỏ ý kiến, quan điểm đối với người quản lý trực tiếp của mình, tạo ra không khí dân chủ, cởi mở trong hội đồng nhà trường. Mặc dù vậy, trong quá trình thực hiện cần khắc phục một số hiện tượng bất cập như: giáo viên sợ hiệu trưởng trù dập, gây khó khăn trong công tác chuyên môn, giảng dạy nên không trung thực trong đánh giá, “chấm điểm”; hiệu trưởng tìm cách “lấy lòng” giáo viên bằng kiểu quản lý “dĩ hoà vi quý”. Nên chăng, bên cạnh việc xem kết quả “chấm điểm” hiệu trưởng là một kênh thông tin quan trọng, các cấp quản lý cần dựa vào mức độ chuyển biến, tiến bộ, hiệu quả trong chất lượng dạy - học của đơn vị trường học để giúp cho việc đánh giá, xếp loại năng lực quản lý của hiệu trưởng được toàn diện và chính xác hơn.
Bùi Minh Tuấn
Nghệ An
LTS Dân trí - Hiệu trưởng là người trực tiếp lãnh đạo và quản lý mọi mặt hoạt động của nhà trường, do đó vai trò gương mẫu cùng năng lực chuyên môn và quản lý của hiệu trưởng có ý nghĩa quyết định và hiệu quả hoạt động của nhà trường cũng như việc phấn đấu nâng cao chất lượng dạy và học.
Vì vai trò người Hiệu trưởng quan trọng như vậy cho nên việc ban hành “Chuẩn Hiệu trưởng” là rất cần thiết nhằm chuẩn hóa những căn cứ khách quan đánh giá toàn diện về năng lực chuyên môn và quản lý cũng như đạo đức, nhân cách của Hiệu trưởng . Đấy cũng là những tiêu chuẩn trở thành mục tiêu phấn đấu của người Hiệu trưởng, đồng thời tạo điều kiện cho các giáo viên có căn cứ để đóng góp ý kiến và “chấm điểm” Hiệu trưởng.
Tuy nhiên, muốn đưa “Chuẩn Hiệu trưởng” vào cuộc sống và phát huy tác dụng thiết thực, rất cần sự chỉ đạo sát sao của các cấp quản lý giáo dục, nhất là cấp quản lý trực tiếp nhà trường, tránh tình trạng “dĩ hòa vi quý” hoặc “chấm điểm” hiệu trưởng thiếu khách quan, không phản ảnh đúng tình hình thực tế, như sự lưu ý của tác giả bài viết trên đây.